ThienNhien.Net – Đó là mục đích của Hội thảo do Mạng lưới giám sát động, thực vật hoang dã – Tổ chức TRAFFIC phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.
Hội thảo có hơn 80 đại biểu đại diện cho 33 doanh nghiệp (DN) vận tải và hậu cần và đại diện Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, TP HCM và Hiệp hội Vận tải và Ô tô Việt Nam.
Hội thảo nhằm nâng cao năng lực đấu tranh phòng chống tội phạm, nỗ lực giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã cho lãnh đạo các DN, đơn vị hoạt động vận tải, hậu cần và các cơ quan thực thi pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại diện đã trao đổi về vai trò quan trọng của việc bảo tồn các giống loài hoang dã và các hình thức bảo tồn thiên nhiên hoang dã lồng ghép trong công tác chuyên môn của các đơn vị.
Hội thảo cũng “Hỗ trợ DN thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua cập nhật quy định về bảo vệ động, thực vật hoang dã và nhận biết cách che giấu các sản phẩm này trong vận chuyển”. Thông qua Hội thảo, các DN có cơ hội tìm hiểu và lồng ghép các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã vào chính sách trách nhiệm xã hội và bộ quy tắc ứng xử của mình.
Theo Bà Madelon Willemsen, Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam: “Việt Nam được xem là một trong những điểm trung chuyển và tiêu thụ động, thực vật hoang dã trên thế giới. Trong chuỗi vận chuyển và buôn bán hàng hóa, hoạt động vận tải và hậu cần luôn đóng một vai trò quan trọng và cũng vẫn được thể hiện rõ ngay cả trong các hoạt động vận chuyển hàng hóa trái phép. Hội thảo lần này hy vọng sẽ đem đến những kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải và hậu cần trong việc giảm thiểu rủi ro có thể gặp phải khi liên quan đến chuỗi vận chuyển và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Sự tiên phong và cam kết của các DN trong ngành vận tải và hậu cần là chìa khóa tạo nên những thay đổi và tác động tích cực trong việc đấu tranh chống lại các hoạt động vận chuyển và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã trong bối cảnh cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của các hoạt động thực thi pháp luật.”
Các đại biểu đã được tìm hiểu về các phương pháp che giấu động, thực vật hoang dã nguy cấp trong vận chuyển hàng hóa, các quy định pháp lý trong việc quản lý và bảo vệ động, thực vật hoang dã, trong đó có các quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đặc biệt là chuyến tham quan khảo sát thực tế tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.
Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bee Logistics cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì hội thảo đã mang lại nhiều thông tin và kiến thức về bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là việc bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã. Cùng với chúng tôi, các DN vận tải và hậu cần có thể tham gia và ký cam kết thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với tội phạm về động, thực vật hoang dã để qua đó chúng ta có thể mở rộng hơn nhiều cơ hội nhằm giảm thiểu những hành vi buôn bán và vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam”.
Ông Thái Truyền, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết: “Các DN vận tải và hậu cần là những nhân tố quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm về động, thực vật hoang dã. Chúng ta cần nỗ lực khuyến khích các DN này tham gia và áp dụng những công cụ cần thiết để ngăn chặn các hoạt động vận chuyển và buôn bán động, thực vật hoang dã trong và ngoài biên giới Việt Nam. Nhân viên của các DN này cũng cần tích cực phối hợp các cơ quan thực thi pháp luật để nâng cao năng lực và kiến thức về bảo vệ thiên nhiên hoang dã cũng như các vấn đề liên quan đến vận chuyển và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã “.
Hội thảo là hoạt động quan trọng trong nỗ lực bảo tồn động, thực vật hoang dã, khuyến khích cộng đồng DN tham gia hành động nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã bất hợp pháp.