ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, trên địa bàn Lâm Đồng đã xuất hiện tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng giữa “thanh thiên bạch nhật”, liều lĩnh tấn công, truy sát người thi hành công vụ, khiến dư luận không ít hoang mang…
Thực trạng đáng quan ngại
Chiều 10/6 tại tiểu khu 259 (thuộc xã Đạ Đờng, huyện Lâm Hà) Tiến “nghiện” và Ngọc (ngụ thôn Tân Lâm, xã Đạ Đờng) là hai “lâm tặc” khét tiếng phá rừng đã chửi bới và thách thức tổ kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà khi bị bắt quả tang đang phá rừng.
Sau đó, Tiến lao vào đánh anh Hoàng Trọng Thảo (Tổ trưởng) và anh Phan Đình Hòa (Kiểm lâm viên) rồi hất can xăng lên người anh Hòa và lấy hộp quẹt đuổi theo để đốt. May thay, anh Hòa kịp chạy nên lửa chưa bắt vào người. Sau đó, Tiến dùng dao nhọn phóng theo anh Hòa. Cùng lúc, Ngọc dùng dao nhọn rượt đánh ông Nguyễn Bá Oanh, đại diện chủ rừng.
Khi tổ công tác bỏ chạy về Hạt Kiểm lâm thì Tiến, Ngọc phóng xe máy đuổi theo, phóng dao nhọn trúng lưng anh Hòa. Tiếp đó hai lâm tặc này còn ngang nhiên xông vào Hạt Kiểm lâm để tiếp tục đánh anh Hòa. Đến khoảng 19h30’ cùng ngày, Tiến và Ngọc lại kéo thêm người mang dao xông vào Hạt Kiểm lâm, bắt Kiểm lâm viên Huỳnh Minh Thi quỳ xuống và đánh tới tấp cho đến khi Công an huyện Lâm Hà đến giải vây và bắt giữ Tiến.
Ngày 12/6, khoảng 4 đến 5 đối tượng vào văn phòng Phân trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Lang Hanh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên) tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) tấn công gây tương tích cho nhân viên của Trạm là anh Nguyễn Quốc Huy. Không dừng lại chúng còn trói tay chân anh Huy và cử người ở lại canh giữ, còn các đối tượng khác ra ngoài cưa cây gỗ trắc đen thuộc nhóm I, đường kính hơn 40cm, dài khoảng 16 mét để bán cho một người đặt hàng.
Sau đó, Công an huyện Đức Trọng đã bắt được 3 “lâm tặc” nói trên là: Thành (sinh 1992), Long (1985) thường trú xã Ninh Gia và Siêu (1975) thường trú tại tỉnh Đồng Nai.
Đỉnh điểm của nạn “lâm tặc” lộng hành, chống người thi hành công vụ là vụ lấn chiếm đất rừng và phá rừng xảy ra vào ngày 8/8 tại tiểu khu 243A, xã Phi Tô (Lâm Hà). Khi nhận được tin báo, Công an xã Phi Tô điều động 6 công an viên, 3 dân quân phối hợp với 10 cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng (BQLR) Nam Ban đến hiện trường kiểm tra và ngăn chặn sự việc nói trên.
Tuy nhiên, hàng chục người ở thôn Hang Hớt (xã Mê Linh) đã cầm theo dao, rựa, mã tấu chặn đường, rượt đuổi, tấn công lực lượng thực thi công vụ, chém vào cổ anh Nguyễn Ái Tĩnh, cán bộ BQLR Nam Ban, khiến anh Tĩnh tử vong tại chỗ, anh Tân Khoa (21 tuổi) bị chém vào đầu, chấn thương sọ não phải mổ cấp cứu. Riêng Phó Ban Lâm nghiệp xã Phi Tô Triệu Vũ Hiệp, bị một đối tượng dùng mã tấu chém thẳng vào đầu, vỡ mũ bảo hiểm, chấn thương đầu.
Các đối tượng quá khích còn vây đánh và lấy đi một khẩu súng bắn đạn cao su của Trưởng Công an xã Phi Tô; đập phá, gây hư hỏng 7 xe mô tô, trong đó có một xe đặc chủng của cảnh sát.
Ngày 9/8, tại tiểu khu 161 BQLR Lâm Viên phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cùng chính quyền xã Tà Nung huy động gần 40 người nhằm ngăn chặn và bắt giữ một nhóm “lâm tặc” khoảng 5 người đang ngang nhiên dùng cưa máy cưa hạ cây rừng, dựng xưởng cưa dã chiến để cưa xẻ gỗ trái phép tại khu vực rừng xã Tà Nung, giáp ranh với xã Mê Linh (Lâm Hà) thì bị Chữ Hồng Sáu (40 tuổi, ngụ thị trấn Nam Ban, Lâm Hà) liều lĩnh dùng bình xịt hơi cay xịt thẳng vào mặt ông Hoàng Đình Lãm cán bộ BQLR Lâm Viên, khiến ông Lãm choáng váng mặt mày.
Sau đó, Sáu đã bị bắt giữ, còn những “lâm tặc” khác bỏ trốn vào rừng. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ tang vật gồm: 1 bình xịt hơi cay, 1 cưa máy và 3 xe gắn máy dùng để vận chuyển gỗ, 10 hộp gỗ dài trên 2,1m, dày 11cm và rộng khoảng 30cm.
Đâu là nguyên nhân?
Qua những sự việc kể trên cho thấy, tình trạng “lâm tặc” ở Lâm Đồng đang ngày càng lộng hành, liều lĩnh và manh động đến mức báo động. Nguyên nhân là do thời gian qua việc tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa phương chưa tốt. Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi huỷ hoại rừng và tội chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến “lâm tặc” xem thường pháp luật, sức khoẻ và mạng sống con người.
Mặt khác, do cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, việc giao khoán bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, nên một bộ phận dân cư địa phương “đói ăn vụng, túng làm liều” dẫn đến phá rừng và lấn chiếm đất rừng.
Chính vì vậy, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo Công an, Sở NN&PTNT, Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà khẩn trương ổn định tình hình, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vụ lấn chiếm đất rừng, phá rừng và chống người thi hành công vụ xảy ra tại tiểu khu 234A ngày 8/8/2016.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo hệ thống chính trị của huyện, xã Mê Linh và Phi Tô tiếp tục thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của công tác quản lý bảo vệ rừng, nhận thấy trách nhiệm mà một số người dân gây ra; vận động các đối tượng vi phạm ra đầu thú, nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân; ổn định tình hình dân cư tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh và xã Phi Tô; nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đề xuất của người dân để kịp thời giải quyết những vấn đề chính đáng, không để kẻ xấu lợi dụng tình hình gây mất an ninh trật tự, hoặc kích động gây mất đoàn kết, bức xúc trong khu dân cư, và tạo điểm nóng trên địa bàn.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao cho UBND huyện Lâm Hà rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất và đời sống của các hộ dân thôn Hang Hớt để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho người dân trong khu vực về đất sản xuất, thủy lợi, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, nhận khoán bảo vệ rừng, nhằm tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống lâu dài, không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, yên tâm sản xuất, không nghe kẻ xấu xúi giục.
Đối với các Sở, ngành liên quan, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu khẩn trương phối hợp đều tra, làm rõ vụ việc, sàng lọc, xác định đối tượng vi phạm và đối tượng cầm đầu; hoàn thiện hồ sơ vụ việc, xác định rõ các sai phạm để xử lý nghiêm theo luật định.