ThienNhien.Net – Cuộc sống đã đúc kết thành qui luật, khi chúng ta triệt hạ cây cối vì nhu cầu của mình, là chúng ta từ bỏ sự bảo vệ của các vị thần cây. Và cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên mong manh.
Dù đổ bộ một cách chóng vánh (cơn bão số 1) dù chỉ là những cơn mưa do hoàn lưu (cơn bão số 2), nhưng những cơn bão đầu mùa cũng dễ dàng để lại những hậu quả nặng nề.
Những đô thị không chịu nổi gió mưa, những thung lũng vùng cao nằm im chờ lũ cuốn. Số phận con người trở nên quá mong manh trước thiên nhiên khi mà cây cối, những vệ sĩ tự nhiên của con người đã không còn đất sống.
Một vùng rộng lớn của tỉnh Lào Cai, bao gồm thành phố tỉnh lỵ, và huyện Bát Xát, vùng đất thấp giữa những trùng điệp Hoàng Liên Sơn đã nhanh chóng chìm trong biển nước chỉ sau sau một đêm mưa. Bao nhiêu nước trên bạt ngàn triền núi đều lập tức tràn xuống thung lũng theo những nếp núi dốc trơn như máng xối, không có gì cản trở. 11 người đã chết và mất tích. Con số thiệt hại đó đã cho thấy sự bất ngờ của người dân về mức độ tàn phá của cơn mưa.
Dĩ nhiên là người ta bất ngờ. Bởi từ bao lâu nay, sức tàn phá của những trận mưa như thế này không thể mạnh đến thế, nước lũ không thể xuất hiện nhanh đến thế. Bao đời nay, người ta vẫn sống bình an trong những thung lũng dưới chân Hoàng Liên Sơn qua mùa mưa, mùa nắng. Những cơn mưa dù có lớn đến mấy, sẽ luôn được thấm lại trên triền núi nhờ những cánh rừng già. Rừng cây, đã luôn là những vệ sĩ tự nhiên của con người sống ở nơi chân núi. Nhưng chính những vệ sĩ tự nhiên đó, giờ đây đã không còn đất sống.
Toàn tỉnh Lào Cai có hơn 40 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư công trình thủy điện, gần 200 công trình thủy điện lớn, nhỏ đã được xây dựng trên hệ thống sông ngòi khe suối Hoàng Liên Sơn. Mỗi một công trình thủy điện lớn, nhỏ được xây dựng là hàng trăm, hàng chục ha rừng bị tàn phá.
Các công trình thủy điện luôn là kẻ thù của những cánh rừng. Và khi con người ưu tiên cho thủy điện, những vệ sĩ tự nhiên đương nhiên không còn đất sống.
Những vùng bị ngập lụt nặng nhất ở Lào Cai trong đợt lũ vừa qua, ngoại thành thành phố Lào Cai, vùng Bảo Thắng, Cam Đường, Bát Xát… đó đều là những địa danh tập trung các công trường thủy điện và khai thác quặng.
Bởi thế, lũ lụt ở Lào Cai chính là sự báo thù của những cánh rừng Hoàng Liên Sơn. Đó là hậu quả của việc những cánh rừng phải nhường chỗ cho thủy điện, cho những tập đoàn khai thác apatit chính danh và vô danh. Cây rừng không còn chốn nương thân. Cây ở thành phố cũng không chốn nương thân.
Trước khi Lào Cai trần mình chịu lũ vì hoàn lưu bão số 2 vì núi đã mất rừng thì ở Hà Nội, những cơn gió lạc của bão số 1 cũng đã quật đổ gần ngàn cây xanh. Người chết, người bị thương, ô tô bị đè bẹp vì cổ thụ bật gốc. Đó là một sự báo thù khác!
Khi những gốc đại mộc bật lên trên đường phố Hà Nội, điều mà người ta nhìn thấy là những gốc cây không có rễ. Chúng đã bị cắt cụt, chúng đã bị chèn ép để không thể phát triển bởi bê tông, bởi móng nhà, bởi quá trình đào lấp mặt đường. Đó là một quá trình ám sát của con người đối với những hàng cây của mình. Cây không rễ thì làm sao chịu gió? Cây, ở non giữ nước, ở phố ngăn giông.
Những triền núi mất cây sẽ thành máng nước, những hàng phố không cây sẽ thành ống hút gió. Cây, ở miền mưa nhiều gió lắm thì không chỉ là cây, mà còn là những vị thần bảo vệ cho con người.
Khi chúng ta tự triệt hạ cây cối vì nhu cầu của mình, thì chúng ta đã từ bỏ sự bảo vệ của cây cối. Và cuộc sống của chúng ta tự trở nên mong manh.