Bình Phước: Hơn 100 ha rừng bị tàn phá bao giờ hồi sinh?

ThienNhien.Net – Hơn 100 ha rừng ở Bình Phước đã bị khai thác và san lấp trở thành đất trống, liệu có vì lợi ích kinh tế mà tàn phá thiên nhiên?

Chủ trương chuyển đổi hơn 575 ha rừng tại Tiểu khu 69, nông lâm trường Bù Đốp sang đất sản xuất không nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương và đang gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, hơn 100ha rừng trong dự án này đã bị khai thác và san lấp trở thành đất trống. Vấn đề đặt ra là Bình Phước có nên vì lợi ích kinh tế mà tàn phá thiên nhiên? Đến bao giờ thì những cánh rừng hàng trăm héc ta kia có thể hồi sinh?

Việc Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé chuyển đổi 575 hecta rừng tại Tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp, huyện Bù Đốp sang chăn nuôi, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, đây là diện tích thu hồi từ Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sài Gòn – Bình Phước vào tháng 10/2013.

Rừng ở Bình Phước bị tàn phá 
Rừng ở Bình Phước bị tàn phá

Sau khi thu hồi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ký văn bản số 3008, ngày 28/9/2015 chấp thuận chủ trương giao toàn bộ diện tích đó cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé triển khai dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng.

Ngày 13/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch tỉnh tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của Công ty Cao su Sông Bé, cho phép đơn vị này tiến hành thực hiện dự án chăn nuôi, kết hợp trồng rừng trên diện tích hơn 575 hecta. Thế nhưng, việc chuyển đổi này đã khiến người dân bức xúc.

Anh Điểu Sang ở làng 10, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp nói: “Rừng của Nhà nước. Họ phá thì mình làm gì được. Mình có muốn giữ lại cũng đâu có cản được họ”.

Ông Điểu Đưa ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, người sinh ra và lớn lên bên khu rừng này thì cho rằng: Rừng tự nhiên mà lại chuyển đổi sang trồng rừng tôi thấy là vô lý. Sao mình không giữ rừng mà lại chuyển sang? Trước khi người ta nói đồng bào phá rừng làm rẫy, còn nay thì lại đi ngược lại, tôi thấy bức xúc quá. Bà con ở đây mong rằng, bao nhiêu diện tích rừng còn lại, hãy để người dân chúng tôi cùng bảo vệ nó.

Gần 20 năm gắn bó với nghiệp bảo vệ rừng ở huyện Bù Đốp, ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp cùng các đồng nghiệp đã không sợ hiểm nguy để bảo vệ cho 6.400ha rừng của huyện được an toàn.

Khi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước có chủ trương chuyển đổi hơn 575ha rừng ở Tiểu khu 69, ông Ách đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên hãy giữ lại diện tích rừng tự nhiên này. Ông từng đưa ra nhiều dẫn chứng khoa học để chứng minh với lãnh đạo rằng, khu rừng này không phải rừng nghèo kiệt. Thậm chí, người cán bộ kiểm lâm già phải vào rừng nhiều ngày liền đợi voi, bò tót xuất hiện, chụp hình để cho mọi người thấy, rừng nơi đây vẫn còn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã và quý hiếm.

140816_pharung2

Ông Nguyễn Văn Ách chua xót: “Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì là người lính giữ rừng, nhưng đứng nhìn rừng mất mà không có biện pháp gì có thể ngăn chặn được. Dù đó là phá hợp pháp hay bất hợp pháp thì tôi cũng cảm thấy có tội lớn lắm. Điều quan trọng nhất là nó phá vỡ khả năng quản lý, bảo vệ những khu rừng còn lại”.

Tại công văn số 2214, ngày 5/8/2016 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trồng cao su và dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh ký, nêu rõ: “Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất thực hiện dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé tiếp tục thực hiện dự án tại tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp”.

Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thiện nói: “Tôi không chỉ trích gì ai, nhưng tôi mong các cấp có thẩm quyền nên ngưng lại, đừng có chuyển đổi rừng qua đất sản xuất nữa. Bởi vì, diện tích rừng ở đây còn ít, mà đó là rừng phòng hộ của lòng hồ Cần Đơn. Tôi hãy khoanh nuôi nó lại, có thể mình trồng thêm. Thực tế, đây là miền biên giới, mà nếu mình cứ chuyển đổi hết thì ngay cả con cháu của mình ở xứ rừng này cũng sẽ không biết rừng tự nhiên là gì. Mà rừng tự nhiên thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích lâu dài”.

Sau khi báo chí phản ánh việc người dân địa phương phản đối việc chặt phá rừng ở Tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp thuộc địa bàn xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, Cục Cảnh sát môi trường (C49) – Bộ Công an đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước. Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đã ra quyết định số 1294, tạm ngưng khai thác tận dụng lâm sản để đánh giá tác động đối với môi trường.

Ngày 11/8, Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp đã làm việc với đơn vị chủ rừng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Sông Bé, di dời toàn bộ phương tiện, máy móc và người ra khỏi khu vực Tiểu khu 69. Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp cũng tiếp quản, giữ nguyên hiện trường và cấm mọi hoạt động khai thác gỗ. Tại hiện trường, khoảng 100ha trong 160ha rừng tại Khoảnh 1, Nông lâm trường Bù Đốp đã trở thành vùng đất hoang. Đối với hàng trăm cây gỗ có đường kính khoảng 20-30cm đã đốn hạ nhưng chưa chuyển ra bãi tập kết, lực lượng kiểm lâm không tổ chức nghiệm thu, giữ nguyên hiện trường để chờ xử lý của cơ quan chức năng.

Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết:  “Áp dụng đối với 353ha, riêng khoảnh 1, đã tiến hành khai thác rừng rồi thì có chủ trương tiếp tục thực hiện trồng rừng kết hợp với chăn nuôi theo đúng mục tiêu của dự án. Cái này cũng phải có dự án cụ thể. Còn hai khoảnh còn lại, theo ý kiến của báo chí và người dân phản ánh thì chúng tôi sẽ thống nhất trong Thường trực Ủy ban nhân dân, sau đó báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy sẽ giữ lại cái rừng đó”.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững cho biết, các nhà khoa học đều có chung quan điểm, không thể vì miếng cơm manh áo hay bất cứ nguồn lợi kinh tế, mục đích nào khác mà chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Còn người dân ở vùng giáp biên giới, huyện Bù Đốp thì mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Phước hãy trả lại cho họ những cánh rừng tự nhiên. Nhiều người băn khoăn: không biết đến bao giờ, hơn 100ha rừng mới bị chặt phá ở Tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp mới có thể hồi sinh?