ThienNhien.Net – Hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay chỉ cơ bản đáp ứng khu vực nội đô cũ. Tại các khu vực mới phát triển đô thị, hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên mỗi khi mưa lớn thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.
Mặt khác, để đối phó với những tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ, Hà Nội cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, định hướng quy hoạch thoát nước, kết nối với quy hoạch Vùng Thủ đô… Nói cách khác, phải kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với yêu cầu phát triển đô thị.
Hạ tầng thoát nước thiếu đồng bộ
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương, hệ thống thoát nước cho 12 quận gồm có 1.604km cống rãnh, 27.320 ga thu nước, 36 trạm bơm, 85 hồ điều hòa thoát nước, 5 trạm xử lý nước thải. Phần lớn cơ sở hạ tầng thoát nước nói trên thuộc lưu vực sông Tô Lịch, có diện tích khoảng 77,5km2 gồm toàn bộ các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân. Hệ thống này hoạt động theo chế độ bơm cưỡng bức (qua trạm bơm Yên Sở với lưu lượng 90m3/s), kết hợp tự chảy (qua đập Thanh Liệt).
Hệ thống thoát nước lưu vực tả sông Nhuệ, diện tích khoảng 58km2 gồm quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì, chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ. Tương tự, khu vực Long Biên, khoảng 62km2, cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, do vậy phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêu thoát của sông Cầu Bây và hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, trước đây vốn chỉ dành cho tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khu vực bị ngập úng nặng nhất là Hà Đông, diện tích khoảng 47km2, chủ yếu dựa vào hệ thống thoát nước chung tự chảy ra sông Nhuệ và một phần ra sông Đáy.
Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp – thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Hồng Quân cho biết, Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I và II đầu tư thời gian qua chủ yếu phục vụ cho lưu vực sông Tô Lịch, giúp giảm từ 23 điểm ngập (năm 2015) xuống còn 16 điểm ngập (năm 2016). Tuy nhiên, những lưu vực thoát nước, vùng thoát nước khác theo quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ.
Sau các trận mưa lớn, khu vực ngập nặng nhất là quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, thuộc lưu vực tả sông Nhuệ. Mặt khác, đây là khu vực phát triển đô thị mạnh nhất nhưng hạ tầng thoát nước tại các khu đô thị mới lại chưa được kết nối hoàn chỉnh. “Qua kiểm tra, chủ đầu tư chưa hoàn thiện hạ tầng thoát nước, chưa bàn giao cho đơn vị chuyên ngành quản lý, duy trì; thậm chí có tuyến cống bị xây chắn thu hẹp khoảng 50% tiết diện” – ông Lê Hồng Quân cho biết thêm.
Nhận xét về năng lực dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I-II, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong nói: Chu kỳ bảo vệ của dự án được tính toán 10 năm với sông, mương, tương ứng lượng mưa 310mm/2 ngày; 5 năm với hệ thống cống, tương ứng lượng mưa 70mm/giờ. Vì vậy, với những trận mưa lớn, dồn dập, sẽ xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ.
Thừa nhận chưa có sự kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với yêu cầu phát triển đô thị là nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị nhận định: Các khu đô thị mới phần lớn được thiết kế là không gian cao tầng, đông dân nhưng hệ thống thoát nước lại chưa được đầu tư tương xứng nên khó tránh khỏi úng ngập.
Phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch
Theo ông Lê Hồng Quân, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội ngay trong năm 2016 phải tập trung hoàn thiện dự án thoát nước giai đoạn II và một số dự án trạm bơm tiêu. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án thoát nước lưu vực tả sông Nhuệ; theo kế hoạch năm 2017 sẽ phê duyệt, chuyển sang giai đoạn khả thi, tìm vốn đầu tư. Trong 5 năm tới thành phố còn phải giải quyết thoát nước cho khu vực quận Hà Đông (thuộc lưu vực hữu sông Nhuệ), khu vực quận Long Biên (thuộc vùng thoát nước Bắc Hà Nội).
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Những tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, mà rõ nhất là lĩnh vực thoát nước, đòi hỏi Hà Nội phải nhìn lại kế hoạch và định hướng quy hoạch thoát nước giai đoạn tới. “Dự án thoát nước giai đoạn I đầu tư khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính, lượng mưa tính toán đáp ứng khoảng 100mm/ngày. Đến giai đoạn II, chỉ điều chỉnh thông số lượng mưa là khoảng 150mm/ngày. Nhưng những trận mưa gần đây có lưu lượng rất lớn, vài giờ đồng hồ đã xấp xỉ 300mm.
Với những biến đổi ghê gớm như thế, ngập lụt là tất yếu, bởi hệ thống được đầu tư chưa tính hết diễn biến của biến đổi khí hậu” – ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích. Đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố và cả Vùng Thủ đô; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh. Trong quy hoạch, mỗi công viên đều có hồ nước, vì vậy nên chăng đẩy nhanh tiến độ các dự án công viên, kết nối các hồ nước thành hệ thống hồ điều hòa lớn cho Thủ đô.
Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, để thực hiện quy hoạch đòi hỏi thời gian dài, vốn đầu tư lớn, do vậy, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa. Đặc biệt, với những vùng phát triển mới phải đặt vấn đề giám sát quá trình thực hiện dự án đô thị bảo đảm đồng bộ hạ tầng, tránh gây úng ngập cục bộ như hiện nay.
Tại hội thảo “Giải pháp chống úng ngập TP Hà Nội” diễn ra ngày 7-8, Giáo sư (GS) Hong – Yuan Lee, Khoa Công trình thủy lợi dân dụng, Đại học Đài Loan (Trung Quốc) giới thiệu khái niệm phòng chống ngập lụt: “Giữ nước thượng lưu, giảm ngập trung lưu, phòng chống ngập lụt hạ lưu”, bảo vệ vòng tuần hoàn nguồn nước bền vững, an toàn và ít thiên tai, đưa Hà Nội trở thành đô thị sinh thái. GS Hong-Yuan Lee giải thích, Hà Nội cũng như TP Đài Bắc có quá trình đô thị hóa mạnh, diện tích tự nhiên bị bê tông hóa nên lượng nước thấm xuống đất ngày càng hạn chế, do vậy khi mưa lớn rất dễ gây ngập úng. Để giải quyết tình trạng này, TP Đài Bắc đã xây dựng các hồ chứa dưới các công trình, khu vui chơi giải trí ngoài trời…, để mỗi khi mưa lớn đây sẽ là nơi tích trữ, xử lý trước khi đổ ra các sông. “Việc này đơn giản, không đòi hỏi kinh phí đầu tư quá lớn, có thể tận dụng những bãi đất trống, khu vui chơi giải trí” – GS Hong-Yuan Lee nói.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 725/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, Hà Nội được xác định 3 vùng tiêu thoát nước đô thị là tả Đáy, hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Trong vùng tả Đáy lại chia 6 lưu vực: Sông Tô Lịch, Đông Mỹ, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, Phú Xuyên, các thị trấn. Khu vực nội thành Hà Nội thuộc vùng thoát nước này. |