ThienNhien.Net – Hàng trăm hộ người dân tộc thiểu số Xê Đăng ở 2 làng Kon Gung và Đăk Mút thuộc xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (Kon Tum) rơi vào cảnh khó khăn vì mất đất do thủy điện. Dân thì phải lo làm mướn hàng ngày, trong khi thủy điện Pleikrông đã tích nước, phát điện và thu tiền từ nhiều năm nay.
Ngày 24/5/2009, Thủy điện Pleikrông chính thức phát điện thương mại. Nhà máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, tổng vốn của dự án khoảng 3.000 tỷ đồng. Công trình có nhiệm vụ phát điện là chủ yếu.
Tuy nhiên, đến nay, công tác tái định canh, định cư cho dân bị mất đất sản xuất rất chậm trễ. Sau nhiều năm triển khai, dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay là xã Đăk Long), huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum dành cho các hộ dân bị mất đất do ngập lòng hồ thủy điện vẫn đang dở dang. Hệ lụy đè nặng lên các hộ dân có diện tích đất canh tác bị ngập bởi lòng hồ thủy điện Pleikrông.
Căn cứ theo Quyết định 1591/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kon Tum ban hành ngày 14-12-2009 về việc quy hoạch dự án bố trí dân như sau: Quy mô là 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu, đối tượng là các hộ thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thủy điện. Tổng mức đầu tư của dự án gần 150 tỷ đồng. Nhưng đến nay, phần lớn hộ dân nằm trong diện tái định canh, định cư vẫn chưa nhận được nhà và đất, đời sống của họ vốn đã khó khăn nay thêm cơ cực.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý dự án bố trí dân cư huyện Đăk Hà, đến nay số vốn được bố trí hơn 107 tỷ đồng, như vậy còn thiếu hơn 41 tỷ đồng. Đã có 126 hộ được nhận đất với diện tích là 78,55 ha. Trong 126 hộ này chỉ có 52 hộ được hỗ trợ xây nhà, còn lại 74 hộ được cấp đất sản xuất cà phê tuy nhiên không có nhà. Chưa tính đến nhiều hộ không được cấp đất sản xuất và cũng không được hỗ trợ xây nhà.
74 hộ trên tưởng là may mắn vì dù sao cũng có đất để sản xuất, tuy nhiên may mà lại không may. Đất sản xuất được giao tại xã Đăk Long, nhà chưa có do dự án đang thiếu vốn, thành ra các hộ có đất sản xuất ở xã Đăk Long còn nhà cũ vẫn ở xã Đăk Mar cách nhau hàng chục cây số. Đất được giao quá xa so với nhà dẫn đến lâm vào cảnh bỏ bê sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Là ngày làm việc bình thường nhưng anh A Benh (trú tại thôn Kon Gung, xã Đăk Mar) vẫn ở nhà với 4 đứa con, khi được hỏi nét mặt anh buồn lại rồi trả lời: Nhà trước đây có 2 ha đất canh tác, chịu khó làm cũng có chút đỉnh nhưng khi thủy điện tích nước bị ngập hết. Năm 2011, gia đình được bồi thường 25 triệu. Do không có đất sản xuất, nên số tiền đó rồi cũng hết nhanh. Hai vợ chồng sau đó sống bằng nghề làm mướn để nuôi con.
“Về phía dự án, gia đình có được hỗ trợ 500 cây cà phê ở tận xã Đăk Long. Do trên đó chưa có nhà nên việc đi lại chăm sóc cây cà phê rất khó khăn. Nhà cũng thiếu tiền đầu tư nên cà phê không năng suất. Giờ chỉ mong muốn được hỗ trợ xây nhà gần với rẫy để tiện chăm sóc cho cuộc sống khá lên”, anh A Benh nói.
Cách đó không xa, chị I Pach đang cùng chồng với 4 đứa con sống ké nhà cha mẹ. Nói là nhà cha mẹ, nhưng thực chất được hỗ trợ xây dựng từ chương trình 135 và chỉ rộng 28 mét vuông.
Chị I Pach cho biết, nhà có 400 mét đất thì bị ngập do làm thủy điện. Năm đó, phía thủy điện chỉ hỗ trợ cho gia đình được 4 triệu đồng. UBND huyện có cấp đất sản xuất trên xã Đăk Long nhưng không cấp nhà. Mỗi lần đi lên đất đó sản xuất là ngủ tạm cạnh mấy lô cao su. Có ít đất sản xuất nhưng xa nhà nên chẳng dám đầu tư nhiều.
Xuất phát từ ý nguyện chính đáng của người dân địa phương, trên cơ sở những căn cứ pháp lý của UBND tỉnh Kon Tum, UBND huyện Đăk Hà đã nhiều lần kiến nghị bố trí vốn để tiếp tục đầu tư cho dự án nhằm giúp dân ổn định cuộc sống, tuy nhiên đến nay vẫn đang chờ.
Ông Hoàng Nghĩa Trí – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà – cho biết: Dự án bố trí dân vẫn chưa thu hồi được đất để cấp vì thiếu vốn đền bù. Theo nguyên tắc, những hộ được cấp đất sản xuất tại dự án sẽ được hỗ trợ xây nhà, nhưng nguồn vốn chưa có. Kế hoạch của dự án này là đến năm 2015 là kết thúc, do thiếu vốn nên kéo dài đến nay.