ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Luật Tài nguyên nước được xây dựng với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước cần phải nộp tiền để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước. Như vậy, quyền khai thác tài nguyên nước được định giá bằng tiền và được coi như là quyền tài sản. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình thương tự như khoáng sản, đất đai.
Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một điểm mới của Luật Tài nguyên nước, chưa được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Tuy nhiên, sau khi Luật Tài nguyên nước được ban hành, các văn bản pháp luật về tài nguyên nước cũng đã quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như việc bổ sung tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho hoạt động cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gồm 3 chương, 17 điều và 2 phụ lục. Trong đó, Bộ đề xuất rõ 3 trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Cụ thể, các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật Tài nguyên nước bao gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước (chủ giấy phép), bao gồm:
1- Khai thác, sử dụng nước cho thủy điện, trừ công trình thủy điện phục vụ chính sách xã hội, an ninh và quốc phòng.
2- Khai thác nước mặt, nước dưới đất, nước biển để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, gồm cả nước làm mát.
3- Khai thác nước dưới đất với quy mô từ 100 m3/ngày đêm trở lên để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác.