ThienNhien.Net – Các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan vụ phá rừng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia rừng Khuôn Mánh.
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Phú, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tràng Xá; 2 kiểm lâm viên khác có liên quan bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo và khiển trách; phê bình tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Võ Nhai gồm Hạt trưởng Vũ Thế Cường và Phó Hạt trưởng Nguyễn Văn Biên. Ba cá nhân liên quan đến vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại xóm Đồng Ruộng, xã Tráng Xá gồm: ông Hà Văn Mạnh, ông Lương Văn Xuân và bà Trịnh Thị Hoài bị xử phạt với mức từ 15 triệu đồng đến 48 triệu đồng cho mỗi cá nhân. Tập thể Ủy ban nhân dân xã Tràng Xá do ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã làm đại diện cũng bị xử phạt hành chính 12 triệu đồng và nộp lại 1,2 triệu đồng tiền bán lâm sản…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, kiểm tra khu vực rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cho thấy: từ năm 2006, khu vực rừng này đã được quy hoạch là rừng phòng hộ và giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên lâm nghiệp Võ Nhai ký kết hợp đồng trồng rừng với các hộ dân theo nguồn vốn dự án 661. Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh được xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc lô 3, tiểu khu 107, khu vực bất khả xâm phạm có diện tích gần 2.000 m2 và khu vực bảo vệ có tổng diện tích 15.700 m2. Năm 2013, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng xung quanh Khu di tích lịch sử Khuôn Mánh của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên lâm nghiệp Võ Nhai giao cho UBND huyện Võ Nhai quản lý nhưng đến nay việc thu hồi bàn giao đất vẫn chưa thực hiện… Sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác, tỉa thưa rừng trồng thuộc nguồn vốn 661 của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên lâm nghiệp Võ Nhai, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã giao cho kiểm lâm địa bàn kiểm tra, giám sát và thực hiện các thủ tục khi thác theo quy định.
Tuy nhiên, sau khi việc khai thác, tỉa thưa đã hoàn tất (tháng 4/2016), tình trạng khai thác lâm sản trái phép bắt đầu rộ lên ở khu vực được cấp phép khai thác, tỉa thưa với tổng diện tích rừng gần như bị chặt trắng hơn 5,5 ha. Khu vực rừng tại đường lên, xung quanh Khu di tích lịch sử Khuôn Mánh đã bị khai thác trắng và đốt… Sau khi rừng tại Khu di tích lịch sử Khuôn Mánh bị tán phá, UBND huyện Võ Nhai đã vận động các cơ quan, ban ngành, đơn vị, trường học trong huyện trồng lại hơn 1.600 cây, chủ yếu là các giống cây bản địa như trám, lát, cò chỉ, sao đen…
Để bảo tồn, bảo vệ cảnh quan Khu di tích lịch sử Khuôn Mánh một cách bền vững, ông Ngô Xuân Hải – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết: Sở đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh quy hoạch, xác lập khu rừng đặc dụng Khuôn Mánh với tổng diện tích khoảng 230 ha, hoàn thiện ranh giới, mốc giới khu di tích làm cơ sở quản lý, bảo vệ có hiệu quả; đồng thời triển khai thực hiện dự án đầu tư, phát triển rừng đặc dụng Khuôn Mánh giai đoạn 2016 – 2020 nhằm tạo cảnh quan, bảo vệ di tích kết hợp du lịch sinh thái. Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đề xuất tỉnh giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng thành lập Trạm kiểm lâm để quản lý, bảo vệ khu vực rừng đặc dụng Khuôn Mánh… Đặc biệt, để bảo vệ rừng Võ Nhai có hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục giao đất, giao rừng với tổng diện tích hơn 1.300 ha của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên lâm nghiệp Võ Nhai giao cho Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai quản lý…