Bài 2: Siêu dự án và mối lo có thực
ThienNhien.Net – “Thoả thuận Mê Kông 1995 có lỗ hổng. 21 năm qua vẫn chưa có một cuộc họp cấp cao nào được tổ chức để các nước đánh giá lại luật đó còn phù hợp không. Có thể vào thời điểm ký, người ta chưa lường hết được sự phức tạp trong việc sử dụng chung dòng Mê Kông”, TS Lê Anh Tuấn khuyến cáo.
Ông Tuấn cũng là chuyên gia Việt Nam duy nhất được các nhà hoạt động mội trường sông Mê Kông mời tới Thái Lan để tận mắt chứng kiến vị trí dự án Kong-Loei-Chi-Mun (Thái Lan) sắp được triển khai mà chúng tôi đã đề cập tại kỳ 1.
Ông đánh giá thế nào về siêu dự án chuyển nước trên sông Mê Kông mà chính phủ Thái Lan đang rốt ráo triển khai?
TS Lê Anh Tuấn: Với những thông tin tôi có, dự án Kong-Loei-Chi-Mun sẽ xây dựng một loạt trạm bơm và kênh dẫn nước, bao gồm cả các đường hầm dẫn nước xuyên qua lòng sông hoặc núi.
Theo các số liệu do Mê Kông Eye cung cấp, vào mùa khô, dự án sẽ chuyển khoảng 1.200 m3 nước/giây từ sông Mê Kông vào tất cả hệ thống trên.
Đây là thông tin rất đáng lo ngại. Lưu lượng nước trung bình vào các tháng cao điểm mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long dao động khoảng 2500 m3/giây. Như vậy, nếu dự án Kong-Loei-Chi-Mun được triển khai, hệ thống này sẽ lấy đi số nước bằng ½ lượng nước trên dòng chính sông Mê Kông. Ngoài ra, Lào và Campuchia cũng đang có kế hoạch tương tự, dự án tưới của Lào có lưu lượng 240 m3/giây và của Campuchia là 500 m3/giây. Nếu cộng cả ba dự án tưới trên (Thái, Lào, Campuchia), số nước bị lấy đi sẽ là gần 2000 m3/giây.
Đó mới là lượng nước được (dự kiến) sẽ dùng cho nông nghiệp, chưa tính đến lượng nước có thể được dùng cho các mục đích khác như sinh hoạt hay công nghiệp. Lượng nước chảy về đến Việt Nam sẽ giảm đi đáng kể, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến thì khó lường hết những rủi ro và thử thách. Khi lượng nước ngọt giảm, nước mặn sẽ tràn vào sâu hơn kết quả là Đồng bằng Cửu Long sẽ bị ngập mặn nặng hơn.
Các thông tin về dự án này phía Thái Lan đã thông tin tới các nước láng giềng chưa?
TS Lê Anh Tuấn: Kế hoạch và số liệu phía Thái Lan đã có, nhưng công bố đến mức nào thì họ vẫn đang thận trọng.
Đứng về mặt kỹ thuật, họ hoàn toàn có thể triển khai dự án chuyển nước này.
Nếu Thái Lan triển khai dự án này, họ có vi phạm luật và công ước chung giữa các quốc gia cùng nằm trên dòng Mê Kông không?
Một trong những cam kết quốc tế được đề cập nhiều nhất là Thoả thuận Mê Kông 1995, trong đó có ghi một câu: “các dự án triển khai trên dòng chính của sông Mê Kông phải được thông báo, tham vấn và nhận được sự đồng ý của các nước”.
Tuy nhiên, thoả thuận nhấn mạnh chi tiết “trên dòng chính”, và tất cả dự án lấy nước của Thái Lan nằm trên dòng nhánh, nằm sâu trên dòng sông Loei.
Ông nói rõ hơn về chỗ này?
TS Lê Anh Tuấn: Vấn đề là Thoả thuận Mê Kông 1995 có rất nhiều lỗ hổng. Đã 21 năm qua vẫn chưa có một cuộc họp cấp cao nào được tổ chức để các nước đánh giá lại luật đó còn phù hợp, và sát với thực tế hay chưa. Có thể vào thời điểm ký, người ta chưa lường hết được sự phức tạp trong việc sử dụng nước sông Mê Kông.
Qua những việc xảy ra trong khoảng 10 năm lại đây, sự hợp tác giữa các quốc gia không được rõ ràng. Thông tin không được đưa ra đầy đủ minh bạch.
Tôi đã tiếp xúc nhiều quan chức và nhà khoa học trong khu vực và ở Việt Nam, có nhiều dự án trên sông Mê Kông họ không được biết hoặc biết với thông tin rất mù mờ. Cộng đồng nông dân/ngư dân thường là những đối tượng bị tác động trực tiếp, nhưng không ai đứng ra công bố rõ ràng và đầy đủ và lấy ý kiến tham vấn với họ, hay trao đổi thông tin rõ ràng minh bạch cho họ. Đó là điểm hở.
Tranh chấp giữa các nước cùng chung dòng sông Mê Kông không phải chuyện mới, nó đã kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều nước. Với “siêu dự án” này, tình hình sẽ khó có thể vui?
Thuật ngữ ‘cuộc chiến nước’ (water war) đã bắt đầu được phổ biến trên thế giới, nhưng tình hình trên sông Mê Kông chưa trầm trọng đến mức đó. Với chuyện của các quốc gia trên dòng Mê Kông thì dùng thuật ngữ mâu thuẫn/xung đột nguồn nước là chính xác với tình hình.
Chính xác là những mâu thuẫn này có thể làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung và sự ổn định chung; làm lệch lạc các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia liên quan.
Xin cảm ơn ông!
Ông Virol Jiwarangsa, Thị trưởng tỉnh Loei: ‘Loei chẳng được lợi gì’
Tôi có biết về dự án chuyển nước Kong-Loei-Chi-Mun, tuy nhiên địa phương chúng tôi (tỉnh Loei) không được hưởng lợi từ dự án này bởi vì nước được chuyển trong dự án này sẽ đi qua sông Loei xuống vùng hạ du và tưới tiêu cho những tỉnh khác. Vậy nên, những khu vực khác sẽ được lợi từ dự án, còn Loei thì chưa biết. Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin đầy đủ về dự án Kong-Loei-Chi-Mun. Để đánh giá chính xác về những tác động của nó cần các báo cáo khoa học. Tuy nhiên tôi khẳng định trong cuộc đời mình, dự án sẽ không được thực hiện. Pianporn Deetes, Điều phối viên tại Thái Lan và Miến Điện, mạng lưới sông ngòi quốc tế (International Rivers): ‘Không nhìn thấy hiệu quả’ Dự án Kong – Loei – Chi – Mun đã được quy hoạch từ lâu và đã được xây dựng một phần từ nhiều thập kỷ trương, nhưng đã bị dừng lại. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và kết quả thu được cho đến nay, dự án hoàn toàn trống rỗng, không hiệu quả. Những lợi ích được trông đợi như kiểm soát lũ, tăng năng suất tưới tiêu hay sử dụng cho sinh hoạt đều không nhìn thấy tiềm năng. Trong khi đó những tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và sinh kế địa phương lại nhìn thấy rõ. Nếu được tái khởi động, dự án Kong – Loei – Chi – Mun sẽ tác động đáng kể đến sông Mê Kông, làm mực nước giảm xuống và dòng chảy thay đổi. Tôi cho rằng nếu Thái Lan thực sự muốn thực hiện dự án chuyển nước từ sông Mê Kông, hoặc sông Loei, đặc biệt là trong mùa khô, Thái Lan phải có nghĩa vụ thông báo và tham khảo ý kiến với các nước ven sông khác theo Hiệp định Mê Kông 1995. |