ThienNhien.Net – Ngày 2/8, trong văn bản trả lời các vấn đề báo chí và dư luận quan tâm về vấn đề quy định và việc giám sát xử lý nước thải của Việt Nam thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp có thể “lách,” nhất là cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do dòng vốn đầu tư nước ngoài tới đây vào nước ta sẽ tăng lên; trong đó, có ngành nguy cơ ô nhiễm cao như dệt, nhuộm, giấy, sắt, thép.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết vấn đề quản lý nước thải là nội dung cơ bản của pháp luật bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành cũng như các Nghị định của Chính phủ quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như các yêu cầu quy trình thủ tục trong quản lý, thu gom quản lý, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải, trách nhiệm giám sát việc xử lý.
Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện kiểm tra giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương tăng cường quản lý Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật bảo đảm đẩy đủ chặt chẽ không tạo kẽ hở để lợi dụng “lách luật.”
Trong việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do tới đây, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có ô nhiễm cao vào Việt Nam, quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Các dự án đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về định về đầu tư, về bảo vệ môi trường, kiên quyết không cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ nghiên cứu lựa chọn và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn môi trường cao hơn, tương đương các nước tiên tiến quốc tế.
Liên quan đến vấn đề gần đây, công ty Formosa không chỉ vi phạm trên biển mà liên tiếp bị phát hiện các hành vi chôn chất thải rắn không đúng quy định, cũng như đã xảy ra không ít các công ty, nhà máy gây ô nhiễm, người phát ngôn Chính phủ cho hay, quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường là rất rõ ràng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan tổ chức, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Vì vậy, mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh, đúng theo quy định pháp luật.
Thời gian gần đây, đã có nhiều vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến môi trường được phát hiện và ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng với các bộ ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát và có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; công tác quản lý giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước và đề xuất các giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên Môi trường cũng vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.