ThienNhien.Net – Chính phủ Malaysia đã chính thức thông báo một dự án mang tên Forest City (Thành phố Rừng), theo đó sẽ có bốn hòn đảo nhân tạo được xây dựng ngoài khơi bang Johor và là khu vực miễn thuế hoàn toàn cho các công ty có chất lượng. Tuy nhiên, dự án này đang khiến các nhà bảo tồn lo ngại.
Thành phố trên đảo
Thành phố Rừng được xây dựng trên diện tích 1.386 ha, bao gồm bốn hòn đảo nhân tạo dọc eo biển Johor. Dự án trị giá 126 tỷ USD, trong đó 60% là vốn của Country Garden, một trong số các nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc; 40% còn lại là của công ty Esplanade Danga 88 (Malaysia).
Các nhà phát triển có tham vọng xây một thành phố thông minh với thảm thực vật xanh mát được trồng theo mô hình thẳng đứng, hệ thống giao thông công cộng hiệu suất cao và cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững, có thể tái sử dụng. Số lượng căn hộ là 700.000 cùng với trường học quốc tế, khách sạn, trung tâm hội nghị, bệnh viện…
Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định Thành phố Rừng và các dự án phát triển khác ở Johor sẽ kích thích tăng trưởng cho bang. Chỉ riêng dự án Thành phố Rừng ước tính sẽ mang lại 220.000 việc làm cho người Malaysia trong lĩnh vực thương mại điện tử và tài chính tới năm 2035. Thủ tướng Najib tự tin rằng kinh tế của bang Johor trong tương lai sẽ rất khởi sắc với những dự án như Thành phố Rừng.
Các nhà phát triển xanh đủ tiêu chuẩn nhận ưu đãi của bang sẽ được miến thuế 100% tới năm 2028 và cần có các dự án theo tiêu chuẩn chứng nhận xây dựng xanh được quốc tế công nhận.
G-Energy, một công ty tư vấn quốc tế, đang hỗ trợ để dự án Thành phố Rừng đạt được các chứng chỉ bền vững như GreenRE – tiêu chuẩn xếp hạng xanh của Malaysia và BCA Green Mark – xếp hạng xây dựng xanh của Singapore. Các bên đều hi vọng Thành phố Rừng sẽ có vị thế là một điểm đến quốc tế, đưa bang Johor lên bản đồ thế giới.
Theo kế hoạch, cuối năm 2016, một khu vực mua sắm miễn thuế và một khách sạn 5 sao sẽ được xây xong tại đảo số 1 của Thành phố Rừng. Các căn hộ chung cư đang được chào bán ở Singapore, Trung Quốc và Malaysia.
Thành phố sinh thái phá vỡ… sinh thái?
Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, dự án Thành phố Rừng là một chủ đề tranh cãi nóng. Hoạt động xây dựng đã bị ngừng năm 2014 do thiếu đánh giá ảnh hưởng môi trường một cách chi tiết. Đến năm 2015, các nhà phát triển dự án đã nối lại hoạt động sau khi Bộ Môi trường Malaysia duyệt đánh giá ảnh hưởng môi trường và kế hoạch quản lý môi trường. Sau khi có một nghiên cứu về tác động tới nguồn nước, từ 1.900 ha ban đầu, dự án bị giảm xuống còn 1.600 ha để không ảnh hưởng tới biển trong khu vực. Sau một đánh giá môi trường nữa, dự án bị giảm diện tích xuống còn 1.386 ha.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s cũng tỏ ra thận trọng về Thành phố Rừng. Tổ chức này đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp dài hạn của Country Garden hồi tháng 3 từ BB+ xuống BB.
Về phía người dân Malaysia địa phương, họ lo lắng cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động của dự án khi mà khu vực của dự án Thành phố Rừng vốn là một làng chài thanh bình. Lo lắng của dân chài địa phương đã được các nhà môi trường chia sẻ. Họ cho rằng Thành phố Rừng nếu thành công cũng sẽ là một thảm họa với hệ sinh thái địa phương. Mặc dù được mô tả là một thành phố sinh thái đáng sống nhưng các nhà môi trường cho rằng việc đổ cát để xây một thành phố mới có thể làm thay đổi thủy triều, phá hủy đời sống các động thực vật biển. Nhà khoa học Paul Johnston thuộc tổ chức Hòa bình Xanh nói: “Dự án có thể thay đổi sinh thái của toàn bộ khu vực một cách sâu sắc”.
Không chỉ thế, dự án còn có thể ảnh hưởng tới quốc gia láng giềng Singapore và khiến chính phủ nước này lo ngại. Tuy vậy, ông Mohamad Othman Yusof, Giám đốc Điều hành Country Garden Pacificview (liên doanh giữa Country Garden và Esplanade Danga 88) khẳng định Singapore sẽ không bị ảnh hưởng gì. Ông nói thêm: “Chúng tôi rất tự tin về thành công của các hòn đảo”.