ThienNhien.Net – Lũ lụt hoành hành trên khắp Bangladesh hơn một tuần qua đã làm ít nhất 14 người thiệt mạng và hàng trăm người phải rời bỏ nhà cửa.
Phát biểu với báo giới ngày 31/7, một quan chức thuộc Bộ Giảm nhẹ và Kiểm soát thảm họa đã xác nhận số người thương vong nói trên tại ba khu vực miền Bắc Bangladesh là Jamalpur, Kurigram và Gaibandha.
Theo quan chức này, những trận mưa lớn trong mùa mưa (từ tháng 6-9) cùng với nước đổ xuống từ các đồi núi ở khu vực biên giới giáp với Ấn Độ đã gây ra tình trạng ngập lụt khiến 500.000 người tại khu vực miền Bắc Bangladesh phải rời bỏ nhà cửa.
Trung tâm giám sát lũ lụt tại Dhaka cho biết hàng nghìn người vẫn phải trú trong các trường học, các hội trường lớn và các trung tâm cứu nạn trong ngày 31/7.
Lũ lụt nghiêm trọng cũng gây thiệt hại lớn về mùa mạng và làm đình trệ giao thông trên diện rộng ở quốc gia Nam Á này. Truyền thông Bangladesh đưa tin nhiều ngôi làng tại khu vực miền Bắc và Đông Bắc Bangladesh vẫn ngập sâu trong nước và người dân phải tìm tới các địa điểm khô ráo để tạm trú.
Thủ tướng Sheikh Hasina cùng ngày đã kêu gọi các cá nhân và tổ chức cứu trợ người dân tại những khu vực bị ngập lụt.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giảm nhẹ và Kiểm soát Thảm họa Mofazzal Hossain Chowdhury Maya cho biết chiến dịch cứu trợ trên diện rộng đã được triển khai.
Một quan chức thuộc bộ trên cho biết tình trạng lũ lụt tại 16 quận ở khu vực miền Bắc vẫn nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định tình hình có thể sẽ cải thiện trong 72 giờ tới, mực nước sẽ hạ dần.
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Ấn Độ, truyền thông ngày 31/7 đưa tin ít nhất 9 người thiệt mạng và 20 người bị thương khi một tòa nhà 3 tầng đổ sập do các trận mưa lớn ở ngoại ô thành phố Mumbai, trong khi 32 người tử vong do bị sét đánh tại bang Odisha, miền Đông nước này.
Trước đó, nhà chức trách Ấn Độ ngày 30/7 đã thông báo số người tử vong trong các trận mưa lớn tại bang Đông Bắc Assam là 17 người.
Ngoài ra, khoảng 50.000 người tại miền Nam và Đông Ấn Độ đã phải sơ tán trong những ngày qua do mưa bão khiến mực nước dâng cao lên mức nguy hiểm, tàn phá mùa màng và làm đổ sập hơn 3.000 ngôi nhà.