ThienNhien.Net – Hà Nội đang đối diện với tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chất lượng nước sạch luôn là vấn đề nóng nhưng chưa có giải pháp căn cơ.
Đầu tháng 5/2016, Văn phòng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) đã ban hành văn bản số 1610, yêu cầu Tổng cục Môi trường khẩn trương làm rõ một số điểm ô nhiễm nặng trên địa bàn TP.Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Ngãi. Đây là hành động thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề trên.
Nguồn nước mặt ô nhiễm
Sự kiện cá chết hàng loạt nổi trắng hồ Hoàng Cầu đêm 8/6 khiến các lực lượng chức năng phải thức trắng đêm để vớt khoảng 5 – 6 tấn cá chết và giải cứu môi trường hồ Hoàng Cầu như một sự cảnh tỉnh về thực trạng ô nhiễm nặng các hồ trong nội đô Hà Nội. Các hồ như Ngọc Khánh, Hoàng Cầu… với vai trò điều hòa không khí và tạo cảnh quan trong khu vực nội đô đông đúc của Hà Nội. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm nặng nề ở các hồ này với đỉnh điểm là sự kiện cá chết hàng loạt đã khiến dư luận hoang mang.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng cục Môi trường trình lãnh đạo Bộ TNMT ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, ven các sông lớn rà soát lập danh sách các cơ sở có nguồn thải lớn, kiểm tra báo cáo Bộ TNMT. Đề nghị UBND TP.Hà Nội kiểm tra, báo cáo tình hình ô nhiễm môi trường ở hồ Ngọc Khánh, làm rõ nguyên nhân báo cáo về bộ.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là ở Hà Nội, TPHCM. Những kết quả quan trắc càng khiến người dân hoang mang hơn khi liên tục phát hiện dấu hiệu gia tăng ô nhiễm với các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép nhiều lần như hàm lượng amoni, asen, hữu cơ…
Mối lo thiếu nước và chất lượng nước
Khoan nói đến chất lượng nước sạch, nguồn nước cấp cho cư dân Hà Nội còn đang thiếu hụt khoảng 63.000 m3/ngày. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Nhu cầu dùng nước của người dân trong hè này là khoảng 1,02 triệu m3/ngày, đêm trong khi tổng lượng nước cung cấp trên địa bàn mới đạt khoảng 960 nghìn m3/ngày, đêm. Thêm nữa, Nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà (chiếm khoảng 27% tổng sản lượng nước nêu trên) luôn có nguy cơ thiếu hụt do sự cố vỡ đường ống.
Hàng loạt khu vực dân cư luôn có nguy cơ mất nước kéo dài, như: Đường Bưởi (quận Ba Đình); Thụy Khuê (quận Tây Hồ); Chương Dương, Phúc Tân, Hàm Tử Quan, Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa)…
Chất lượng nước cấp cũng không làm người dân yên tâm. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, năm 2015 và ba tháng đầu năm 2016, Trung tâm đã nhiều lần lấy mẫu nước tại 50 cơ sở cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố để kiểm tra, giám sát chất lượng. Kết quả cho thấy, nhiều cơ sở cấp nước không thường xuyên đạt chất lượng tại thời điểm giám sát; hàm lượng a-sen, pecmanganat, a-mo-ni đều cao hơn giới hạn cho phép.
Riêng tại quận Nam Từ Liêm, có 10 cơ sở cấp nước thường không đạt chỉ tiêu về hóa học. Điển hình là các trạm cấp nước Ngọc Mạch, Thị Cấm, Miêu Nha. Cũng trong thời gian này, Trung tâm đã lấy hàng nghìn mẫu nước tại 120 nhà chung cư, tập thể ở 17 quận, huyện để kiểm tra. Có tới 67 tòa nhà, nước tại thời điểm giám sát không đạt quy chuẩn về các chỉ tiêu về hóa học và vi sinh vật do bể chứa nước tập trung không được thau rửa, vệ sinh thường xuyên. Các đơn vị quản lý tòa nhà chưa chủ động tự xét nghiệm chất lượng nước.
Nhiều hiểm họa cho sức khỏe
Theo tổ chức Y tế thế giới, thì hiện nay đến 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến nguồn nước và môi trường. Và tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư mà có nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm nguồn nước.
Với nguồn nước nhiễm Asen, dù chỉ một liều lượng nhỏ nhưng qua thời gian sử dụng lâu dài sẽ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, giảm hồng cầu, bạch cầu, da sạm, rụng tóc, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, đau mắt, viêm dạ dày, ung thư,.. nếu nồng độ quá lớn thậm chí có thể khiến mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt, thâm tím, và gây tử vong rất nhanh.
Bên cạnh đó, việc nguồn nước bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân và điều kiện thuận lợi bùng lên các dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng, tiêu chảy, bại liệt, giun sán, viêm não, đau mắt hột, nấm…
Nước nhiễm kim loại nặng gây nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài cho người sử dụng. Nước có hàm lượng sắt và man gan vượt ngưỡng khó được phát hiện bằng mắt thường, chỉ dễ nhận biết qua lớp cặn lắng dưới đáy bể hay thành các ống dẫn. Hiện nay Bộ Y tế đang cho phép mức tồn dư trong nước sinh hoạt của sắt là 0,3mg/l, còn mangan là 0,5mg/l. Để xác định hàm lượng này có vượt quá hay không, người dân cần thường xuyên lấy nước sử dụng đi kiểm tra.