ThienNhien.Net – Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho rằng, cứ cạo trắng rừng vùng đệm để trồng cao su sẽ sinh ra nhiều hệ lụy. Chẳng hạn như mất đất, sông suối khô cạn không còn nước, thậm chí khuyến khích bà con phá rừng làm rẫy.
Phá bỏ rừng quý
Dự án trồng cao su của Cty TNHH Minh Trí được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt với gần 170ha tại các tiểu khu 291, 295 ở vùng đệm sát với rừng của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (địa phận xã Thượng Trạch).
Từ tháng 4, công ty đã thuê nhân lực phát rừng, cưa cây, đẵn gốc để triển khai trồng cây cao su. Vùng rừng nằm sát đường này rộng trên 300ha giữa các bản Me Lỳ, Cu Tồn và Cồn Roàng của xã Thượng Trạch. Nơi đây có độ dốc lớn, trước vốn là rừng nguyên sinh, sau bị khai thác làm rẫy. Bà con dân tọc Ma Coong thường làm vài mùa rẫy rồi bỏ đất hoang, lau lách mọc. Để hoang vài năm, bà con lại phát cây làm rẫy, cứ như vậy xoay vòng. Xen giữa rừng lau lách bụi rậm là những khoảnh rừng nguyên sinh chủ yếu là cây săng lẻ, lát hoa… đứng vững trãi qua cả trăm năm. Nhiều cây hai, ba choàng tay người lớn, cao ba, bốn chục mét.
Theo ông Đinh Hợp, diện tích rừng nguyên sinh này còn khá lớn, do bà con dân tộc khi phát rẫy để lại và bảo vệ không cho người lạ vào chặt phá. Đáng ra, với diện tích rừng nguyên sinh này, Sở NN-PTNT Quảng Bình khi làm quy hoạch cho doanh nghiệp chuyển đổi rừng sang trồng cao su phải giữ lại, bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng thay vì bảo vệ, cơ quan chức năng đã gật đầu cho doanh nghiệp khai thác.
Một cán bộ Cty Minh Trí cho biết năm nay, họ làm sạch khoảng 35ha rừng trồng cao su. Gỗ khai thác được chuyển về xuôi để bán. Hỏi về số lượng gỗ Cty Minh Trí khai thác đi qua trạm kiểm soát 39 (Hạt Kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng), anh Từ Minh Phương là trạm trưởng cho biết, phía công ty vận chuyển 10 xe ô tô lớn với trên 210m3 gỗ từ nhóm 1 đến nhóm 7, “trong đó, chủ yếu là gỗ săng lẻ thuộc nhóm 3”.
Chưa hết, tại khu vực đóng quân của đơn vị (xã Thượng Trạch) cũng đang còn hàng chục m3 gỗ nằm ngổn ngang. Như vậy, một lượng gỗ rừng tự nhiên không hề nhỏ đã được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình hợp lý hóa cho doanh nghiệp khai thác. Trong khi đó, việc đóng cửa rừng đã được Chính phủ chỉ đạo triệt để.
Tác động xấu
Chúng tôi băng rừng trong cơn mưa đổ về xối xả do ảnh hưởng của cơn bão số 1. Đám vắt rừng nghe hơi người ngóc dậy bám theo. Tôi khom người chui qua một bụi cây rậm, vắt xanh đu mình búng trúng chiếc mũ cối đội trên đầu nghe lộp bộp. Trong khoảnh rừng vài trăm m2 có đến 15 cây gỗ cao lớn. Có cây săng lẻ cổ thụ phải đi vòng quanh choàng ba lượt sải tay mới hết.
Gần đó, một chòm ba cây cổ thụ nữa đứng thẳng hàng, vút ngọn lên trời xanh. Chỉ tay vào một gốc cây cổ thụ, anh Tri là cán bộ vườn nói: “Tất cả những cây gỗ này đều có dấu bài ở gốc. Có nghĩa là, thời gian tới, công ty sẽ cưa cắt để lấy gỗ bán”.
Theo ông Ngô Đình Hà, Giám đốc Cty Minh Trí thì để có được quyết định giao đất của UBND tỉnh, công ty đã phải chi gần 2 tỷ đồng cho việc khảo sát, thiết kế diện tích rừng chuyển đổi này.
Chỉ sau một ngày mưa là con suối Cà Ròng chảy trước trụ sở UBND xã Thượng Trạch chuyển màu đỏ ối. Ông Đinh Cu nhà ở gần suối nói: “Trước đây dù mưa dài ngày thì suối cũng không có màu đỏ rứa. Nay công ty làm sạch cây trên đất đồi nên đất đổ về làm nước suối đổi màu như vậy”. Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thì việc chuyển đổi rừng vùng đệm di sản phải có sự tham gia của vườn.
Tuy nhiên, vườn không hề hay biết gì. “Vườn chúng tôi chỉ được mời tham gia trong hội đồng giám sát việc vận chuyển gỗ khai thác ra khỏi rừng mà thôi”, vị lãnh đạo vườn nói. Chúng tôi đi theo con đường chạy thẳng tới các bản Cu Tồn, Cồn Roàng. Hai bên đường, bà con đã phá rừng để làm nương rẫy.
Theo quan sát thì có đến hàng chục ha rừng bị chặt, đốt để trở thành rẫy mới. Có khoảng rừng cây mới chặt nằm ngổn ngang, có khoảng đã đốt cháy khói còn bốc lên ngùn ngụt. Xa hơn một chút là khoảng đất mà trước đây là rừng đã được dọn sạch và đợi mưa xuống nhiều là bà con gieo trồng. Điều đáng nói là hiện tượng này chưa được chính quyền ngăn chặn. Anh Đinh V, một người dân ở bản Cu Tồn nói: “Bên công ty phá rừng lấy hết rẫy củ của chúng tôi rồi. Không biết làm răng cả, giờ bà con phải phát rừng làm rẫy mới thôi”.
“Việc thực hiện dự án sẽ làm thay đổi lớp phủ thực vật bề mặt và tác động mạnh mẽ đến thượng lưu và toàn khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Làm tăng tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước bề mặt cũng như nước ngầm, gây sạt lở, xói mòn, ô nhiễm nguồn nước và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính toàn vẹn các giá trị ngoại hạng của di sản thiên nhiên thế giới.
Qua ghi nhận thực tế hiện trạng môi trường thời gian gần đây cho thấy nước Sông Son có màu đỏ bất thường, lượng trầm tích trong nước cao hơn trước, nước đổ về hạ lưu nhanh hơn khi có mưa đầu nguồn; có một lượng phù sa bồi lắng ở khu vực sông Chày, suối Nước Moọc mà trước đây chưa từng xảy ra; một số khối thạch nhũ ở hang Sơn Đoòng (thuộc hệ thống hang Phong Nha) và động Thiên Đường (thuộc hệ thống hang Vòm) bị gãy đổ do lũ dâng, tốc độ dòng chảy bất thường trong hệ thống sông ở khu vực…”. (Trích văn bản của Vườn Quốc gia gửi UBND tỉnh Quảng Bình) |