ThienNhien.Net – Trước những khó khăn chung của ngư dân, người nghèo cũng như nạn vàng tặc, nợ thuế khai thác khoáng sản, lâm tặc lộng hành tại Quảng Nam, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch UBMTQ tỉnh Quảng Nam.
Thưa ông, thời gian qua ngư dân và người nghèo gặp không ít khó khăn, vậy xin ông cho biết, Mặt trận ta đã làm gì để hỗ trợ bà con?
Ông Võ Xuân Ca: Trong thời gian qua, ngư dân khu vực Bắc Trung Bộ gặp không ít khó khăn do vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế bị ỗ nhiễm, tàu thuyền ngư dân phải nằm bờ, hải sản khó tiêu thụ, bị rớt giá. Ngư dân đánh bắt xa bờ còn bị tàu nước ngoài ngăn cản, tấn công.
Trong tình hình đó, ngư dân tỉnh Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn. Có thời điểm, việc tiêu thụ hải sản chậm lại do người tiêu dùng e ngại hải sản bị nhiễm độc, nhất là thời điểm Chính phủ chưa công bố về sự cố môi trường ở khu vực Bắc Trung Bộ. Cùng đó là thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới ven biển nhiễm mặn… cũng ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nhân dân ven biển. Vì thế, Mặt trận cùng với các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn luôn đồng hành kịp thời cùng bà con ngư dân và người nghèo để kịp thời vận động, hỗ trợ thiết thực giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
Chỉ tính riêng năm 2015 và 6 tháng đấu năm 2016, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát động và triển khai thực hiện Chương trình “Vì những con tàu xa khơi”, qua đó đã huy động gần 2,3 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 6 nhà “Mái ấm chiến sĩ” trị giá 360 triệu đồng; trao tặng 39 bộ máy thông tin liên lạc ECOM cho các tàu cá, 11 bộ máy cho các đồn Biên phòng tuyến biển đảo, Hải đội 2 và các tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển, tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Vừa qua, trước khó khăn chung của ngư dân, Mặt trận tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH TM Carlsberg Việt Nam thăm hỏi và tặng 2.250 suất quà với tổng giá trị gần 900 triệu đồng cho các bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Nhân đây, tôi xin nói thêm, ngoài việc có các hoạt động hỗ trợ kịp thời cho ngư dân, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh vận động “Quỹ Vì người nghèo”. Tính đến ngày 10-6, toàn tỉnh đã vận động 4.935.286.000đ tiền mặt vào “Quỹ vì người nghèo” các cấp. Từ kết quả vận động trên, đã hỗ trợ xây dựng mới 74 nhà và sửa chữa 18 nhà đại đoàn kết. Mặt trận tỉnh cũng đã vận động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đăng ký ủng hộ 6,5 tỷ đồng để tiếp tục triển khai xây dựng nhà đại đoàn kết cho đồng bào nghèo trong thời gian đến.
Thời gian qua Quảng Nam là điểm nóng về vấn nạn vàng tặc và bức xúc nợ tiền thuế khai thác khoáng sản. Quan điểm và sự giám sát của Mặt trận trong các vấn đề này, thưa ông?
Ông Võ Xuân Ca: Trước hết là nói về vấn nạn khai thác vàng trái phép. Đây là vấn nạn gây bức xúc dư luận, thậm chí có vụ việc để xảy ra tai nạn chết người. Về vấn đề này, theo tôi, cấp ủy, chính quyền đã rất cương quyết và có những chỉ đạo kịp thời. Thế nhưng, vì địa hình hiểm trở, ở những vùng núi hẻo lánh cách xa khu dân cư vàng tặc vẫn lén lút khai thác trái phép.
Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh cùng với Mặt trận các cấp cũng đã vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác vàng trái phép, góp phần thiết thực gìn giữ tài nguyên và môi trường; kịp thời phản ánh khi phát hiện ở địa phương mình xuất hiện tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó vai trò chính quyền cơ sở là hết sức quan trọng. Thế nhưng phải nói rằng, có những nơi quản lý lỏng lẻo, thậm chí còn tiếp tay cho vàng tặc. Muốn tình trạng này chấm dứt thì ngoài việc tuyên truyền người dân không vi phạm pháp luật thì cần phải đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Phải xử lý nghiêm những kẻ cố tình vi phạm. Nếu chúng ta không thực hiện tốt các vấn đề trên thì vấn nạn này vẫn còn tồn tại gây nhức nhối cho dư luận.
Đối với vấn đề nợ thuế, tôi có thể nói ngay rằng, chúng ta cần cương quyết để thu nợ thuế, không thể chấp nhận việc anh khai khoáng thu hàng tấn vàng nhưng lại nợ thuế đến hàng trăm tỉ không nộp. Chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, nhưng mọi doanh nghiệp phải đều bình đẳng và thực thi đúng pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên tôi được biết, doanh nghiệp cũng đứng trước những khó khăn nhất định, nên cũng cần để doanh nghiệp được phép tái cơ cấu sản xuất, từ đó có điều kiện đóng thuế, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, nhất là người lao động tại địa phương.
Thời gian qua ở Quảng Nam liên tiếp xảy ra những vụ tàn phá rừng, nhất là vụ tàn phá rừng Pơmu mới đây. Ý kiến của ông?
Ông Võ Xuân Ca: Rõ ràng phá rừng là hành động không thể chấp nhận và cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng.
Thế nhưng tại Quảng Nam lại xảy ra vụ phá rừng Pơmu ở gần cột mốc biên giới 717, nơi giáp ranh huyện Nam Giang, Quảng Nam và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Đây là vụ phá rừng gây bức xúc và dư luận đang rất quan tâm.
Vấn đề này, UBND tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, đã có những chỉ đạo cụ thể. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ. Nhưng rõ ràng Pơmu là cây quý, theo phản ánh có tuổi thọ hàng trăm năm, lại nằm ở vùng biên giới, được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc tàn phá không thương tiếc là không thể chấp nhận. Trách nhiệm của chúng ta là cần phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn. Ai sai đến đâu thì phải xử lý đến đó. Mặt trận sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát vấn đề này.
Trân trọng cảm ơn ông!