ThienNhien.Net – Bắt đầu từ hôm nay, 1/8, tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp trên cả nước có nguồn xả nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên sẽ rơi vào tầm ngắm của thanh tra Tài nguyên – Môi trường. Quyết định của Bộ TN-MT là một cú siết lại, ngăn chặn những hành vi xả thải bừa bãi, làm hại môi trường. Bởi lẽ tới nay, môi trường bị đầu độc, bị hủy hoại đã ở mức báo động.
Theo quyết định của Bộ TN-MT, đối tượng thanh tra là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông.
Trước mắt, Bộ TN-MT thành lập 3 đoàn thanh tra đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500m3/ngày đêm trở lên tại 23 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Đây là hành động cứng rắn khi “tối hậu thư” cho biết, kết quả thanh tra phải được báo cáo về Bộ TN-MT chậm nhất là 15 ngày kể từ khi kết thúc và đến cuối tháng 10 tới, cơ quan chức năng sẽ hoàn thành tổng hợp kết luận thanh tra, tổ chức họp báo công bố kết quả.
Thực tế thì từ lâu môi trường Việt Nam đã ngấm ngầm bị hủy hoại, trong đó đối tượng chủ yếu tàn phá môi trường là các cơ sở sản xuất, nhà máy được xây dựng gần sông, gần biển. Sở dĩ chọn những vị trí như vậy để xây dựng nhà máy là do chủ đầu tư cố tình ăn bớt rất nhiều tiền khi phải xây dựng hệ thống xử lý, chứa, trước khi xả ra môi trường.
Bằng nhiều cách qua mặt cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, họ làm những đường ống chìm không qua hệ thống bể chứa nước thải, xả thẳng nguồn nước độc hại xuống sông, xuống biển. Những tưởng dòng nước thải tồn dư nhiều hóa chất độc hại sẽ được hòa tan vào nguồn nước tự nhiên, không ai biết đấy vào đâu.
Hành vi vi phạm pháp luật đó đã đầu độc những dòng sông, biến những dòng sông thành sông chết; những con kênh thành kênh nước đen. Nhiều loài thủy sản theo đó mà biến mất.
Dân nghèo lương thiện sống hai bên bờ sông từ bao đời đến nay mất kế sinh nhai. Cư dân xung quanh vùng bị xả thải độc hại ngày đêm sống chung với môi trường bị ô nhiễm, tác hại không chỉ trước mắt mà rất lâu dài đối với sức khỏe và nòi giống. Bệnh tật cũng từ đó mà ra, nhưng kẻ xả thải trong nhiều trường hợp lại vô can.
Vì sao vậy? Đó là việc dễ dãi trong quá trình xét duyệt các dự án đầu tư xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất. Là việc thiếu giám sát thường xuyên, thiếu sự kiểm tra chuyên ngành và cũng không xử lý nghiêm khắc của cơ quan chức năng. Khi sự cố xảy ra, người ta sững sờ vì sao những cơ sở đầu độc môi trường lại có thể dễ qua mặt nhà chức trách đến thế. Nhà chức trách ở đâu, hay là thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên môn, vô cảm với nỗi cảm của người dân trong vùng?
Nhân đây, cũng cần nhắc lại một số vụ xả thải đầu độc môi trường nghiêm trọng đã được công khai, để thêm một lần nữa cho thấy việc giám sát, kiểm tra, xử phạt cần phải được tiến hành gấp gáp, triệt để, trước khi đã quá muộn.
Gần đây nhất là vụ Formosa. Tuy rằng kết luận đã rõ ràng, Forrmosa đã chấp thuận chuyển 250 triệu USD trong số 500 triệu USD tiền bồi thường do hủy hoại môi trường biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ, nhưng hậu quả của nó không phải vì thế mà chấm dứt. Ngược thời gian, những người có trách nhiệm vì sao không biết rằng mỗi ngày Formosa xả ngầm xuống biển tới 12.000m3 nước thải, và chỉ tính 3 tháng đầu năm 2016, đã xả 931.830m3 nước thải?
Trước khi nhắc lại vụ Vedan đình đám bị phát giác (năm 2008), xin được nói về vụ “Vedan 2”. Đó là Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Đêm 3/8 rạng sáng 4/8/2011, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã bắt quả tang nhà máy này xả nước thải đen đặc, tanh hôi nồng nặc ra rạch Bà Chéo (thông với sông Đồng Nai).
Chỉ trong một đêm, đã phát hiện hơn 9.000m³ nước thải chưa được xử lý từ nhà máy này tống thẳng ra rạch. Thủ đoạn xả thải của nhà máy này rất tinh vi với hệ thống cống ngầm âm sâu 3 mét dưới đất. Nhà máy xử lý chất thải này của Công ty Sonadezi (thuộc Tổng công ty Sonadezi). Đáng nói, đây lại là một doanh nghiệp nhà nước, có nhiệm vụ gom nước thải của 42 công ty trong Khu công nghiệp Long Thành để xử lý bảo đảm an toàn trước khi xả ra môi trường.
Trước đó, tháng 9/2008, Công ty Bột ngọt Vedan bị phát hiện thải chất độc hại ra sông Thị Vải. Cả một dòng sông dài bị đầu độc, người dân oán thán, hết đường sống. Còn nhớ lúc ấy lại có một luồng ý kiến cho rằng nên nhẹ tay với hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Vedan, vì “kêu gọi được đầu tư nước ngoài khó lắm, họ đóng góp vào ngân sách cũng lớn lắm”.
Thực chất, đó là việc đánh đổi môi trường, vô cảm với cuộc sống của người dân chỉ để thu về lợi ích kinh tế. Nhưng người dân đã không chấp nhận. Nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đứng lên kiện Vedan, bắt đầu từ cuối tháng 7/2010. Chỉ đến khi ấy Vedan mới chịu bồi thường.
Sau mỗi vụ phát giác môi trường bị hủy hoại, lại thấy xót xa. Tới nay, nhiều dòng sông đã bị đầu độc. Không ít con sông ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… đã mất đi sự trong lành mà còn là mối họa cho cộng đồng. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một ít đi, ngay cả những lồng cá của người dân nuôi trên sông cũng chết hàng loạt. Mỗi khi nghe đâu đó người dân kêu cá nuôi bị chết không rõ nguyên nhân, lại nghĩ đến việc xả thải trái phép, và lại thêm một lần đau lòng.
Sự việc đó không thể tái diễn mãi, sự đầu độc không thể kéo dài, môi trường sống của con người phải được bảo vệ. Không thể nhân danh bất cứ lý do gì để những hành vi đầu độc môi trường tồn tại.
Ngày 1/7, phát biểu tại ngày làm việc thứ hai phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, khi nói về Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Không vì kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường, đánh đổi môi trường. Thông điệp của Thủ tướng không chỉ là mệnh lệnh hành chính đối với các sai phạm môi trường, mà còn là mệnh lệnh của trái tim bởi môi trường bị đầu độc sẽ là di hại lâu dài cho người dân.
Nay, với quyết định của Bộ TN-MT kiểm tra toàn bộ việc xả thải của các cơ sở sản xuất được xã hội kỳ vọng. Kỳ vọng về sự xử lý nghiêm minh và cũng là hy vọng về môi trường sống trong lành.