ThienNhien.Net – Bị người dân ở thị trấn Lai Cách (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường nhưng khi báo chí liên hệ để làm rõ sự việc thì Công ty dệt Hopex đã né tránh.
Thời gian vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống ở thị trấn Lai Cách về việc Công ty dệt Hopex có xưởng sản xuất trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Theo phản ánh của người dân, Công ty dệt Hopex đã xả nước thải màu đen ra hệ thống mương phía trước; cột khói tại một khu vực sản xuất của công ty cũng xả khói đen kịt vào bầu không khí.
Theo những phản ánh của người dân, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã tìm hiểu tại cống xả cuối của Công ty. Tại đây, nước thải còn có màu đen, vùng nước xung quanh cống xả có màu đỏ vàng, nước thải sủi bọt. Bằng mắt thường, ai cũng có thể nhìn thấy. Tình trạng xảy ra thường xuyên khiến người dân xung quanh bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Để tìm hiểu về việc người dân phản ánh cũng như làm rõ việc Công ty xả khí thải, nước thải vào môi trường có gây ô nhiễm hay không, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với lãnh đạo Công ty nhằm có lời giải đáp cho những thắc mắc của người dân về tình trạng “khói đen, nước đỏ” mà Công ty dệt Hopex xả vào môi trường. Tuy nhiên, nhiều lần liên hệ trực tiếp và Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã gửi công văn với nội dung rất cụ thể, nhưng đại diện của Công ty dệt Hopex vẫn né tránh gặp gỡ và đưa ra những câu trả lời mà người dân đang đợi để được nghe.
Với việc Công ty dệt Hopex từ chối giải thích cho người dân Lai Cách về việc chấp hành pháp luật môi trường đã cho thấy thái độ của Công ty này đối với việc bảo vệ môi trường. Và hệ lụy của việc làm này là việc người dân hàng ngày phải hít thở bầu không khí mà không biết có bao nhiêu độc chất từ nhà máy của công ty này vào phổi.
Việc xả thải vào môi trường gây ô nhiễm của Công ty dệt Hopex không phải là chuyện mới xảy ra mà trước đó, tại phiếu kết quả thử nghiệm nước thải của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương ngày 16/12/2015 đã có chỉ ra những chỉ số nguy hại cho môi trường vượt nhiều lần mức độ cho phép, như độ màu cao gấp 3 lần; chỉ số COD (chỉ số chất hữu cơ trong nước) gấp gần 2 lần. Với các chỉ số vượt mức quy định trên đã cho thấy, nước thải do Công ty dệt Hopex thải ra có thể gây ô nhiễm nguồn nước, nước bề mặt rất cao.
Ngoài ra, từ tháng 7/2014 đến nay, Công ty chưa thực hiện chuyển giao xử lý chất thải nguy hại và chưa có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin tiếp tục lưu giữ tạm thời tại Công ty. Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc thu gom, tập kết nước thải từ hoạt động giặt mài để xử lý của công ty còn tình trạng để tràn ra đường nội bộ của công ty. Bùn thải của hệ thống nước thải tập trung có lượng phát sinh lớn, hiện tập kết trong các bể khoảng 70 tấn nhưng chưa được chuyển giao xử lý đảm bảo quy định.
Với “lý lịch” như trên thì không có gì ngạc nhiên khi Công ty dệt Hopexnằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hải Dương. Bên cạnh đó, Công ty còn cho Công ty TNHH PRC Vina thuê nhà xưởng để sản xuất gạch chịu nhiệt, ngành nghề này không có trong ngành nghề dự án đầu tư Công ty Hopex được chấp thuận.
Điều đáng nói, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm đã được nhắc nhở nhưng Công ty dệt Hopex không “rút kinh nghiệm” mà thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường một cách chiếu lệ, những giải pháp khắc phục sai phạm cũng chỉ là để đối phó với cơ quan chức năng.
Có lẽ, việc nhắc nhở của tỉnh Hải Dương đã không đủ sức răn đe nên ngày 19/7 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định số 1985/QĐ-XPHC phạt tiền với tổng mức phạt gần 237 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải có 4 thông số vượt quy chuẩn môi trường cho phép theo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đến đây thì có thể hiểu phần nào lý do mà Công ty dệt Hopex né tránh trả lời truyền thông và người dân đã phần nào được lý giải. Với việc không dám minh bạch về việc tuân thủ pháp luật về môi trường của Công ty dệt Hopex, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương còn có nhiều việc làm để trả lại người dân thị trấn Lai Cách môi trường sống không ô nhiễm.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.