ThienNhien.Net – Ngày 25/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cùng lãnh đạo một số ngành, địa phương trong tỉnh về những vùng hạn hán của các địa phương, tìm hiểu thực trạng hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, từ đó tìm giải pháp chống hạn hiệu quả.
Tại các xã Hưng Tân, Hưng Tiến, Hưng Tây, Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) và các xã Nghi Lâm, Nghi Công Nam (huyện Nghi Lộc), tình trạng hạn hán đang diễn ra rất nguy cấp. Đây cũng là tình trạng chung của cả tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay.
Vào thời điểm này, nhiều cánh đồng đến thì gieo cấy đã không có nước để gieo cấy, khô hạn kéo dài làm ruộng đồng nứt nẻ, hoang hóa. Nước sinh hoạt trong dân thiếu nghiêm trọng. Nhiều hộ đã phải mua nước với giá cao từ các địa phương khác để sử dụng… Người dân các vùng khô hạn khó khăn đang chồng chất khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết do không có mưa làm cho lượng nước ở các hồ chứa và mực nước trên các triền sông suối trong tỉnh giảm thấp.
Toàn tỉnh có 625 hồ chứa; trong đó doanh nghiệp quản lý 89 hồ, địa phương quản lý 536 hồ. Trong số các hồ do doanh nghiệp quản lý thì đến nay mực nước đều thấp thua so với cùng kỳ năm 2015. Các hồ do địa phương quản lý hiện dung tích chỉ còn từ 20-50% so với thiết kế. Nhiều hồ đã cạn nước.
Tình trạng hạn hán kéo dài đang làm cho nhiều diện tích đất trong tỉnh không thể đưa vào sản xuất. Chỉ riêng huyện Hưng Nguyên đã có 754ha chưa thể gieo cấy, huyện Nghi Lộc 2.683ha.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc, trong vài ba ngày tới nếu trời không mưa thì trên địa bàn huyện sẽ có 1.005ha lúa bị chết do hạn; nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thêm 7-10 ngày nữa thì khả năng toàn bộ diện tích 3.712ha lúa Hè Thu – lúa Mùa của huyện đã gieo cấy sẽ bị mất trắng.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo các ngành và các địa phương cho biết đối với Nghệ An thì việc chống hạn trong giai đoạn này là cấp bách, được coi là nhiệm vụ quan trọng vì hạn hán đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã phối hợp với các nhà máy thủy điện để xả nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu – vụ Mùa năm 2016; khuyến cáo người dân sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Đồng thời tập trung tu sửa công trình, nạo vét các kênh dẫn, kênh tưới, bể hút các trạm bơm để phục vụ tưới; lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước bơm tưới cho các vùng thiếu nước. Mặt khác, thực hiện các biện pháp ngăn không để mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, kiểm tra chặt chẽ chất lượng nước không để nhiễm mặn xảy ra.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, hiệu quả chưa cao vì hạn hán, nắng nóng đang gây hại trên diện rộng, kéo dài, với nhiều thiệt hại đã thấy rõ, ngoài khả năng đối phó của địa phương và ngành nông nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho rằng đối với các địa phương đang nằm trong vùng hạn hán nặng sẽ được tỉnh nghiên cứu để hỗ trợ tiền dầu bơm chống hạn, hỗ trợ tiền điện tăng thêm, hỗ trợ kinh phí nạo vét kênh mương, nhất là các tuyến kênh đã bị bồi lấp.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên cho một số địa phương lập một số dự án mở rộng, khôi phục hoặc xây mới các công trình thủy lợi để các địa phương chủ động hơn trong việc chống hạn.
Trước mắt, các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện ngay các giải pháp không được để người dân, nhất là các hộ nông dân gặp khó khăn, thiếu đói do bị ảnh hưởng của hạn hán kéo dài. Về lâu dài, để giải quyết một cách hiệu quả bài toán hạn hán, tỉnh Nghệ An đề nghị Trung ương và các Bộ, ngành quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn cho địa phương xây dựng, nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi quan trọng ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.