ThienNhien.Net – Mấy năm gần đây, tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc xảy ra tình trạng các doanh nghiệp tư nhân chưa được cấp phép tự ý nổ mìn khai thác đá.
Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc xảy ra tình trạng các doanh nghiệp tư nhân chưa được cấp phép khai thác tự ý nổ mìn khai thác đá. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân sống xung quanh mà còn làm thất thoát lượng lớn tài nguyên khoáng sản. Tuy vậy, đã 3 năm trôi qua, tình trạng này vẫn không được ngành chức năng ngăn chặn, xử lý triệt để.
Suốt ngày rền vang tiếng các loại máy múc, máy cẩu; ngổn ngang những khối đá lớn mới được khai thác; những phiến đá dày, rộng sau khi được mài nhẵn sẽ được khách mua ngay với giá hàng chục triệu đồng… Đây là quang cảnh tại khu vực khai thác đá chung của một số Công ty thuộc địa bàn thôn 6, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông.
Anh Bùi Trí Vương, người dân ở thôn 6 cho biết, từ mấy năm nay, nơi đây đã trở thành lãnh địa của Công ty cổ phần Trung Văn (có trụ sở tại thôn 3, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) và Công ty TNHH Ánh Kim (không có địa chỉ). Các doanh nghiệp này nổ mìn khai thác đá liên tục bất kể ngày hay đêm khiến cho cuộc sống của hơn 125 hộ dân ở thôn 6 như là cực hình do phải chịu khói bụi, tiếng ồn.
Ông Hoàng Trung Thấn ở thôn 6, xã Hòa Sơn cho biết, nhà ông ở cuối thôn khu vực giáp ranh với mỏ đá nên mấy năm qua hoạt động sản xuất của gia đình bị ngưng trệ do ảnh hưởng của việc khai thác đá, thiệt hại mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Việc chăn nuôi trồng trọt bị ảnh hưởng nhưng mối lo lớn nhất của ông là việc các vách đất đá dựng đứng do việc khai thác đá để lại có thể sạt lở bất cứ lúc nào khi mùa mưa đến.
Ông Văn Phú Hồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 4-5 công ty khai thác đá gra-nít nhưng tất cả các công ty này đều chưa được ngành chức năng cấp phép khai thác.
Theo ông Hồng, chỉ có 2 công ty được cấp giấy phép khoan thăm dò là Công ty cổ phần Trung Văn và Công ty cổ phần Quốc Duy còn lại mới chỉ đang làm thủ tục xin cấp phép mà chưa được sự đồng ý của ngành chức năng. Đối với việc các công ty này ngang nhiên khai thác đá tại khu vực thôn 5, thôn 6 xã Hòa Sơn và buôn Ngô B, xã Hòa Phong, đơn vị có xuống kiểm tra và lập biên bản xử phạt 1 lần với tổng số tiền hơn 320 triệu đồng. Tuy nhiên, các công ty này sau khi bị xử phạt vẫn khai thác và vận chuyển một lượng lớn đá gra-nít ra khỏi địa bàn huyện để tiêu thụ.
Một mét khối đá gra-nít thông thường được bán trên thị trường giao động từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng, nhưng đá granite phiến đẹp đủ kích cỡ để làm sập trang trí, có giá hàng chục triệu đồng. Trong khi chi phí cho việc khai thác, chế tác chỉ bằng 1/3 giá thành. Lợi nhuận lớn nên các doanh bất chấp quy định của Nhà nước, đổ xô đi khai thác khi chưa được cấp phép.
Đáng nói là việc khai thác đá không phép diễn ra đã khá lâu, thế nhưng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện chỉ xử phạt được một lần. Sự việc cho thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan đang bị buôn lỏng.