ThienNhien.Net – Những câu hỏi nóng bỏng về vụ phá rừng pơmu ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) đặt ra như một công án bắt buộc phải trả lời. Trả lời cho rừng và trả lời cho dân.
Chủ tịch huyện Nam Giang tố cáo biên phòng gây khó dễ cho công tác kiểm tra: “Trong việc kiểm tra lâm sản, lúc nào xã cũng bị đồn biên phòng gây khó khăn với lý do đây là vùng cấm, muốn vào phải làm đầy đủ các văn bản”, điều này có hay không? Rừng bị phá ngay sát trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang quản lý) một thời gian dài, cưa xẻ cây ầm ầm, vận chuyển ào ào, vậy mà đồn biên phòng không hay biết. Lâm tặc ngay sát nách còn không biết, nếu kẻ địch bí mật xâm nhập lãnh thổ thì sao?
Hàng trăm phách gỗ pơmu, có nhiều cây hàng trăm năm tuổi, bị hạ sát nách khuôn viên hải quan cửa khẩu… Tại sao các cán bộ thực thi nhiệm vụ ở đây không biết? Đình chỉ công tác lãnh đạo hải quan tại đây chỉ là bước đầu. Cần điều tra làm rõ có hay không sự cấu kết giữa cán bộ hải quan, lực lượng biên phòng tại đây để thông đồng với lâm tặc phá rừng pơmu.
Xe chở gỗ lậu ra khỏi rừng, cũng phải chạy trên đường, nhưng không lực lượng nào phát hiện, bắt giữ. Gỗ lậu hàng trăm mét khối, phải có nơi cất giấu, tại sao không ai phát hiện? Có hay không một hệ thống phá rừng hay phá rừng có hệ thống? Nói như ông Alăng Mai – Chủ tịch huyện Nam Giang – một gram ma túy giấu trong người, bộ đội biên phòng vẫn phát hiện tìm ra, còn những khối gỗ pơmu hàng trăm phách được vận chuyển ra mà lực lượng biên phòng không biết là điều vô lý!
Quảng Nam là một trong những địa phương mà nạn phá rừng hoành hành, hết vụ này đến vụ khác, nhiều vụ việc nghiêm trọng. Cho dù lâm tặc cấu kết với ai, biên phòng, hải quan hay lực lượng nào nữa, thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình trạng phá trừng. Đối với vụ án phá rừng pơmu tại huyện Nam Giang, lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không chịu trách nhiệm thì quả thật vô lý. Bởi một khi lãnh đạo cao nhất của địa phương không chịu trách nhiệm thì rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá.