ThienNhien.Net – Phó tổng Thanh tra Chính phủ: “Đương nhiên vụ việc gắn với tên tuổi của ai thời điểm đó thì người đó phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”.
“Theo quy định trước năm 2014, cấp tỉnh chỉ được cấp phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng Hà Tĩnh đã cho Formosa thuê 70 năm. Việc làm sai trái này đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra từ những năm 2014-2015. Tuy nhiên, hiện Hà Tĩnh chưa nghiêm túc xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân sau kết luận của TTCP”.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP, đã cho biết như trên tại buổi họp báo ngày 22-7 khi trả lời báo chí về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh (hiện nay là Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam), liên quan đến quyết định cho Formosa đầu tư.
Làm rõ trách nhiệm cá nhân
Ông Ngô Văn Khánh nói: “Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, chúng tôi không chỉ ra từng cá nhân mà gắn với cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, vụ việc gắn với tên tuổi của ai thời điểm đó thì người đó phải có trách nhiệm, không thể không. Cấp thẩm quyền phải xem xét xử lý”.
Trả lời về việc TTCP có kiểm tra lại việc thực hiện sau kết quả thanh tra đối với Hà Tĩnh không, ông Khánh cho biết: “Ngay từ đầu năm nay, TTCP cũng kiểm tra việc thực hiện kết luận mà chúng tôi đã nêu trước đó. Tuy nhiên, vụ Formosa có rất nhiều vấn đề nên quá trình kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ vụ việc hiện vẫn chưa có kết luận. Đến thời điểm này, chúng tôi mới chỉ kết thúc đợt làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới TTCP sẽ công bố toàn bộ các kết luận liên quan”.
Nói thêm về việc kiểm điểm các cá nhân liên quan sau kết luận của TTCP, ông Ngô Văn Khánh khẳng định: “Việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, bước đầu tất nhiên là chưa nghiêm túc. Tới đây, chúng tôi sẽ thông báo kết luận, trong đó đặc biệt làm rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân, đơn vị liên quan”.
Lại thêm năm điểm rác thải từ Formosa
Ngày 22-7, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho biết địa phương đã phát hiện 12 điểm đổ rác thải không đúng quy định trên địa bàn. Trong đó, có năm điểm là rác thải có nguồn gốc từ Formosa.
Cụ thể, khu vực rác thải ở Mặt Rọong, xã Kỳ Trinh; trang trại ông Cao Nhân, ông Trần Đình Tâm và tại lô số 3 đất ở dự án phòng Tân Long 2, đều thuộc xã Kỳ Long; thôn 2 Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi.
Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN&MT thị xã Kỳ Anh, cho biết qua kiểm tra, đánh giá ban đầu, hầu hết số lượng rác phát hiện tại các điểm là rác thải sinh hoạt, không phải là rác thải nguy hại nên cơ quan chức năng đã thống nhất không lấy mẫu. “Thời điểm thải rác là từ năm 2011 đến 2014, khi đó Formosa chưa chạy thử nhà máy để phát sinh chất thải nguy hại. Do đó, cơ quan hạn chế lấy mẫu. Hơn nữa, việc lấy mẫu cũng rất tốn kém” – ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, địa phương đã giao cho các xã, phường hợp đồng với Công ty TNHH MTV Xử lý chất thải công nghiệp Hà Tĩnh vận chuyển chất thải về công ty để xử lý. Việc bốc dỡ có sự giám sát chặt chẽ, khi phát hiện thêm dấu hiệu nghi ngờ về chất thải nguy hại sẽ cho lấy mẫu ngay.
Ngư dân Quảng Bình điêu đứng vì ô nhiễm biển
Chiều 22-7, bên hành lang Quốc hội (QH), Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương đã chia sẻ với báo chí về những thiệt hại của người dân Quảng Bình trong sự cố Formosa. . Phóng viên: Có đại biểu cho rằng nên lập một ủy ban lâm thời để giám sát các vấn đề về môi trường ở Formosa. Ông có đồng tình? + Ông Nguyễn Ngọc Phương: Tôi nghĩ hiện nay chúng ta có đầy đủ cơ quan chức năng để giám sát, không nhất thiết phải thành lập cơ quan lâm thời, làm như thế cũng rất phiền hà. Vấn đề ở chỗ là bây giờ đã phát hiện ra rồi và cần phải xử lý như thế nào. . Tại xã Quang Minh, Quảng Bình đã xảy ra tình trạng ăn bớt tiền hỗ trợ của người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường ở Formosa. Ông bình luận gì? + Các hộ dân bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ 300.000 đồng/hộ, tuy nhiên lãnh đạo thôn Cồn Minh đã bớt lại mỗi hộ 50.000 đồng để xây sân hội trường thôn, gây bức xúc dư luận, cá nhân tôi cũng rất bức xúc. Trong hội nghị của ủy ban tỉnh, tôi đã nêu vấn đề này và đề nghị phải kiểm soát kỹ, tránh tình trạng cán bộ bớt xén. Việc này không những làm ảnh hưởng đến uy tín và mất niềm tin của người dân mà còn mất cả cán bộ. Tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc xử lý vụ việc, tuy nhiên cụ thể thế nào thì tôi hiện chưa nắm. . Liên quan đến vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cử tri Quảng Bình mong muốn gì khi tiếp xúc với đại biểu QH? + Cử tri đã kiến nghị ba vấn đề chính: Một là hiện nay việc hỗ trợ ngư dân chỉ mới thực hiện với các thuyền đánh bắt gần bờ, chưa thực hiện với đánh bắt xa bờ. Thứ hai là tiền hỗ trợ nên chia thành từng chuyến thay vì cả năm mới được nhận một lần. Thứ ba là họ kiến nghị làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay để người dân yên tâm. Đặc biệt, rất nhiều cử tri của làng Cảnh Dương nói họ không nhận bồi thường mà yêu cầu tiền bồi thường đó để tập trung vào làm sao cho biển thật sạch… Hậu quả của Formosa đã làm cho người dân Quảng Bình trong thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn và một số hộ gia đình trở thành điêu đứng. Một số ngành, lĩnh vực không chỉ là những ngư dân mà người làm dịch vụ, du lịch, các nhà hàng, khách sạn cũng giảm bớt thu nhập nên về hậu quả kinh tế là quá rõ… . Xin cảm ơn ông. VIỆT HOA ghi |