ThienNhien.Net – Ngày 20/7, ông Tạ Văn Đáo, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, cho biết đơn vị đã ngừng cấp phép cho các cơ sở gây nuôi thương mại loài tê tê trên toàn địa bàn tỉnh.
Đối với những trường hợp đã cấp phép từ trước, Chi cục Kiểm lâm đã vận động người dân mang đến các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nuôi dưỡng, bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Trước đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp các hội KH và KT Việt Nam đã có công văn phản ứng quyết liệt trước việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cấp phép cho một số hộ dân trong tỉnh nuôi thương mại hai loài tê tê Java và tê tê vàng.
Theo ENV, tê tê Java và tê tê vàng là hai loài nằm trong danh mục động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp và phải được bảo vệ nghiêm ngặt.
EVN khẳng định một trong các điều kiện tiên quyết để đăng ký thành lập các trang trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm là phải được cơ quan CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản là có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ qua môi trường có kiểm soát; không ảnh hưởng tới việc bảo tồn loài đó trong tự nhiên.
Tuy nhiên, việc cấp phép cho các hộ dân nuôi loài tê tê của Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh chưa có xác nhận từ CITES Việt Nam; đồng thời đơn vị chưa ghi nhận được trường hợp cụ thể nào tại các cơ sở gây nuôi tê tê nhiều năm qua trong tỉnh là có sinh sản.
Theo ENV, tê tê là loài cực kỳ khó nuôi nhốt hoặc sinh sản trong môi trường có kiểm soát và thực tế đã có nhiều trường hợp thất bại trong việc nuôi loài tê tê.
ENV cho biết thêm qua tìm hiểu tại trang trại của ông Nguyễn Văn Mỹ, một trong những cơ sở đã được Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cấp giấy phép gây nuôi thương mại tê tê tại xã Thành Long, huyện Châu Thành, chủ cơ sở này đã thừa nhận thường xuyên mua tê tê con bất hợp pháp để khai báo tăng đàn.
ENV còn phát hiện cơ sở này chuyên khai khống số lượng tê tê trên giấy tờ để tuồn các cá thể từ tự nhiên vào, bán trái phép cho các đối tượng có nhu cầu.
Theo ông Trần Văn Trạch, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế-Chi cục Kiểm lâm tỉnh, do thời điểm trước đây, cụ thể là Nghị định 160/2013/NĐ-CP chưa ban hành về tiêu chí xác định chế độ quản lý thuộc danh mục loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vì vậy, những hộ xin giấy phép nuôi đều có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc rõ ràng nên trách nhiệm của đơn vị là phải cấp phép theo quy định.
Ông Trạch cho biết thêm sau khi Nghị định 160/2013/NĐ-CP có hiệu lực, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã ngưng cấp phép cho các hộ dân nuôi loài tê tê và một số loài khác, nhưng hiện tại chưa có các văn bản hướng dẫn việc xử lý vấn đề này. Ví dụ như thu mua lại tê tê đã gây nuôi để trả về môi trường tự nhiên, trước khi thu hồi lại giấy phép.
Ông Trạch cũng thừa nhận rằng việc nuôi tê tê mục đích thương mại tại địa phương không mang lại hiệu quả kinh tế và đã có nhiều trường hợp đóng cửa trang trại.
Hiện, trên địa bàn tỉnh chỉ còn trường hợp duy nhất là trang trại của ông Nguyễn Văn Mỹ ở xã Thành Long, huyện Long Thành mà Chi cục Kiểm lâm đã cấp phép nuôi tê tê, nhưng cũng đã được Chi cục Kiểm lâm vận động chuyển giao toàn bộ gồm 15 cá thể tê tê cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khu vui chơi Trương Trần tại huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) nuôi dưỡng theo khuyến cáo của ENV.