ThienNhien.Net – Những tháng đầu năm 2016, Tây Nguyên đã phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm qua. Hệ thống sông, suối, hồ chứa… đang cạn kiệt nước. Mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chưa kể tưới cho cây nông – công nghiệp.
Đây cũng là những vấn đề cấp bách đã được đặt ra trong Hội thảo An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 22/7 tại Gia Lai.
Hạn hán nghiêm trọng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong những tháng đầu năm 2016, hạn hán đã xảy ra rất gay gắt ở khu vực Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc chỉ có công trình thủy lợi nhỏ chưa chủ động được nguồn nước.
Ông Dương Ngọc Đức, Phòng Tổng hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ ra rằng qua quan trắc khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm, lượng mưa thiếu hụt khoảng 20% so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, từ tháng 12/2015 đến tháng 02/2016, lượng mưa trên toàn vùng giảm khoảng 40% so với cùng kỳ nên mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 15-35% (một số khu vực xuống thấp hơn từ 40-60%); trên 35% số sông, suối và 40% số hồ nhỏ kiệt nước. Nhiều dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20-70%, có nơi trên 90%, đặc biệt trên sông Đắk Bla tại Kon Tum mực nước đạt thấp nhất lịch sử. Nhiều hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện có dung tích chỉ còn 30-40% dung tích thiết kế. Tại Kon Tum, dung tích các hồ chứa chỉ đạt 30-50% dung tích thiết kế, có 05 hồ đã cạn nước. Tại Gia Lai, các hồ chứa chỉ đạt 10-56% dung tích thiết kế, riêng hồ Ia Hrung đã cạn nước. Tại Đắk Lắk có gần 300 hồ đã cạn nước. Tại Đắk Nông, có 17 hồ chứa và 3 đập dâng cạn nước, 35 hồ mực nước chết.
Mặc dù đến nay, nhiều địa bàn ở Tây Nguyên đã có mưa và tình hình khô hạn bớt khốc liệt. Tính đến tháng 6/2016, toàn vùng Tây Nguyên đã có 179.589 ha cây trồng bị hạn hán, ước tổng thiệt hại khoảng 5.431 tỷ đồng. Toàn vùng đã có 69.919 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Một số địa phương thiếu nước sinh hoạt xảy ra gay gắt, người dân phải mua nước sinh hoạt từ các dịch vụ với giá từ 60.000-80.000 đồng/m3. Công tác phòng, chống hạn còn nhiều khó khăn, nhấtlà hệ thống công trình thủy lợi hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu tưới cho diện tích cây trồng, đặc biệt đối với thời kỳ cuối vụ khi các nguồn nước đã cạn kiệt. Việc nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước tưới tiết kiệm còn hạn chế. Công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí.
Bảo vệ rừng để giữ nước
Tại Hội thảo An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 22/7 tại Gia Lai, các nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã chỉ ra rằng, việc cấp bách nhất lúc này là trồng rừng và bảo vệ rừng, không nên đánh đổi việc phát triển kinh tế bằng cách xây dựng thủy điện.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng: Hạn hán ở vùng Tây Nguyên một phần là do mất rừng dẫn đến hạn hán, lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Hệ quả là Tây Nguyên mâu thuẫn trong trách nhiệm quản lý nước, mâu thuẫn giữa các ngành dùng nước, mâu thuẫn giữa các địa phương trong Tây Nguyên… Tây Nguyên cũng như các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lưu lượng nước của các dòng chảy trong hệ thống sông ngòi ít nhất trong 26 năm qua. Hạn hán làm cho các hồ chứa cạn kiệt nguồn nước, khô hạn ở các địa phương phía Tây Trường Sơn, hệ thống sông ngòi khô cạn. Việc Chính phủ đề nghị Trung Quốc xả nước cứu các tỉnh vùng ĐBSCL chưa chắc đã có lợi vì hệ lụy của nó rất nguy hiểm; vả lại khi nước về đến các tỉnh vùng ĐBSCL chẳng còn bao nhiêu. Đặc biệt việc phát triển thủy điện ồ ạt trong những năm qua cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc an ninh nguồn nước vùng Tây Nguyên.
Dưới áp lực phát triển trong những thập niên vừa qua, hệ sinh thái cảnh quan của vùng Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng thiếu bền vững. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp từ năm 2008-2014, độ rừng che phủ tại Tây Nguyên đã mất đi hơn 358.700 ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.200 ha rừng. Việc phát triển thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh của Sê San và Sêrêpôk đã và đang tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, nguồn lợi thủy sản tự nhiên, sinh kế người dân. Ngoài ra, thiếu quy hoạch thống nhất trong phát triển thủy điện cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút. Quá trình mở rộng diện tích cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều tại khu vực Tây Nguyên dẫn đến khai phá đất rừng diễn ra mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Nguồn nước ngầm tại khu vực này đang trong tình trạng kiệt quệ.
Đến nay, vùng Tây Nguyên đã lập một số quy hoạch thủy lợi, phát triển nguồn nước, căn cứ vào quy hoạch nhiều công trình đã được xây dựng nhằm đối phó với những vấn đề trên. Tuy nhiên các quy hoạch này chỉ lập cho từng lưu vực sông riêng lẻ hoặc theo ranh giới hành chính của từng tỉnh, huyện, thời gian lập quy hoạch không đồng nhất và chưa nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu. Đứng trước sự biến đổi ngày càng bất thường của khí hậu, sự gia tăng các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi vùng Tây Nguyên phải xây dựng một quy hoạch tổng thể thủy lợi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa là cơ sở để giải quyết những bài toán pháp tạp về vĩ mô trong tương lai, vừa đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội luôn đi đúng hướng, ổn định và bền vững. Vì vậy cần phải có một quy hoạch tổng quát về phát triển thủy lợi nhằm từng bước ổn định và phát triển sản xuất, nâng cao mức đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, dòng chảy môi trường hạ du trong mùa khô, tiêu thoát nước, chống lũ góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và chuyên gia về nước đã trao đổi, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về thực trạng, mối quan hệ giữa an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế – xã hội tại vùng Tây Nguyên. Các đại biểu đã thảo luận và kiến nghị các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, ý tưởng phát triển nhằm giúp các tỉnh Tây Nguyên ứng phó với thách thức về nguồn nước trong dài hạn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.