Lỗ hổng pháp luật trong bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành 225 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt đạt hơn 30,1 tỷ đồng đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Cá chết tại 4 tỉnh miền Trung là sự cố môi trường nghiêm trọng. Ảnh internet.
Cá chết tại 4 tỉnh miền Trung là sự cố môi trường nghiêm trọng. Ảnh internet.

Theo Tổng cục Môi trường, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã ban hành 431 kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Cao Bằng…; 225 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt đạt hơn 30,1 tỷ đồng và 17 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định.

Đồng thời, Tổng cục Môi trường đã còn thành lập 7 đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất để xử lý các điểm nóng về môi trường. Đặc biệt, từ tháng 4 đến nay, Tổng cục Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, thực hiện hàng loạt hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân, thủ phạm khắc phục xử lý sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển mình Trung.

Theo ông Lê Hoài Nam, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Tổng cục môi trường cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, có trên 20 vụ ô nhiễm môi trường lớn làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Một trong những nguyên nhân do lỗ hổng hệ thống pháp luật trong bảo vệ môi trường.

Thứ nhất, những báo cáo đánh giá tác động môi trường để thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư thường được thể hiện sơ sài và bằng sơ đồ nên đánh giá khả năng gây ô nhiễm của các công trình thường gặp khó khăn. Đồng thời, sau khi chủ cơ sở xây dựng công trình vai trò của các cơ quan lý kiểm tra về môi trường còn mờ nhạt.

Thứ hai, những  dự án do Bộ Tài nguyên- Môi trường thẩm định đánh giá tác động môi trường sẽ do Bộ thực hiện việc giám sát môi trường, cơ quan địa phương không có chức năng giám sát. Trong khi đó, từ năm 1993 Bộ Tài nguyên- Môi trường đã phê duyệt hàng trăm dự án nhưng do không đủ lực lượng nên cũng không thể kiểm soát việc ô nhiễm môi trường từ các dự án này.

Ngoài ra, từ Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 đến nay thiếu các quy định cụ thể kế hoạch ngăn ngừa sự cố ô nhiễm môi trường. Nên dẫn đến việc xảy ra các sự cố môi trường trong thời gian qua.

Ông Nam cho biết: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cần phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hai bước. Bước thứ nhất, đánh giá tác động môi trường sơ bộ về vị trí, địa điểm… thực hiện dự án. Bước thứ hai, đánh giá tác động môi trường trực tiếp khi dự án đi vào thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên- Môi trường nên giao trách nhiệm giám sát các dự án cho các cơ quan quản lý địa phương, như vậy việc kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ được chặt chẽ hơn.