ThienNhien.Net – Hệ thống cấp nước sạch của TPHCM hiện nay có tổng công suất khoảng 2,1 triệu m3/ngày đêm cung cấp cho khoảng 10 triệu dân trên địa bàn. Trong đó, các nhà máy nước sạch của thành phố sử dụng 90% nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên 2 con sông này ngày càng nghiêm trọng…
Theo ông Hồ Văn Lâm – Tổng GĐ Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco): “Nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn vẫn có xu hướng gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là sông Sài Gòn. Trong đó, các chỉ tiêu chất hữu cơ, amonia, vi sinh tăng nhanh và đã vượt qua quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu và kết quả của các nghiên cứu về nguồn nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai thì trong thời gian tới vấn đề ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu sẽ diễn biến khó lường”.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (gần đoạn Nhà máy nước Tân Hiệp công suất 300.000m3/ngày) đáng báo động. Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM có báo cáo đánh giá môi trường năm 2015 và kết quả quan trắc cho thấy, khu vực cấp nước của sông Sài Gòn có chất lượng nước thuộc loại B1 và bị đe dọa bởi nhiều nguồn gây ô nhiễm. Nguồn thải từ sông Thị Tính (đổ vào sông Sài Gòn) là một nguồn ô nhiễm đe dọa trực tiếp đến khu vực lấy nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp…
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM về đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn cho hàng triệu người dân TPHCM, ông Hồ Văn Lâm cho biết, Sawaco đã đề xuất giải pháp cấp bách đối với nguồn nước trên sông Sài Gòn là lấy nước thô từ kênh Đông dẫn về hồ chứa nước (dự kiến xây hồ chứa 1.750.000m3 trên diện tích 38,5ha tại xã Tân Phú Đông – Củ Chi), sau đó dẫn nước từ hồ chứa về Nhà máy nước Tân Hiệp để sản xuất nước sạch. Còn về lâu dài, nước thô được lấy trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương, Tây Ninh) để cung cấp cho cụm Nhà máy nước Tân Hiệp (cả 3 giai đoạn, khoảng 900.000m3/ngày). Đồng thời, cũng kết hợp xây dựng 3 hồ trữ nước thô (rộng 78ha, 84ha, 100ha), với tổng dung tích 15 triệu mét khối, để trữ và sơ lắng, tăng chất lượng nước trước khi dẫn về cụm nhà máy sản xuất nước sạch.
Tương tự, đối với nguồn nước sông Đồng Nai, trước mắt sẽ tận dụng 2 hồ đá (tại khu vực Làng Đại học Quốc gia – TPHCM) làm hồ trữ nước thô, với 4 triệu mét khối nước đủ cung cấp 50% công suất của cả cụm Nhà máy nước Thủ Đức khoảng 5 ngày. Còn lâu dài sẽ xây dựng hệ thống trạm bơm, tuyến ống dẫn nước thô trực tiếp từ hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) cho cả cụm nhà máy Thủ Đức cả 5 giai đoạn (công suất gần 2,5 triệu m3/ngày).
Không chỉ xây dựng các hồ trữ nước thô ở đầu nguồn, thành phố cũng có chủ trương xây dựng các hồ, bể chứa nước sạch dự phòng quy mô lớn tại các nhà máy nước và trong khu vực nội thành, nhằm đảm bảo khả năng cung cấp nước an toàn, liên tục ổn định cho người dân…