ThienNhien.Net – Bên hành lang Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chia sẻ với báo chí xung quanh những sai phạm của công ty Formosa đối với môi trường Việt Nam.
– Thưa ông, sự cố ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung đã để lại cho chúng ta những bài học gì?
Chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến môi trường vì ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người dân, đến những tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Đi đôi với phát triển kinh tế là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của người dân, để phát triển kinh tế bền vững.
Khi nhà đầu tư vào Việt Nam phải kiểm soát kỹ, để tránh biến Việt Nam thành nơi xử lý rác thải, ô nhiễm. Chúng ta biết đã có nhiều bài học đắt giá của các nước đi trước, vì thế Việt Nam đi sau không được lặp lại những sai lầm đó.
– Đối với những dự án lớn như Formosa, Quốc hội sẽ thể hiện vai trò giám sát của mình như thế nào, thưa ông?
Đây là vấn đề phân cấp, tuỳ từng dự án sẽ phân cấp cho địa phương hay cơ quan trung ương, bộ, ngành. Những dự án lớn, rất nhạy cảm thì phải cáo Quốc hội, hoặc Chính phủ quyết định.
Trên thực thế, có những dự án tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tôi ví dụ, các dự án xây dựng đập thuỷ điện nhỏ nhưng có thể xảy ra ảnh hưởng không nhỏ.
Bài học từ vụ việc Formosa cho chúng ta thấy từ trung ương đến địa phương cùng phải quản lý, không phải nơi nào biết nơi đấy. Nhiều dự án nhỏ có thể dẫn đến ô nhiễm lớn liên quan đến nhiều địa phương khác nhau. Vì vậy, vấn đề kiểm soát môi trường là vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế.
– Gần đây, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) có đề nghị lập Uỷ ban lâm thời về giám sát Formosa. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi chưa nhận được ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Tuy nhiên, phải có quy trình thành lập và thực hiện theo luật.
– Văn kiện của Đại hội Đảng 12 đã xác định chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp, đảm bảo kinh tế thị trường. Tuy nhiên công tác tái cơ cấu nền kinh tế và cổ phần hóa đến nay còn chậm?
Hiện nay, nguồn lực trong dân rất lớn, trong lúc nhu cầu đầu tư lớn như thế, nên có chính sách để làm sao khuyến khích đầu tư phát triển, khai thác nguồn lực trong dân vào sản xuất thì mới hiệu quả.
Nguồn lực trong dân mà đem gửi tiết kiệm thì không hiệu quả. Đó là điều mà Chính phủ cần có những biện pháp để khai thác, phát huy.
– Ông đánh giá gì về hành động của Chính phủ trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua?
Vừa qua Chính phủ đã có quyết tâm rất cao, vào cuộc mạnh mẽ, tuyên bố Chính phủ hành động, liêm chính và rất được dân ủng hộ.
Tuy nhiên, nền kinh tế vừa qua chịu nhiều tác động nên có tăng trưởng chậm so với mục tiêu đề ra. 6 tháng cuối năm, Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng để phấn đấu.
Quốc hội đánh giá rất cao và mong muốn Chính phủ có giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
6 tháng đầu năm, kinh tế suy giảm chủ yếu tập trung ở nông nghiệp do các nguyên nhân như cá chết, hạn hán, xậm nhập mặn…
Cuối năm Chính phủ phải tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, để tăng trưởng trở lại bình thường.
Những việc Chính phủ phải làm trong 6 tháng tớ là không phải chỉ có nói, mà phải hành động cụ thể, mới đảm bảo tăng trưởng.
– Trong bối cảnh này, có nên tiếp tục khai thác dầu thô để bù đắp tăng trưởng thưa ông?
Dầu thô là tài nguyên khoáng sản quan trọng của đất nước. Theo tôi không nên khai thác quá mức, vừa ảnh hưởng tới chất lượng dầu, vừa ảnh hưởng tới tài nguyên đất nước trong khi đó lại phải bán với giá rẻ.
Chúng ta cần tìm mọi cách để khắc phục và không nên khai thác dầu để bán giá rẻ. Đến lúc khác giá dầu tăng lên thì rất lãng phí trong khi nguồn tài nguyên thì có hạn chứ không phải là vĩnh cửu.
Xin cảm ơn ông!