ThienNhien.Net – UBND TP Cần Thơ vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) khởi động Dự án “Phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị”.
Ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chia sẻ với Pháp luật Việt Nam về ý nghĩa của Dự án đối với mục tiêu của TP trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị cho tương xứng với vị thế đô thị văn minh, hiện đại của vùng.
Với dự án này, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu có thể giúp Cần Thơ phát triển bền vững không, thưa ông?
– Cần Thơ đang đối diện với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu (BĐKH). Thêm vào đó, xâm nhập mặn, mưa gió thất thường và tình trạng thiếu nước ngọt làm đảo lộn cuộc sống của người dân, chất lượng cuộc sống ngày càng giảm. Vì vậy, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào vùng bị kéo giảm…
Do đó, dự án phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được triển khai không những góp phần rất lớn cho việc phát triển đô thị bền vững mà còn tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH cho TP. Qua đó, thúc đẩy Cần Thơ trở thành trung tâm và động lực phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngoài ra còn giảm sự tổn thương do ngập lụt tại trung tâm TP, cải thiện kết nối giữa trung tâm TP và các khu vực mới phát triển.
Điều này sẽ đạt được thông qua đầu tư trong quản lý rủi ro ngập bằng biện pháp công trình và phi công trình đầu tư vào cải thiện khả năng tiếp cận đô thị, bao gồm cả hoạt động vận tải công cộng thông qua một phương pháp tiếp cận quản lý hành lang tích hợp; tăng cường năng lực quản lý tài chính và kế hoạch tích hợp giao thông với sử dụng đất.
Dự án còn góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng trong vùng, giảm xói lở đê bao, chủ động thích ứng với lũ nhằm gia tăng sản xuất trong mùa lũ cho các địa phương và tăng thu nhập cho người dân; khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt hạn chế; ngăn triều cường có nguy cơ ngày càng lớn hơn do nước biển dâng…
Ông có thể thông tin cụ thể hơn về dự án phát triển TP Cần Thơ, thưa ông?
– Dự án tập trung chống ngập khu đô thị lõi TP Cần Thơ thuộc địa bàn 3 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ và Cái Răng nhằm tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu với số dân trong khu vực được bảo vệ là 423.400 người. Trong đó, người dân thường xuyên (dân tại chỗ, học sinh, sinh viên, dân lao động nhập cư) khoảng 391.600 và không thường xuyên (khách du lịch, khám chữa bệnh) là khoảng 31.800 người.
+ Dự được chia làm 3 hợp phần:
Hợp phần 1: Chống ngập và vệ sinh môi trường, xây dựng các công trình kè bờ sông kết hợp di dời các hộ dân sống ven sông và cải tạo đường giao thông sau kè; xây dựng các cống ngăn triều, trạm bơm tiêu cho khu vực trung tâm; nạo vét kênh mương, tăng cường khả năng tiêu thoát nước; xây dựng trạm xử lý nước thải và bùn thải.
Hợp phần 2: Phát triển hành lang đô thị, bao gồm xây dựng một số tuyến đường, làm cầu nhằm tăng cường hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện để kết nối các trục giao thông, kết nối các khu vực đông dân cư và tăng cường các phương án giao thông công cộng của TP. Đồng thời, xây dựng khu tái định cư và bố trí tái định cư cho những hộ dân phải di dời do thực hiện các hạng mục đầu tư của dự án.
Hợp phần 3: Nâng cao năng lực quản lý đô thị tổng hợp thông qua các hoạt động tăng cường năng lực từ quản lý rủi ro thiên tai, giao thông, phát triển đô thị và tài chính thành phố, bao gồm các hoạt động tăng cường năng lực trong lập kế hoạch, điều phối và ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành.
Thưa ông, với tính chất, tầm quan trọng cũng như quy mô khá lớn, Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị sau khi được triển khai sẽ mang lại những hiệu ứng tốt đẹp gì cho TP?
– Về hiệu quả kinh tế: Dự án sẽ cải thiện tình trạng ngập do mưa và triều cường; không làm hư hỏng công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật; không làm gián đoạn sinh hoạt và sản xuất của người dân; không làm ách tắc giao thông vì ngập úng; giảm bệnh dịch do ngập lụt…
Ngoài ra, hệ thống hành lang giao thông trục chính có quy mô lớn hơn để tăng giá trị đất đai hai bên đường; phát triển kinh doanh thương mại; tăng vận tốc lưu thông, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu; du lịch đường thủy tăng; khai thác quỹ đất, tăng giá trị đất và nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, Dự án sẽ tạo công ăn việc làm ổn định, giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự; duy trì các hoạt động phục vụ cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục; tạo sự yên tâm cho người dân và các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; ổn định cuộc sống, tạo môi trường an toàn cho người dân trong vùng bị ngập; thúc đẩy các ngành sản xuất liên quan phát triển; giảm chi phí xã hội do bệnh tật và tai nạn giao thông…
Đặc biệt, Dự án sẽ góp phần giảm thiểu được tình trạng kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn; giảm ô nhiễm do ngập lụt và vệ sinh môi trường kém; nước sẽ không ứ đọng khi trời mưa và triều dâng; đảm bảo cảnh quan cây xây xanh làm hài hòa giữa môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường đô thị “xanh – sạch – đẹp”.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!