Việt Trì (Phú Thọ): Nhà máy phế thải “bức tử” môi trường

ThienNhien.Net – Suốt thời gian dài vừa qua, hàng nghìn hộ dân tại xã Phượng Lâu, TP Việt Trì (Phú Thọ) khổ sở khi phải sống trong tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng, không khí đặc quánh mùi hôi thối, bệnh tật bủa vây, không thể nuôi thả cá và canh tác lúa…Nguyên nhân được người dân cho biết là do ảnh hưởng từ việc xả thải của Nhà máy Chế biến phế thải đô thị Việt Trì.

Hàng chục héc ta lúa hoặc chết thối, hoặc quặt quẹo vì bị ảnh hưởng nhà máy sả thải bẩn.
Hàng chục héc ta lúa hoặc chết thối, hoặc quặt quẹo vì bị ảnh hưởng nhà máy sả thải bẩn.

Lúa thối gốc, cá chết

Nhà máy Chế biến phế thải đô thị Việt Trì của Công ty TNHH MTV xử lý và chế biến chất thải tỉnh Phú Thọ được xây dựng năm 1998, công suất thiết kế xử lý rác thải hiện nay là 60 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, đến năm 2014, do lượng rác thải sinh hoạt chuyển về nhà máy ngày càng lớn, vượt công suất thiết kế 300%. Bên cạnh đó, một số hạng mục nhà máy xuống cấp, hệ thống thoát nước công suất nhỏ không đáp ứng yêu cầu nên nguồn nước chưa được xử lý tràn ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Khảo sát thực tế, nhận thấy bao trùm bầu không khí là mùi hôi thối nồng nặc, len lỏi vào từng ngõ ngách khu dân cư, xộc thẳng lên mũi đến nghẹt thở. Nhiều hộ dân xung quanh phải đóng cửa, bịt kín cánh cửa tránh mùi.

Đi dọc theo cống xả nước thải của nhà máy là những dòng nước đen ngòm dẫn đến kênh mương rồi đổ trực tiếp ra khắp các cánh đồng xung quanh. Nước thải bị ô nhiễm ngấm vào nguồn nước tại các ao cá và đồng ruộng, cả cánh đồng rộng lớn bị ảnh hưởng. Có nơi cây lúa chưa kịp lên đã bị thối gốc chết dần, có nơi lúa sống sót được thì quặt quẹo, năng suất chẳng được là bao. Nước ao hồ nhiễm bẩn, nếu thả cá, cá cũng chết hàng loạt.

Nguồn sống chính từ đồng ruộng bị ảnh hưởng đã khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Ông Nguyễn Văn Thuật, người dân sống gần nhà máy, bức xúc tố cáo: “Cả làng tôi bị ảnh hưởng bởi nhà máy này. Gia đình tôi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nhưng giờ lúa thì không có năng suất, cá chết hàng loạt, giờ không biết dựa vào gì để sống qua ngày nữa. Những lớp trẻ thì còn đi làm thuê làm mướn được, chứ tôi già rồi, ai thuê mà làm”.

Tháng 8/2015, nhà máy còn tự ý dựng đường ống dài 540m bằng… bạt mỏng, nay nhiều chỗ bị vỡ nên nước thải ồ ạt tràn ra cánh đồng xung quanh. Mức độ ô nhiễm nghiêm trọng đến mức có lũ lụt cũng không thể cuốn hết đi độc chất. Trong vụ chiêm xuân vừa rồi, toàn xã Phượng Lâu gieo cấy gần 135ha, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao đã gây ngập lụt nhiều héc ta lúa đang cho thu hoạch cũng như trổ bông trên địa bàn. Sau khi nước rút, thấy đọng những màu đen sì, nổi váng, hôi hám. Qua thống kê, toàn xã có hơn 4 ha mất trắng hoàn toàn không thể thu hoạch được, trên 72 ha bị ảnh hưởng từ 50- 70%.

Bà Mai – người dân khu 8 cho biết, nước ngập đen sì, cây lúa thì cứ thế thối nhũn ra, không thể gặt được. Ai xuống ruộng, lúc về toàn thân ngứa ngáy, lở loét hết cả người. “Do nước thải chưa qua xử lý từ cống của nhà máy rác thải xuống nên lúa mới bị như vậy”, bà Mai nói.

Không chỉ vậy, người dân nơi đây còn bị đe dọa bởi vô số các loại bệnh như hô hấp, đau đầu, tức ngực, sử dụng nước thì toàn thân mẩn ngứa, lở loét. “Người lớn như chúng tôi còn cố chịu được chứ trẻ em thì tội chúng nó quá. Có đứa toàn thân lở loét, nhìn mà tội”, anh Minh – người dân khu 6, nói.

“Thủ phạm” thờ ơ, chính quyền “bất lực”?

Sau khi nhận được nhiều phản ánh suốt thời gian dài của nhân dân, ngày 24/7/2015 UBND xã Phượng Lâu đã có Văn bản số 209/CV-UBND gửi UBND tỉnh Phú Thọ, UBND TP Việt Trì và Nhà máy về việc “đề nghị giải quyết về nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường”.

Văn bản 209 khẳng định: “Thời điểm kiểm tra thì Nhà máy xả nước thải trực tiếp xuống ruộng canh tác và đồng thả cá của nhân dân, cụ thể: Gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại tài sản của nhân dân như cá, lúa bị chết, không khí bốc mùi hôi thối, người dân làm ruộng bị bệnh ngứa, lở loét gây bức xúc cho nhân dân.

Các khu đồng bị ảnh hưởng gồm có: đồng Trằm Nhì, đồng Trằm Hái, đồng Cửa Xóm, đồng Hồ Thiếc, đồng Song, đồng Nhồi, đồng Luông, đồng Kiết…UBND xã đã nhiều lần có văn bản đề nghị Nhà máy cùng cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết, gây bức xúc cho nhân dân, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn”.

UBND xã cũng yêu cầu Nhà máy thu dọn toàn bộ hệ thống mương bạt làm tạm bợ từ vị trí cống Chằm Hái đến khu đồng Bờ Cát, trả lại mặt bằng để UBND xã quản lý. Đồng thời thực hiện vệ sinh hệ thống mương thoát nước từ Nhà máy đến cống Chằm Hái…

Tuy nhiên, phía Nhà máy vẫn phớt lờ các yêu cầu của UBND xã Phượng Lâu. Xã lại phải ban hành Quyết định số 92/QĐ-UBND xử phạt hành chính đối với Nhà máy số tiền 5 triệu đồng vì đã có hành vi tự ý chiếm dụng trái phép đất trồng lúa của nhân dân để đặt đường ống bạt tiêu, thoát nước thải. Nhà máy vẫn không chấp hành các quyết định trên.

Ông Trương Văn Quý, cán bộ phụ trách môi trường xã Phượng Lâu, cho hay: “Nhà máy này coi thường dân, lợi dụng lúc trời tối và mưa để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Xã cũng chỉ có thẩm quyền làm văn bản rồi báo cáo với cấp trên chứ không có biện pháp gì để giải quyết. Ra quyết định xử phạt thì Nhà máy không chấp hành. Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Phú Thọ đã về lấy mẫu nước 3 lần song vẫn không cho kết quả. Chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND TP Việt Trì và đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo gì”.

Ông Trần Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu khẳng định: “Nhà máy này quá là ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, những hôm thời tiết thay đổi thì mùi kinh khủng, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe dân, vừa ảnh hưởng đến nguồn lương thực, năng suất lúa ngày càng giảm, cá chết hàng loạt. UBND xã đã mời Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra, các cơ quan liên ngành vào làm việc với Nhà máy, có biên bản cam kết nước thải ra không màu, không mùi nhưng chỉ được một vài hôm đâu lại vào đấy”.

Nói về vụ chiêm xuân thất thu vừa rồi, ông Nam cho biết, UBND xã đã mời Nhà máy vào làm việc và công nhận hơn 11ha diện tích lúa bị thiệt hại một phần là do ảnh hưởng từ Nhà máy. “Nhưng có đền bù thì cũng không đáng là bao, môi trường vẫn bị hủy hoại. Chúng tôi đang làm kiến nghị để chuyển Nhà máy ra chỗ khác, dân chúng tôi khổ quá rồi”, vị Phó Chủ tịch xã than thở. Chẳng lẽ chính quyền với đầy đủ thẩm quyền trong tay lại bất lực trước sai phạm nghiêm trọng của một doanh nghiệp như thế?