ThienNhien.Net – Việc Cty TNHH nông sản Việt Phước (100% vốn Đài Loan, tại ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) vứt hàng trăm xác heo chết ra thượng nguồn sông Sài Gòn đang khiến dư luận rất bức xúc. Không chỉ vứt xác heo chết, cách đây 1 năm, Cty này còn vi phạm về xả thải ô nhiễm ra sông Sài Gòn.
Đáng nói, ngoài Cty Việt Phước, khu vực sông Sài Gòn cũng đang bị “đầu độc” bởi nước thải từ những nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp, khu dân cư khác đổ ra. Trong khi đó, khoảng 10 triệu người dân khu vực hạ nguồn hằng ngày đang phải sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn để ăn uống, sinh hoạt. Việc đầu độc thượng nguồn sông Sài Gòn diễn ra từ nhiều năm nhưng vẫn “qua mặt” chính quyền địa phương.
Đầu độc từ thượng nguồn
Sông Sài Gòn bắt đầu từ khu vực Lộc Ninh (biên giới Việt Nam – Campuchia) tỉnh Bình Phước. Thế nhưng chính đoạn thượng nguồn này, đặc biệt là khu vực chảy qua huyện Hớn Quản – Bình Phước lại đang bị đầu độc nặng. Hầu hết người dân ấp 4, xã Minh Tâm đều xem Cty Việt Phước như nỗi kinh hoàng về ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tân -Phó ban điều hành ấp 4, xã Minh Tâm – cho rằng: “Xưa kia, đoạn thượng nguồn của sông Sài Gòn kéo dài hơn chục cây số đẹp, trong lành biết chừng nào. Từ ngày trại heo Việt Phước chôn cống xả thải ra sông, thì dòng sông đã dần bị ô nhiễm nghiêm trọng”. Thật vậy, suốt chiều dài bờ sông, có tới 3 cống xả (kích thức D 200) từ trại heo Việt Phước đã biến đoạn sông trở nên màu đục hôi hám…
Ông Hồ Văn Cò (thường trú ấp 4, tổ 3, xã Minh Tâm) sống gần đoạn sông Sài Gòn, tố: “Không biết cái lò đốt xác heo chết đốt được bao nhiêu con, mà tôi cứ thấy xác heo được vứt ra từ trại heo trôi lềnh bềnh trên sông… Mưa, nước lớn, xác heo được nước cuốn đi; còn hôm nào nước chưa kịp về nhiều, xác heo la liệt, hôi thúi vô kể. Thêm cái khổ của người dân chúng tôi là thường xuyên dùng nước sông tắm rửa, ăn uống”.
Bà Nguyễn Thị Hương (trú ấp 4, xã Minh Tâm) cho biết: “Cách đây khoảng 1 năm, tôi xin vào làm tại Cty, họ giao cho tôi mỗi việc đi gom xác heo chết trong các chuồng để mang đi tiêu hủy. Ngày nào cũng có heo chết. Mỗi ngày trung bình hơn 20 con, có ngày chết đến hơn 90 con, cả lớn nhỏ”. Ông Nguyễn Văn Phương từng là công nhân chăm sóc heo tại Cty Việt Phước khẳng định: “ Cty nói heo giẫm đạp nhau chết là không đúng. Nếu heo chết vì giẫm đạp, thì bán thịt, có sao đâu. Đằng này, họ vứt hàng trăm con ra sông, suối, môi trường, thì chỉ có vứt heo bệnh thôi, nhất là heo bị tiêu chảy…”.
Gần đây nhất, vào ngày 6.7, cá bỗng dưng chết nổi trắng dòng sông Sài Gòn – đoạn chảy qua xã Minh Tâm. Hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông đã đổ ra vớt cá chết. Ông Nguyễn Thành Giang – một ngư dân ấp Bàu Lũng, xã Tân Hiệp – cho biết: “ Từ sông ngược lên suối Bà Quen, cá chết nổi dày đặc… Hơn 20 năm đánh cá trên sông này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cá chết nhiều như vậy, người dân đua nhau đi vớt cá kín cả sông”.
Theo ông Nguyễn Việt Phong – ngụ ấp Bàu Bùng, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản: “Cá chết bất thường như thế này là do các công ty xả trực tiếp chất thải ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước trên sông. Trại heo Việt Phước là một trong những thủ phạm gây ra ô nhiễm này”. Ông Phong khẳng định, hàng trăm xác heo chết, nằm la liệt tại bãi đất hoang cách bờ sông có 50m. Những xác heo trương thối, đầy dòi bọ, nước bẩn, đang trong quá trình bị phân hủy đã trực tiếp xâm nhập xuống dòng sông hằng giờ, khiến nước sông ô nhiễm nặng nề.
Điều đáng nói, việc đầu độc thượng nguồn sông Sài Gòn từ nhiều năm nhưng vẫn “qua mặt” chính quyền địa phương: Bà Nguyễn Thị Quý – Chủ tịch UBND xã Minh Tâm – cho rằng: “Khúc sông Sài Gòn, đoạn qua xã Minh Tâm hiện chỉ có 3 trại heo và Nhà máy chế biến khoai mì Viet – Sing. Hằng năm, đoàn của phòng, Sở Tài nguyên – Môi trường, lãnh đạo huyện Hớn Quản, xã Minh Tâm tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhưng không phát hiện các Cty này xả thải ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm” (?!).
Năm 2014, Cty Việt Phước từng xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. UBND tỉnh Bình Phước đã xử phạt Cty Việt Phước trên 313 triệu đồng vì vi phạm quy định về môi trường. Việc xử phạt trên xem ra không đủ sức răn đe, Cty Việt Phước vẫn tiếp tục sai phạm một cách có hệ thống, khiến môi trường thượng nguồn sông Sài Gòn bị ô nhiễm trầm trọng, cuộc sống của hàng trăm hộ dân địa phương bị đảo lộn…
Ngày 18.7, có mặt tại Cty TNHH nông sản Việt Phước, chúng tôi được biết: Sau việc bắt quả tang vứt heo chết ra môi trường tại Cty Việt Phước của PC49 – Công an tỉnh Bình Phước, phía Cty Việt Phước đã cho thuê xe đào hố, thu dọn, tiêu hủy toàn bộ số heo chết vương vãi ngoài hàng rào Cty. Theo ông Phạm Văn Hoang – Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước: “ Việc Cty Việt Phước có hành vi lén lút vứt xác heo chết ra môi trường là vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, xác heo chết bị quăng xuống sông, gây ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống người dân, càng phải lên án…”. Ông Hoang cho biết, mức phạt đối với Cty Việt Phước lần này phải hơn 400 triệu đồng.
Câu hỏi liệu Cty Việt Phước có phải là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước thượng nguồn sông Sài Gòn hay không? Theo một cán bộ Sở KHCN tỉnh Bình Phước: Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước sông để phân tích. Tuy nhiên, ở thượng nguồn sông Sài Gòn, ngoài Cty Việt Phước, còn 3 DN khác (trong đó có Nhà máy chế biến bột khoai mì Việt – Sing) cũng xả thải ra sông Sài Gòn. Song, chỉ có Cty Việt Phước mới có chuyện vứt xác heo chết ra môi trường…
Vẫn còn những thủ phạm khác…
Vấn đề đặt ra là liệu mấy con heo chết liệu có đủ “đầu độc” một dòng sông dài hơn 200km, đặc biệt là đi qua hồ Dầu Tiếng?
Việt Phước hay những công ty ở Hớn Quản chỉ là một trong rất nhiều thủ phạm đang đầu độc sông Sài Gòn. Kết quả khảo sát quan trắc tháng 4.2016 của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho thấy, hệ thống sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm trầm trọng. Cụ thể quan trắc nước sông tại các vị trí sử dụng cho mục đích cấp nước thì hàm lượng amoni, coliform, nồng độ DO tại các điểm quan trắc không đạt quy chuẩn cho phép. So với cùng kỳ năm 2015, các chỉ tiêu amoni, photphat, độ mặn, COD, coliform, BOD và dầu có xu hướng tăng tại 50 – 100% các điểm quan trắc.
Trước đó, Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cũng có báo cáo đánh giá môi trường năm 2015 và kết quả quan chắc cho thấy, khu vực cấp nước của sông Sài Gòn có chất lượng nước thuộc loại B1, và bị đe dọa bởi nhiều nguồn gây ô nhiễm. Đặc biệt, nguồn thải từ sông Thị Tính (đổ vào sông Sài Gòn) là một nguồn ô nhiễm đe dọa trực tiếp đến khu vực lấy nước của Nhà máy nước sạch Tân Hiệp…
Theo các chuyên gia, sông Sài Gòn không chỉ là nơi tiếp nhận nước thải từ các hoạt động công nghiệp, sinh hoạt ở TPHCM mà còn là nơi tiếp nhận nước thải từ trên 50 khu công nghiệp. Trong đó có những khu công nghiệp lớn, nhiều nhà máy sử dụng hóa chất như Sóng Thần, Mỹ Phước, Bắc Củ Chi… Nước thải từ các nơi này tuy đổ ra một số sông – rạch nhỏ nhưng cuối cùng cũng đổ về sông Sài Gòn. Hay các hoạt động công nghiệp, khai thác khoáng sản, sinh hoạt, nông nghiệp… từ một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước… cũng đổ về.
Một nghiên cứu về quan trắc môi trường TPHCM cuối 2015 đã cho con số giật mình: Nguồn nước cấp trên sông Sài Gòn từ Phú Cường trở lên thượng nguồn, do ảnh hưởng dải đất phèn ven sông, có độ pH thấp, gây khó khăn và tốn kém trong việc xử lý nước. Nguồn thải từ sông Thị Tính là một nguồn ô nhiễm đe dọa trực tiếp đến khu vực lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp. Đây là nhà máy sử dụng nguồn nước thô sông Sài Gòn (300.000m3/ngày đêm) cung cấp cho người dân TPHCM.
Được biết, để đối phó với khả năng nguồn nước bị nhiễm bẩn do lợn chết, Trung tâm Nghiên cứu chất lượng nước thuộc Công ty cấp thoát nước và môi trường Bình Dương đang phải ráo riết quan trắc chất lượng nước sông Sài Gòn hàng giờ để theo dõi chất lượng nước thô cấp cho Nhà máy nước Thủ Dầu Một sau vụ một cơ sở chăn nuôi vứt hàng trăm xác heo thối tại khu vực thượng nguồn. So với Nhà máy nước Tân Hiệp thì Nhà máy nước Thủ Dầu Một có công suất chỉ bằng 1/10, lãnh đạo ở đây cho biết chưa thấy có bất thường nhưng ráo riết theo dõi.
Theo các chuyên gia về môi trường, việc theo dõi hiện chỉ mang tính tình huống, về lâu dài cần có các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước cấp thích hợp, bao gồm tăng cường giám sát xả thải, nâng cao tiêu chuẩn xả thải vào nguồn cấp nước, quy hoạch sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với khu vực tác động đến nguồn cấp nước.
Đặc biệt, để cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn, cần phải xử lý triệt để các nguồn thải từ các khu công nghiệp cũng như nguồn nước thải sinh họat của TP. Hồ Chí Minh, bảo đảm các nguồn nước thải ra ngoài phải đạt các tiêu chuẩn quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường. Có các khung pháp lý, cơ chế kiểm soát, biện pháp xử phạt và chế tài thật nghiêm khắc với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Đây là việc hệ trọng liên quan đến sức khỏe của hàng triệu người dân.
Ngày 18.7, trao đổi với phóng viên Lao Động, một lãnh đạo Tổng Giám đốc Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên cho biết, hiện nay, nguồn nước sạch cung cấp cho khoảng 10 triệu dân TPHCM đang được lấy từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Trong khi đó, nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là sông Sài Gòn. Các chỉ tiêu chất hữu cơ, amonia, vi sinh… tăng nhanh và đã vượt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt. Huyền Trân |