ThienNhien.Net – Bà Dam Chan đang bán hàng thì nghe thấy một tiếng nổ lớn cách đó không xa. Người phụ nữ 55 tuổi làm nghề nông và bán thực phẩm này ở Preah Rumkel (Campuchia) đang vô cùng lo lắng về tương lai của quê hương mình vì những tác động của việc xây dựng đập thủy điện Don Sahong đã bắt đầu hiện hữu.
Người dân xã Preah Rumkel, huyện Thala Barivat, tỉnh Stung Treng đang yêu cầu các nhà chức trách buộc con đập không mang lại lợi ích này phải đình chỉ. Dự án này đang khiến dân người dân địa phương phải chịu đựng những tiếng ồn đinh tai nhức óc từ việc nổ mìn phá đá đến tiếng đá vỡ dưới sức nặng của máy móc. Những phiền toái này bấy lâu nay họ đã phải chịu đựng từ khi Don Sahong được xây dựng.
Tuy nhiên, điều khiến các cư dân xã Preah Rumkel lo lắng nhất chính là sự sụt giảm số lượng cá heo bản địa, loài động vật thu hút khách du lịch và là nguồn thu nhập của người dân trong vùng.
Số lượng cá heo giảm sút
Bà Dam Chan cho biết: “Từ khi có con đập thủy điện này, tôi không chỉ lo lắng cho đàn cá heo mà còn lo cho cả mọi người. Nếu cá chết hết, thì chúng tôi biết lấy gì mà ăn? Còn nếu cá heo bỏ đi, thì khách du lịch cũng chẳng đến đây nữa”.
Tối nào bà Chan cũng nghe thấy tiếng nổ rung trời từ phía biên giới Lào nơi các đội công nhân đang thi công móng của con đập. Mặc dù phía chính phủ Lào và các nhà đầu tư xây dựng đập tuyên bố rằng việc xây đập không hề gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, nhưng cư dân ở Preah Rumkel vẫn nhận thấy rõ nét sự thay đổi trong quá trình di cư của loài cá heo trong khu vực.
Các vụ nổ ấy đã phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái địa phương, giết chết nhiều tôm cá và đẩy cá heo phải di chuyển xuống dòng hạ lưu. Từ bé đến giờ, ngày nào bà cũng thấy khoảng hai mươi đến ba mươi con cá heo bơi lội dưới nước nhưng giờ bà thấy chỉ còn hai đến ba con.
Bà Chan nhóm bếp lò, rồi quay lại nói với chúng tôi: “Trong tương lai, nếu không có cá heo thì cũng sẽ chẳng còn du khách nào đến đây nữa. Không có cá heo thì đến đây xem cái gì? Thật không may là thủy điện khiến số cá heo trong vùng giảm khi mà lượng khách du lịch có chiều hướng gia tăng ba đến bốn năm nay do có con đường mới”.
Đập thủy điện Don Sahong nằm ở Siphan Don, phía nam nước Lào, cách tỉnh Stung Treng của Campuchia 1.500m. Đập thủy điện cao 30m, dài 7km này dự kiến sẽ sản xuất khoảng 240 đến 360MW điện.
Công ty cổ phần Mega First Behad, đơn vị thi công con đập, tuyên bố rằng họ đã thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng đập. Công ty này khẳng định không hề có bằng chứng cho thấy những nguy cơ đối với môi trường sinh thái của khu vực.
Thế nhưng cô Thang Ban, một người bán hàng rong ở Preah Rumkel, cho biết cô đã không còn nhìn thấy những đàn cá heo như trước kia nữa. Người trong xã đã nỗ lực phản đối việc xây dựng đập Don Sahong nhưng đã bị phía chính phủ Lào khước từ. Cô cho biết đã tham gia một số cuộc biểu tình để phản đối xây dựng con đập nhưng cũng không mang lại kết quả.
Nhiều người dân khác cũng có cùng phản ứng như của cô Ban. Nhưng Bun Thorn, 44 tuổi, chủ một tàu du lịch tham quan cá heo là người phản ứng quyết liệt hơn. Giốn như bà Chan, từ nhỏ ông Thorn đã sống ở nơi này và ông cho rằng con đập phá hoại việc kinh doanh và quan trọng hơn cả là quê hương ông
Trong tất cả những tác động của con đập mà ông Thorn đề cập đến, sự thay đổi về nước là vấn đề then chốt. Sự lên và xuống thất thường của mực nước gây nhiều vấn đề khó khăn cho các cư dân địa phương, họ đang cố gắng thích nghi với sự thay đổi dòng chảy của con sông theo một cách hoàn toàn khác với dòng sông trước nay họ vẫn gắn bó.
Ông Thorn cũng cho rằng việc sử dụng thuốc nổ của đội thi công con đập cản trở việc đánh bắt cá trên sông, buộc ngư dân phải đánh bắt nhiều mẻ lớn cá chết một lúc, thay vì đánh bắt cá sống mỗi ngày như trước đây. Các vụ nổ khiến cá tránh xa khu vực này và họ phải xuống sâu dưới hạ lưu để đánh bắt.
Khi chuẩn bị thuyền cho chuyến du lịch sắp tới trên sông, ông Thorn đã nhận ra không chỉ số lượng cá heo mà ngay cả chất lượng nước con sông cũng thay đổi. Ông cho biết kể từ năm 2006 đến 2016, nước ở đây đã có nhiều dấu hiệu khác biệt. Nước sông bẩn, nhiều tảo hơn và số lượng cá bắt đầu giảm. Nếu không được bảo tồn, môi trường khu vực sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Người dân dân cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không có cá heo. Ông đề nghị chính quyền phải nhanh chóng có biện pháp can thiệp để bảo vệ người dân.
Ông Yin Vuthy, chủ tịch xã Preah Rumkel cho hay, từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, phía Lào đã bắt đầu sử dụng thuốc nổ, thậm chí, họ cho nổ tới hai lần một ngày. Ông Vuthy cũng đã cùng các cư dân yêu cầu chính phủ can thiệp và yêu cầu Lào dừng xây dựng đập Don Sahong vì những bất cập mà con đập mang lại cho cộng đồng. Tuy nhiên, họ chưa hề nhận được bất kỳ lời hồi đáp nào từ phía chính phủ.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi không yêu cầu họ chấm dứt xây dựng đập. Chúng tôi chỉ muốn họ trước tiên hãy nghiên cứu những tác động của nó. Chúng tôi cố gắng đấu tranh để bảo vệ khu vực biên giới và đây là một công việc khó khăn, nhưng phía Lào thì ngược lại.”
Ngay cả người dân Lào phía bên kia đường biên cũng đang phàn nàn về những ảnh hưởng của con đập với chính phủ và cũng có những phản ánh giống chủ tịch xã Preah Rumkel. Theo lời ông Vuthy, họ cũng bất lực và không thể phản kháng vì đây là dự án của chính phủ.
Ông Vuthy đưa mắt nhìn về phía bên kia bên giới và nói với giọng bất mãn: “Họ xây con đập này gần ngay chúng tôi, nhưng khi có rủi ro, ai sẽ chịu trách nhiệm? Chúng tôi cũng bị tác động tương tự. Cá là loài bị ảnh hưởng đầu tiên nên chúng đã bỏ đi. Tiếp đến là cá heo và sau đó là người dân vì thiếu nguồn thu nhập. Nếu vùng này hứng chịu lũ lụt nữa thì sẽ phải tính sao đây?”
Mặc dù là một khu vực bảo tồn kéo 2km dọc theo khúc Sopheak Mith của sông Mê Kông đã được xây dựng nhưng số cá heo trên dòng sông vẫn giảm. Ông Vuthy cho biết, từ cuối tháng 11 năm ngoái, người ta chỉ nhìn thấy ba con cá heo thường xuất hiện và còn bây giờ chỉ còn hai con. Một con cá heo đã chết vào năm 2015. Cái chết của con cá heo này là dấu hiệu cảnh báo rằng hoạt động du lịch nơi đây đang có nguy cơ tổn thất nghiêm trọng.
Tiếng nói phản đối từ các nhóm môi trường
Công ty Cổ phần Mega First Berhad tuyên bố đập Don Sahong không hề có bất kỳ một tác động môi trường trong bản đánh giá tác động môi trường mà công ty đã công bố.
Mặc dù đã có những ảnh hưởng hữu hình và dễ nhận thấy trong thời gian xây dựng ban đầu, công ty vẫn khẳng định con đập hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến môi trường sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cho rằng 6 triệu người dân Campuchia sống dọc theo sông Mê Kông đã nhận thấy tác động của con đập tới môi trường và sinh vật nơi đây.
Theo Báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), năm 1997, ở Campuchia có hơn 200 con cá heo. Con số này đã giảm còn 85 vào năm 2010 và giờ chỉ còn lại 80 con.
Báo cáo của WWF đặc biệt nhấn mạnh đến tác động của tiếng rung nổ xây dựng đối với cá heo vì loài này dùng sóng âm thanh trong nước để truyền thông tin cho nhau. Những vụ nổ liên tục phá vỡ khả năng hiểu thông điệp và gây nhiễu thông tin. Cùng với các vụ nổ, tàu thuyền đi lại trên sông ngày một nhiều và những mối nguy đe dọa sự sống buộc loài cá heo phải sống di cư xuống khu vực hạ lưu hoặc ra khỏi sông Mê Kông.
Phó thủ tướng Lào, Somsavat Lengsavad tuyên bố với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia Hor Namhong rằng con đập sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, trực tiếp bác bỏ báo cáo của các tổ chức môi trường khác dẫn chứng số liệu cụ thể cho thấy những sự thay đổi đáng kinh ngạc trong hệ sinh thái xung quanh khu vực xây dựng đập.
Tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen đã đề nghị với phía Lào trong chuyến thăm Viêng Chăn rằng “bằng mọi cách có thể để đảm bảo việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước”.
Đáp lại, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ông Bounnhang Vorachith tuyên bố: “Lào sẽ cố gắng để đảm bảo không gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng. Phía Lào đã nghiên cứu về các tác động một cách cẩn thận”.
Kể từ đó trở đi, chưa hề có một cập nhật nào từ phía chính phủ Campuchia về việc họ đã cùng chính phủ Lào kiểm tra vấn đề này hay chưa.
Giám đốc của Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ Campuchia (NGO Forum), ông Tek Vannara cho rằng nhóm làm việc của ông đã phát hiện những bằng chứng cho thấy ảnh hưởng trên diện rộng của đập Don Sahong. Cùng với các tác động lên hệ sinh thái như sụt giảm số lượng cá heo, thay đổi dòng nước và sự di cư của các loài cá, ông Vannara khẳng định rõ ràng rằng con đập đang có những tác động khôn lường đến môi trường xung quanh.
Ông Tek Vannara chia sẻ, dòng Hu Sahong, nơi duy nhất để cá di cư xuống hạ nguồn và đẻ trứng ở thượng nguồn, hiện đang bị con đập ở tỉnh Champasak này Lào chặn 30% nước. Việc chặn dòng này cũng ảnh hưởng nhiều loài cá khác trong vùng. Tới nay, phía Lào vẫn không hề có bất kỳ ý định đối thoại với các chính phủ hoặc người dân sinh sống dọc sông Mê Kông.
Việc không sẵn sàng đàm phán thẳng thắn với những người dân Campuchia chịu ảnh hưởng sâu sắc đang dấy lên nhiều bất bình, đặc biệt với những người mà cuộc sống đang lao đao vì con đập như bà Chan.
Trước khi trả tiền thừa cho vị khách cuối cùng trong ngày, bà thở dài: “Hôm nay cá heo bỏ đi, nay mai sẽ đến lượt tôi. Lũ lụt thì còn làm ăn gì được nữa”.
Vừa đóng cửa hàng bà Chan vừa nhớ về thời điểm chưa có con đập!