ThienNhien.Net – Tại hội thảo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội gỗ dăm xuất khẩu Quảng Nam – Quảng Ngãi, tổ chức ngày 15.7, tại Hà Nội, đa số các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng xuất khẩu dăm gỗ sụt giảm mạnh bởi ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Theo ông Đặng Việt Quang – Tổ chức Forest Trend, dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành chế biến gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 1,2 tỉ USD, tương đương với trên 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ. Tuy nhiên, kim ngạch và lượng xuất khẩu dăm của năm 2016 cho thấy những tín hiệu rất rõ ràng về sự suy giảm nghiêm trọng trong việc xuất khẩu dăm, và điều này đang làm phát sinh những lo ngại sâu sắc đặc biệt trong khối các doanh nghiệp dăm và các cơ quan quản lý.
Cụ thể, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 5 tháng đầu 2016 đạt 248 triệu USD, giảm mạnh so với con số 430 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dăm đã giảm mạnh trên thị trường thế giới.
Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends nhìn nhận: Sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ dịp đầu năm nay có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất là do giảm nhu cầu trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc bởi đây đang là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Mặt khác, trong nỗ lực nhằm hạn chế xuất khẩu dăm, Việt Nam đã áp dụng mức thuế xuất khẩu 2% kể từ đầu 2016.. Theo ông Tô Xuân Phúc, việc áp dụng mức thuế này trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn.
Hiện lượng dăm tồn, không xuất khẩu được tại Việt Nam rất lớn. “Sự sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực, không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình, bao gồm nhiều hộ dân nghèo, là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành dăm và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng”, ông Phúc nói.
Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, những khó khăn hiện tại của ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam không đơn thuần chỉ là do những biến động cung–cầu trên thị trường mà còn do những vấn đề nội tại của ngành dăm gỗ, đặc biệt có liên quan đến sự phát triển nóng, ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng hiện diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt là các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Bắc Trung bộ.