ThienNhien.Net – Thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định chất lượng, không được giám sát theo đúng quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm sạch, bị nhiễm các hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư và các căn bệnh nguy hiểm khác đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, do công tác quản lý, giám sát và cảnh báo còn nhiều hạn chế nên việc ngăn chặn những nhóm thực phẩm không an toàn này vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, những thiếu sót tại điều 244 Bộ Luật hình sự hiện hành (đã được sửa đổi thành điều 317, Bộ Luật hình sự mới) liên quan đến “tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm” khiến việc khởi tố hình sự trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thể áp dụng trong thực tế, không tạo được sức mạnh răn đe với các đối tượng vi phạm.
Hơn 50% số vụ buôn lậu qua con đường chính ngạch
Dạo một vòng từ các chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bình Tân (TPHCM) đến những khu phố buôn bán sầm uất tại các đô thị hay bên trong mỗi gian hàng tạp hóa ở vùng quê, bất kỳ người dân bình thường nào cũng nhận thấy tình trạng hàng hóa ngoại nhập, trong đó nhiều nhất là hàng Trung Quốc và Thái Lan đang chiếm lĩnh và tràn ngập thị trường Việt Nam.
Theo tổng hợp, đánh giá của các cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, đường đi của hàng hóa, thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu Hoành Mô, Móng Cái (Quảng Ninh), Tà Lùng (Cao Bằng), Cốc Nam, Chi Ma (Lạng Sơn), Lào Cai…, sau đó được vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ rồi tập kết tại các chợ đầu mối thuộc tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội. Một số tiếp tục được vận chuyển đi các tỉnh lân cận và vào TP Hồ Chí Minh.
Đối với buôn lậu tiểu ngạch, các đối tượng thường lợi dụng chính sách thương mại của Nhà nước dành cho cư dân biên giới được mua bán, trao đổi hàng hóa 2 triệu đồng/người/ngày để hợp thức hóa việc vận chuyển, thu gom hàng nhập lậu trái phép. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng, chủng loại mặt hàng Trung Quốc vô cùng đa dạng, phong phú trên thị trường cũng như tốc độ của buôn lậu tiểu ngạch thường chỉ nhỏ giọt (thông qua cửu vạn đai vác hàng, mỗi lần nhiều nhất không quá 50kg), nhiều ý kiến cho rằng còn một con đường buôn lậu khác ngoài “tiểu ngạch”.
Rất khó để có được con số thống kê chính xác nhưng theo những cán bộ kỳ cựu trong ngành Công an, Quản lý thị trường, hàng nước ngoài nhập lậu về Việt Nam chủ yếu đi theo con đường nhập khẩu chính ngạch có sự móc ngoặc với Hải quan. Không phải ngẫu nhiên khi Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TPHCM từng nêu ra con số “50% số vụ buôn lậu có bóng dáng Hải quan” tại một hội nghị để minh họa cho điều này. Thủ đoạn của “buôn lậu chính ngạch” thường là khai giá không đúng theo chủng loại hàng hóa khi nhập khẩu; thông đồng với cán bộ Hải quan cửa khẩu để cho qua “luồng xanh” (kiểm hàng theo xác xuất) hòng gian dối số lượng, chủng loại hàng hóa thực tế so với số lượng, chủng loại ghi trên tờ khai hải quan; trộn lẫn hàng buôn lậu tiểu ngạch với hàng nhập chính ngạch đủ giấy tờ, tự ý cắt niêm phong kẹp chì hải quan để đưa hàng hóa tạm nhập tái xuất ra thị trường nội địa…
Nhìn chung, các mặt hàng thực phẩm được nhập lậu qua cả hai con đường đều rất đa dạng, từ các loại hóa chất, phụ gia cấm ngoài danh mục cho phép đến các loại bánh kẹo, rượu bia, gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, các loại nguyên liệu ở dạng bán thành phẩm hoặc thành phẩm, thực phẩm chức năng.
Các tuyến vận chuyển thực phẩm nhập lậu chủ yếu:
Tuyến Quảng Ninh – Hải Dương – Hưng Yên – Hà Nội: trong đó địa bàn trọng điểm buôn lậu là tỉnh Quảng Ninh với các cửa khẩu quốc gia Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh; các điểm thông quan Lục Lầm, Ka Long, Bắc Luân, khu chuyển tải Vạn Gia và hàng chục điểm mở dọc theo biên giới Việt – Trung. Tuyến Lạng Sơn – Bắc Giang – Bắc Ninh – Hà Nội: trong đó địa bàn trọng điểm buôn lậu là tỉnh Lạng Sơn với 02 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Đồng Đăng; 04 cửa khẩu quốc gia Chi Ma (huyện Lộc Bình), Bình Nghi (huyện Tràng Định), Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Cốc Nam (huyện Cao Lộc); 07 cặp chợ biên giới, cùng hàng chục điểm mở dọc đường biên. Tuyến Cao Bằng – Lạng Sơn; Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên – Hà Nội: có 04 cửa khẩu quốc gia là Tà Nùng, Trà Lĩnh, Lý Vạn, Sóc Giang và khoảng 40 điểm mở trên tuyến đường biên. Tuyến Lào Cai – Yên Bái – Tuyên Quang – Phú Thọ – Vĩnh Yên – Hà Nội: địa bàn trọng điểm là tỉnh Lào Cai với khu kinh tế quốc tế Lào Cai và hàng trăm đường mòn, lối mở với Trung Quốc. Tuyến Miền Trung gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: tỉnh Hà Tĩnh có cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Quảng Bình có cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Trị có cửa khẩu Lao Bảo và La Lay. Các bến bãi, điểm tập kết trung chuyển hàng nhập lậu vào nội địa: các chợ đầu mối thực phẩm lớn trên tuyến, đặc biệt là các chợ lớn tại Bắc Ninh và Hà Nội. |
Tác hại khôn lường từ thực phẩm nhập lậu
Do chất lượng hàng thực phẩm nhập lậu không hề được kiểm soát, kiểm dịch nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí có thể gây ra bệnh dịch trên quy mô lớn. Thêm vào đó, thực phẩm nhập lậu cũng như tất cả các loại hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu khác, về bản chất đều là hàng trốn thuế nên làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến nguồn thu quốc gia. Mặt khác, do công tác ngăn chặn hàng nhập lậu chưa tốt nên đã để hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp trong nước vì vậy cũng thường xuyên bị động chạy theo thị trường. Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc sâu vào Trung Quốc như hiện nay. Mặc dù Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp lớn của thế giới nhưng lại không áp đặt được giá cả mà thường xuyên bị tư nhân nước ngoài ép giá hay chịu thua thiệt ngay trên sân nhà. Điệp khúc “được mùa – mất giá”, “khan hàng giả tạo”, “dưa hấu, gạo, lợn ách tắc hàng cây số ở cửa khẩu bị hỏng phải chịu bị tư thương Trung Quốc ép giá hoặc đổ đi” năm nào cũng diễn ra nhưng vẫn chưa có giải pháp hợp lý. Nhiều khi chỉ một lệnh tạm đóng cửa khẩu hoặc một đầu nậu Trung Quốc tạm dừng mua hàng đã làm lao đao cả một ngành kinh tế hay kinh tế của một tỉnh.
Thêm điểm đáng lo ngại là việc thiếu kiểm soát đối với các loại hàng hóa, thực phẩm nhập lậu cũng tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Do thị trường trong nước hiện nay phần lớn bị hàng Trung Quốc thao túng nên không ít doanh nghiệp nội địa vì không cạnh tranh được nên buộc phải chuyển hướng kinh doanh hoặc trở thành đơn vị vận chuyển, phân phối hàng hóa, thực phẩm nhập từ Trung Quốc. Để có thể tồn tại và cạnh tranh với hàng lậu, một số doanh nghiệp trong nước đã buộc phải lựa chọn cách làm gian dối, vi phạm pháp luật, không tuân thủ đúng tiêu chuẩn sản phẩm đã đăng ký, sử dụng hóa chất ngoài danh mục hoặc nguyên liệu rẻ tiền để đưa vào quy trình sản xuất. Kết quả là hàng loạt các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng độc hại được bày bán tràn lan khắp các thị trường như: mì ăn liền làm từ gạo mốc, mực ôi thiu rửa sạch bằng ô-xi già, gà tẩm chất vàng ô, các loại rau củ quả ngâm tẩm hóa chất…
Khó xử lý hình sự vì thiếu văn bản hướng dẫn
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), từ năm 2011 đến 2016, toàn lực lượng Cảnh sát môi trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác và trực tiếp khám phá, xử lý 9.126 vụ, 6.635 cá nhân, 1.698 tổ chức có liên quan đến an toàn thực phẩm; chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố hình sự 16 vụ án, 25 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 6.001 vụ việc, xử phạt 5.736 tổ chức và cá nhân với số tiền trên 50 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác xử lý 2.606 vụ, 2.404 đối tượng; tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa không an toàn với sức khỏe con người.
Từ những số liệu trên có thể thấy công tác xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính chứ xử lý hình sự rất ít. Nguyên nhân là do thiếu văn bản hướng dẫn dưới Luật. Hiện Điều 244 Bộ Luật hình sự hiện hành quy định về “tội vi phạm các qui định về an toàn thực phẩm” đã được sửa đổi thành Điều 317 trong Bộ luật Hình sự mới, tuy nhiên việc phát hiện đến hơn 90 lỗi sai sót, rồi phải lùi ngày ban hành Bộ Luật Hình sự mới sang năm 2017 để sửa đổi, bổ sung sẽ khiến việc xử lý hình sự liên quan đến an toàn thực phẩm phải mất thêm khá nhiều thời gian để có thể áp dụng trong thực tế. Ngoài áp lực về thời gian thì việc làm rõ nội hàm được quy định tại Điều 317 về việc xác định tỷ lệ % gây thiệt hại đối với sức khỏe con người do hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm gây ra cũng là một thách thức bởi rất khó có thể xác định được hậu quả do hành vi gây mất an toàn thực phẩm gây ra.
Cùng liên quan đến Điều 317, hiện Bộ Y tế cũng chưa ban hành danh mục các hóa chất phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm nên chưa thể truy tố các đối tượng vi phạm về tội danh theo Điều 317 được.
Cần sự ra tay quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị
Trước năm 2015, cả nước liên tiếp thông báo các ổ dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện rồi gà thải loại, gà đỏ Trung Quốc tràn ngập thị trường, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Nguyên nhân phần lớn do chúng ta kiểm soát không tốt việc nhập lậu gia cầm từ biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 trở lại đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự ra đời của Quyết định 2088/2012/QĐ-TTg về “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép”, đến nay, 95% gia cầm nhập lậu đã được kiểm soát, tình trạng gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc cơ bản đã bị loại trừ. Một trong những nội dung quan trọng nhất của Quyết định 2088 là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý ở Trung ương và lãnh đạo từ cấp tỉnh đến huyện, xã đối với tình hình buôn lậu gia cầm trên địa bàn/lĩnh vực mình phụ trách. Ngoài ra, Chính phủ cũng cắt cử 01 Phó Thủ tướng chuyên trách đôn đốc nhiệm vụ này. Do đó,vấn nạn gia cầm nhập lậu hiện đã cơ bản được ngăn chặn. Từ bài học của Đề án 2088 cho thấy một khi cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ thì việc kiểm soát hàng hóa nhập lậu là hoàn toàn có thể.
Trở lại câu chuyện đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu, việc cần làm gấp hiện nay là phải khẩn trương hoàn thiện các văn bản dưới Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng xử lý hình sự được đối với các tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành nhiều chỉ thị mạnh mẽ hơn nữa về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp cơ sở và các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường tại các địa bàn trọng điểm trong vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế cho thấy chính sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các đơn vị đã làm tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn, thậm chí, không loại trừ nhiều trường hợp có sự bảo kê, móc ngoặc, thỏa hiệp giữa các đầu nậu với những người được giao nhiệm vụ ngăn chặn, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ biên giới vào nội địa.
Song song với hai nhiệm vụ trên, cần duy trì thường xuyên các đợt cao điểm thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường ở cấp Trung ương và địa phương đối với hàng hóa nhập lậu; xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Sở Y tế, Sở NN&PTNT các tỉnh về các đối tượng đầu nậu, chủ hàng, người vận chuyển, chủ kho hàng hóa nhập lậu trên tuyến và địa bàn trọng điểm về buôn lậu, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về tác hại của thực phẩm nhập lậu.
Trần Ngọc Lân (Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường)