ThienNhien.Net – Không hài lòng với việc cơ quan quản lý khu vực thất bại trong việc bảo vệ nguồn cá ở Tây Thái Bình Dương, Palau – một quốc đảo nhỏ bé với hơn 250 hòn đảo – đã khởi xướng những sáng kiến táo bạo của riêng mình là tạo ra một khu bảo tồn biển rộng lớn và triển khai một cuộc thử nghiệm nhằm giảm sản lượng những loài hải sản bị đánh bắt vô ý.
Bên dưới lớp sóng biển Thái Bình Dương, những con cá ngừ đại dương hùng dũng, sáng bóng bơi với tốc độ nhanh đến nỗi chúng được ví như “những chiếc Porsches của biển”. Khi bị kéo lên bờ, các loại cá ngừ như cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, cá ngừ vây dài và cá ngừ mắt to cũng là loại hải sản rất được ưa chuộng, mang lại doanh thu khoảng 6 tỷ USD mỗi năm cho khu vực. Tuy nhiên, đi kèm với khoản lợi nhuận cao khổng lồ này là chi phí môi trường vô cùng đắt đỏ. Ngoài cá ngừ, hàng tấn hải sản bị đánh bắt như cá mập, cá đuối, rùa, chim biển và nhiều loài khác do tình cờ bị cuốn vào lưới.
Đó đã và vẫn đang là vấn đề nan giải cho hoạt động bảo tồn biển và Palau đã phát động một loạt những sáng kiến không chỉ để giảm sản lượng đánh bắt nhầm này mà còn thành lập một khu bảo tồn biển với diện tích khoảng 49.987.000 hecta, tương đương 80% diện tích vùng biển của nước này, nơi các hoạt động đánh bắt hải sản và khai khoáng sẽ hoàn toàn bị cấm.
Đối với một đất nước nhỏ bé 21.000 dân như Palau, đó là một hành động táo bạo. Và nếu thành công, Palau – quốc đảo xa xôi với một chính phủ đi đầu trong bảo tồn biển – có thể đảm bảo thương hiệu cá ngừ bền vững của mình, đồng thời trở thành tấm gương điển hình cho các quốc gia Thái Bình Dương khác học tập.
65% lượng cá ngừ đại dương trên thế giới được đánh bắt từ vùng biển Thái Bình Dương, và Palau nằm ở trung tâm của vùng đánh bắt. Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to là mục tiêu chính trong những cuộc đánh bắt bằng dây câu trên vùng biển của quốc gia này. Tuy nhiên, loài sinh vật di cư này đang chịu tác động từ hoạt động đánh bắt quá mức của các tàu cá nước ngoài. Năm 2006, Palau đánh bắt được khoảng 3.000 tấn cá ngừ mắt to và 2.000 tấn cá ngừ vây vàng. Nhưng năm ngoái, con số này giảm xuống chỉ còn lần lượt là 115 tấn và 148 tấn.
Quần thể cá ngừ ở Thái Bình Dương đã giảm rõ rệt từ khi hoạt động đánh bắt cá công nghiệp bắt đầu vào những năm 1950. Cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương là loài bị ảnh hưởng nhiều nhất, Tổ chức Pew Charitable Trusts tính toán loài này giảm 97% so với trước đó. Cũng theo Pew Charitable Trusts, ở phía Tây và trung tâm Thái Bình Dương, lượng cá ngừ mắt to đã giảm mạnh, chỉ còn 16%. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy các hoạt động đánh bắt trái đã lấy đi 1 triệu USD doanh thu từ nguồn cá ngừ của các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ngành công nghiệp khai thác cá ngừ cũng là mối đe dọa đối với các loài khác: trên thực tế, khoảng 1/3 một mẻ lưới đánh bắt cá ngừ là sản lượng hải sản bị đánh bắt vô ý gồm đồi mồi dứa, cá đuối, cá mập xanh và cá mập lụa. Những miếng mồi gắn đầy trên lưỡi câu để thu hút cá ngừ đại dương cũng thu hút nhiều loài khác nữa. Khi bị mắc câu, những sinh vật biển thường bị chết luôn trong nước hoặc chết sau đó do ruột bị móc câu đâm thủng.
Hiện tại Palau đang cố gắng giải quyết ba vấn đề khó khăn nhất để giảm sản lượng hải sản đánh bắt vô ý bao gồm phương pháp đánh bắt, lưỡi câu và mồi câu.
Bộ Tài nguyên, Môi trường và Du lịch Palau đã trao quyền đánh bắt trong một năm cho tổ chức phi lợi nhuận The Nature Conservancy và một nhóm ngư dân: Họ sẽ cùng nhau thuê thuyền làm thí nghiệm với một loạt các phương pháp đánh bắt để cải thiện tính chính xác về mục tiêu khi buông dây câu. Ông Mark Zimring, giám đốc Chương trình Cá ngừ đại dương Ấn Độ – Thái Bình Dương của The Nature Conservancy cho biết: “Chúng tôi đang tạo ra một số thay đổi nhỏ về dụng cụ, mồi và chiến lược đánh bắt để giảm đáng kể sản lượng đánh bắt nhầm trong khi vẫn duy trì ổn định sản lượng đánh bắt cá ngừ”.
Cuộc thí nghiệm gồm ba giai đoạn này bắt đầu với việc kiểm tra xem liệu loại lưỡi câu vòng được thiết kế để móc ở môi hay lưỡi câu chữ J móc ở cổ họng, ruột sẽ ít dẫn đến việc đánh bắt không chủ ý hơn. Kết quả thí nghiệm cho thấy lưỡi câu vòng lớn hơn sẽ khó bị nuốt phải hơn, do vậy sẽ làm tăng khả năng sống sót của sinh vật bị mắc câu.
Giai đoạn thứ hai sẽ kiểm tra xem liệu mồi câu bằng cá hay mực sẽ tốt hơn với những loài bị đánh bắt ngoài ý muốn: Mồi bằng cá thường tan ra khi ăn, vì thế các loài, đặc biệt là rùa biển có thể ăn mồi mà vẫn tránh được lưỡi câu bên dưới.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể kiểm tra xem thời gian đánh bắt ban ngày hay ban đêm giúp giảm sản lượng đánh bắt vô ý nhiều hơn và việc đặt dây câu ở những độ sâu khác nhau có thể giúp cho ngư dân tránh những loài ngoài ý muốn mắc câu hay không.
Tất cả các hoạt động thí nghiệm trên đều diễn ra trên con tàu Shen Lain Cheng dài 24 m, chở 8 nhóm kéo dây câu do công ty đánh bắt hải sản của Trung Quốc Luen Thai, một công ty có nhiều tàu đánh bắt trong khu vực vận hành.
Theo ông Zimring, chỉ một sự kết hợp đơn thuần giữa lưỡi câu và mồi sẽ không thể đem lại lợi ích như nhau đối với tất cả các loài. Thí nghiệm này chỉ nhằm mục đích cải thiện việc hiệu quả hoạt động đánh bắt cá ngừ bằng cách giảm sản lượng đánh bắt vô ý. Sau khi kết thúc vào năm tới, Palau sẽ cho biết liệu thí nghiệm này có đem lại hiệu quả không và mức độ khả thi của việc áp dụng những thay đổi trong phương pháp đánh bắt cá ngừ vào toàn bộ ngành công nghiệp đánh bắt hải sản.
Thái Bình Dương có diện tích hơn 15.540 triệu hecta với nền công nghiệp cá ngừ có nhiều vấn đề. Các tổ chức quản lý ngư nghiệp chịu trách nhiệm quản lý nguồn cá trong khu vực bị chỉ trích nặng nề vì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế mặc dù Ủy ban Nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương được giao quản lý nguồn cá ngừ trong khu vực, những năm gần đây, Palau đã nắm quyền tự quyết định những vấn đề về biển của riêng mình.
Ông Umiich Sengebau, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Du lịch Palau cho biết: “Dù những dữ liệu, đặc biệt là về số lượng cá ngừ mắt to và cá ngừ vây xanh có nói lên điều gì đi nữa, chúng tôi vẫn cảm thấy Ủy ban Nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương đã không làm được gì nhiều để giải quyết vấn đề”.
Năm 2006, Chính phủ Palau đã thông qua luật cấm kéo lưới tầng đáy, phương pháp đánh bắt tàn phá và xới tung đáy biển, ở vùng biển của nước này. Cũng trong năm đó, Palau đã giải quyết vấn đề đánh bắt cá mập ngoài ý muốn bằng cách cấm sử dụng dây thép để làm dây câu và thay thế bằng sợi đơn monofilament (một loại sợi tổng hợp như sợi nilon) để khi cá mập bị đánh bắt ngoài ý muốn có thể dễ dàng thoát ra. Từ đó, Palau đã tạo nên khu bảo tồn cá mập đầu tiên trên thế giới vào năm 2009.
Năm ngoái, với bước đi táo bạo trong bảo tồn biển, Chính phủ Palau tuyên bố đến năm 2020 họ sẽ biến 80% vùng lãnh hải của mình thành một khu bảo tồn biển rộng lớn. Hoạt động đánh bắt và khai mỏ sẽ bị cấm trong khu vực này và những hoạt động ngư nghiệp trong 20% diện tích còn lại cũng được theo dõi sát sao.
Chính phủ Palau hành động như vậy vì nhận thức được rằng đối với Palau, du lịch mang lại nhiều giá trị cho quốc gia hơn là nguồn cá.
Ngành du lịch của Palau phát triển ổn định trong những năm gần đây và hiện đóng góp gần ¾ cho sự phát triển kinh tế của nước này. Khách du lịch đến thăm Palau để lặn ở vùng biển đa dạng sinh học góp khoảng 90 triệu USD mỗi năm – tương đương 40% GDP quốc gia – trong khi ngành đánh bắt hải sản chỉ đem lại một phần nhỏ của con số đó.
“Palau đang quảng bá hình ảnh của mình như một thiên đường thuở ban sơ và vì thế chúng tôi muốn một ngành công nghiệp nhất quán với thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến cả thế giới”. – Ông Sengebau nói.
“Một con cá mập có thể đem lại hơn 1 triệu USD trong vòng đời của nó nhờ hoạt động du lịch lặn”, đó là lời của Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. vẫn thường được dẫn lại. Vì vậy, việc đánh bắt ngoài ý muốn giết chết những loài mang tính biểu tượng sẽ để lại những lỗ hổng lớn cho nền kinh tế nước này.
Đánh bắt cá ngừ bền vững hơn cũng đóng góp rất nhiều cho các mục tiêu của khu bảo tồn biển. Nếu thí nghiệm về đánh bắt cá ngừ có kết quả tốt, nó sẽ giúp hình thành những quy tắc trên 20% diện tích vùng đặc quyền khai thác hải sản của Palau. Bất kỳ tàu thuyền nào muốn đánh bắt bằng dây câu ở khu vực này đều phải sử dụng lưỡi câu vòng theo kích thước quy định, sử dụng mồi cá thay vì mồi mực và chỉ được đặt mồi câu ở những độ sâu nhất định.
Đối với một quốc gia còn hạn chế về tài nguyên như Palau, việc buộc các tàu tuân theo những thay đổi và bảo vệ một vùng biển rộng lớn là một thử thách lớn. Nhưng nếu ngư dân chịu tuân theo, đổi lại họ sẽ có thể quảng bá sản phẩm của mình như là kết quả của quy trình đánh bắt tiến bộ và có thể nâng giá cho sản phẩm của họ. Những tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở vùng biển Palau sẽ phải đưa cá vào vùng đất liền của Palau để xử lý và đóng gói nên doanh thu mà Palau thu về là nhiều nhất.
Các nhà bảo tồn hy vọng rằng thí nghiệm ở vùng biển của Palau sẽ được triển khai rộng khắp khu vực Thái Bình Dương. Cá ngừ đại dương là loài di cư thường xuyên nên việc đánh bắt ngoài ý muốn vẫn sẽ xảy ra ở vùng biển của quốc gia khác. Ông Zimring cho rằng: “Đó là một thử thách đối với toàn khu vực”.
Đâu đó đã xuất hiện những dấu hiệu thay đổi. Sau hàng thế kỷ đánh bắt quá mức, giờ đây ngày càng nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương như Kiribati và Micronesia đang thành lập những khu bảo tồn biển và sử dụng công nghệ vệ tinh để giám sát chặt chẽ hơn nữa các tàu đánh cá nước ngoài.