ThienNhien.Net – Số gỗ pơ mu quý hiếm sau khi bị phá được tập kết trong rừng, nằm cách Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) khoảng 1 km, còn địa điểm phá rừng nằm cách đó chừng vài cây số đường rừng.
Sáng 15-7, Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết lực lượng kiểm lâm đã khởi tố vụ án phá rừng pơ mu đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn và đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Giang điều tra theo thẩm quyền.
Về câu hỏi trong vụ án này có dấu hiệu cho thấy có sự “bảo kê” cho lâm tặc của lực lượng chức năng, đại diện Công an huyện Nam Giang cho rằng hiện công an mới vào cuộc điều tra và chưa thể nói gì về điều này.
Sáng cùng ngày, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết khu vực rừng pơ mu bị phá thuộc sự quản lý trực tiếp của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung (đóng ở huyện Nam Giang). Về dấu hiệu có sự bảo kê cho lâm tặc phá rừng, ông Tuấn cho rằng khi đã khởi tố thì công an sẽ điều tra toàn diện những đơn vị, cá nhân, tập thể có liên quan.
Theo ghi nhận của các phóng viên, lâm tặc đã chặt phá rừng pơ mu tại khoảnh 10, tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào). Theo kiểm đếm, số cây pơ mu bị chặt hạ lên đến con số trên 50 cây. Tại hiện trường, nhiều cành, ngọn pơmu bị chặt phá nằm ngổn ngang. Ngoài số gỗ đã được vận chuyển, có khoảng 5m3 gỗ phách được xẻ theo quy cách vẫn còn nằm lại trong rừng.
Toàn bộ các gốc pơmu bị chặt hạ đều còn mới. Với lượng gỗ trên, ban đầu cơ quan chức năng nhận định nhóm đối tượng phải có ít nhất khoảng mười người, khả năng các gốc cây này mới bị chặt phá trong vòng một tháng trở lại đây.
Điều đáng nói, số gỗ được tập kết trong rừng, nằm cách Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang khoảng 1 km, còn địa điểm phá rừng nằm cách đó chừng vài cây số đường rừng nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết.
Ghi nhận tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Chà Vàl (huyện Nam Giang), hàng trăm phách gỗ xẻ theo quy cách, có chiều dài 2,1 – 2,2 m đã được cơ quan chức năng vận chuyển về tạm giữ từ chiều 12-7 chất thành đống cao. Số gỗ này là loại gỗ pơ mu quý hiếm thuộc nhóm 2A, còn thơm mùi gỗ mới.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 9-7, từ tin báo của người dân, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hàng chục cây pơ mu bị lâm tặc chặt hạ. Do số lượng gỗ quá nhiều và địa hình hiểm trở, đến ngày 12-7, lực lượng chức năng mới đưa hết số gỗ tang vật về tạm giữ.