ThienNhien.Net – Trước những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây “đầu độc” sông Cẩm Đàn (nằm trên địa bàn xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng và người dân trong thời gian qua của Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa có công văn yêu cầu Công ty này dừng ngay các hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống ở địa phương.
Về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về khoáng sản của Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường, Bắc Giang; báo cáo Bộ trưởng kết quả kiểm tra sự việc trước ngày 20/7.
Trong Công văn số 1945 ngày 8/7 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lại Thanh Sơn ký, đã yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường dừng ngay hoạt động xả nước thải sản xuất trực tiếp ra môi trường và khắc phục các tồn tại về bảo vệ môi trường theo quy định.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Công ty Á Cường dừng hoạt động đối với xưởng tuyển Á Cường tại thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động do giấy phép hoạt động đã hết thời hạn (đến nay đã hơn 4 năm).
Đồng thời, thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sản xuất theo nội dung Đề án bảo vệ môi trường chi tiết “Nhà máy tuyển và luyện đồng công suất 1.000 tấn/năm” đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 1853 ngày 17/11/2014, đảm bảo nước thải được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành trước khi xả thải ra môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường hoạt động chế biến khoáng sản tại 2 địa điểm trên địa bàn huyện Sơn Động, gồm xưởng tuyển Á Cường ở thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn và nhà máy tuyển, luyện đồng công suất 1.000 tấn/năm tại thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Động và các cơ quan liên quan đã tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Á Cường.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã phát hiện các tồn tại, vi phạm của Công ty Á Cường và đã trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 804 ngày 12/5/2015 xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 210 triệu đồng đối với công ty này do đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra ngoài môi trường.
Ngày 26/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Bắc Giang, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Động, Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Đàn đã tổ chức làm việc tại Công ty Á Cường.
Tại buổi làm việc cho thấy, Công ty Á Cường đang hoạt động sản xuất, nước thải từ nhà máy tuyển và luyện đồng công suất 1.000 tấn/năm không được thu gom, xử lý, thải trực tiếp ra sông Cẩm Đàn (theo Công ty Á Cường cho biết, công ty bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 24/6 sau gần 3 tháng tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố).
Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng ở tỉnh cho thấy, Công ty Á Cường đã có một số tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, xưởng tuyển Á Cường tiếp tục hoạt động trái phép không có các thủ tục pháp lý theo quy định (xưởng tuyển Á Cường hoạt động theo Giấy phép số 16 ngày 7/5/2004 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, thời hạn của Giấy phép là 8 năm kể từ ngày 7/5/2004, đến nay không còn hiệu lực đã hơn 4 năm).
Xưởng tuyển Á Cường còn xả nước thải trực tiếp ra ngoài môi trường, nước thải từ quá trình tuyển đồng không được thu gom, xử lý thải ra sông Cẩm Đàn làm bồi lắng dòng sông.
Nhà máy tuyển và luyện đồng công suất 1.000 tấn/năm của Công ty Á Cường đã xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra ngoài môi trường; chưa thực hiện đầy đủ nội dung đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt (công ty xây dựng 3 hồ lắng lấn vào phần diện tích Khe Kính, xã Cẩm Đàn; chưa xây dựng hệ thống tuần hoàn nước thải sản xuất; chưa có biện pháp xử lý bùn lắng từ 3 hồ lắng nước thải); chưa thực hiện cứng hóa, đầm nén toàn bộ khu vực bờ bao xung quanh 3 hồ lắng theo nội dung đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt.