TP.HCM tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu

ThienNhien.Net – Đối mặt với sự phát triển của hệ thống cảng biển là nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Tại TP.HCM, 38 cảng sông, biển hoạt động kinh doanh với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng đứng đầu cả nước. Các cảng lớn điển hình là Tân Cảng, Bến Nghé, Hiệp Phước, Cát Lái… Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển đóng góp rất lớn vào hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Song đối mặt với đó là nguy cơ cháy nổ, đáng quan tâm là tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trong các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và sử dụng dầu.

Sự cố tràn dầu:  Hai vụ/năm

Vừa qua, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Phòng Cứu hộ cứu nạn – Bộ Tham mưu Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đã tổ chức buổi tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng kiêm nhiệm tại TP.HCM năm 2016. Chương trình tập trung vào nhiều nội dung quan trọng như giới thiệu mô hình hệ thống tổ chức ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn; tính năng, tác dụng trang thiết bị ứng phó; bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu; phổ biến kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của TP.HCM…

Một chú chim bị “tẩm dầu” sau một vụ tràn dầu trên biển (Ảnh: greenpeace.org)
Một chú chim bị “tẩm dầu” sau một vụ tràn dầu trên biển (Ảnh: greenpeace.org)

Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, chia sẻ tính đến tháng 5-2016, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 54 triệu tấn, trong đó 65%-70% lượng dầu được chuyển qua cửa khẩu TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Kết quả thống kê từ năm 2005 đến 2011 trên địa bàn TP.HCM xảy ra 16 sự cố tràn dầu, tần suất trung bình xảy ra hai vụ/năm. Nguyên nhân là do các phương tiện đâm va với nhau, rò rỉ từ đường ống vận chuyển dầu, phương tiện bị chìm. Trong đó, nhiều nhất là do phương tiện đâm va, chiếm tỉ lệ khoảng 62%.

Ảnh hưởng môi trường

Trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hoạt động đường sông, đường biển có nhiều sự cố xảy ra gây mất an toàn cháy nổ. Điều đáng quan tâm là ô nhiễm môi trường, gây ra sự cố rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và sử dụng xăng dầu. Tuy nhiên, hiện tại TP.HCM hầu như chưa có lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp, chưa được đầu tư đầy đủ phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng tham gia ứng cứu sự cố tràn dầu. Do đó, nếu xảy ra sự cố chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc ứng cứu, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Chẳng hạn như ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, tài nguyên thủy sinh, nước, đất trên diện rộng.

Các sự cố cũng sẽ gây thiệt hại cho nhiều hoạt động kinh tế, giao thông vận tải, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên thủy sản… Theo ông Hiền, công tác tập huấn, tuyên truyền là hết sức cần thiết, cần thực hiện thường xuyên, đòi hỏi sự quan tâm của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội để phần nào hạn chế sự cố xảy ra, ứng phó kịp thời, giảm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

UBND TP.HCM đã có Thông báo số 384/TB-VP ngày 22-5-2015 về quy trình xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường và xác định giá đất để thực hiện các khoản thu nghĩa vụ tài chính về đất đai. Theo đó, Sở TN&MT TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định giá đất và trình UBND TP giải quyết các hồ sơ xác định giá đất theo chức năng, nhiệm vụ. Để các cơ quan, đơn vị, người sử dụng đất có điều kiện theo dõi về tình hình giải quyết hồ sơ xác định giá đất, Sở TN&MT TP.HCM cung cấp các thông tin cần thiết của từng hồ sơ trên website và sẽ được cập nhật liên tục hằng tuần. Trong quá trình theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, nếu tổ chức, doanh nghiệp có ý kiến đóng góp và thắc mắc, đề nghị gửi thông tin qua hộp thư điện tửstnmt@tphcm.gov.vn hoặc liên hệ đường dây nóng theo số điện thoại 38.293.653 để được giải quyết.