ThienNhien.Net – Những năm qua, một số tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình đang xoay trục phát triển kinh tế hướng ra biển. Một loạt các đại dự án từ nhiệt điện, dệt may, SX giấy, cho tới gốm sứ, gạch men… đều được quy hoạch sát cửa biển.
Tuy nhiên, đồng nghĩa với những dòng tiền chảy vào ngân sách là những nguy cơ, hệ lụy nhãn tiền về ô nhiễm.
Đại dự án khu công nghiệp (KCN) dệt may Rạng Đông hơn 500ha từng gây xôn xao dư luận người dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đang rốt ráo chuẩn bị xây dựng những hạng mục đầu tiên. Hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản đã ngừng SX, bàn giao ao đầm cho chủ đầu tư. Họ hy vọng KCN sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển 1 thì lại lo ô nhiễm môi trường 10. Thậm chí, nhiều hộ làm muối đã lên phương án bỏ nghề, tìm kế khác sinh nhai khi ô nhiễm xảy ra…
Lo sợ
Tôi chạy xe dọc theo tuyến đê biển, nơi sắp tới sẽ biến thành KCN dệt may Rạng Đông, chốc chốc lại gặp những người đàn ông trở về từ cửa biển.
Bắt chuyện, một ngư dân cho biết, chưa cần KCN, những năm gần đây, nguồn nước biển không còn tốt, cá tôm ít dần. Nếu như trước chỉ đánh bắt ven bờ, thì giờ hầu hết phải đóng thuyền lớn hơn vươn khơi xa. Nói đoạn, anh này mở túi cho tôi xem mớ cá hanh vừa đánh bắt. “Mỗi ngày ra biển, không có thuyền lớn, đánh bắt được ít lắm, gọi là đủ chi tiêu lặt vặt thôi. Các khoản chi tiêu lớn trong nhà vẫn chủ yếu là từ làm đầm, kinh doanh tạp hóa”.
Tôi hỏi, ao đầm nay thành KCN rồi, lỡ sau này môi trường bị ô nhiễm thì sao? “Bọn tôi ở đây cũng đang lo sợ lắm, đã là KCN mà lại là dệt nhuộm tránh sao được ô nhiễm. Mà biển đã ô nhiễm, đến người còn chết nói gì tôm cá. Thôi thì đến lúc đó hẵng hay”, anh này thủng thẳng.
Chị Nguyễn Thị Lý, khu 8, thị trấn Rạng Đông, bảo với tôi, thực ra, tất thảy người dân ở đây đều không thích việc xây dựng KCN đâu. Đã là ngư dân thì cả đời chỉ muốn gắn bó với biển, với tôm cá thôi. Nhưng từ giờ, chắc chắn cuộc sống bị xáo trộn nhiều.
8 năm qua, vợ chồng chị Lý gắn bó với 1ha đầm, nay cũng đành nhượng lại cho KCN với giá 430 triệu đồng. Hiện tại, vợ chồng chị đã thuê được 1ha đầm để tiếp tục nuôi cá ở xã Nghĩa Thắng (cùng huyện Nghĩa Hưng). Nói về nguy cơ ô nhiễm, chị Lý bảo, KCN ngay sát biển, chẳng biết công nghệ thế nào nhưng kiểu gì môi trường cũng bị ảnh hưởng.
Bà Đoàn Thị Tâm, 59 tuổi (mẹ chị Lý), thở dài, khi có dự án về, chúng tôi cũng đồng tình thôi, chỉ mong sao KCN giúp đời sống, kinh tế của địa phương ngày càng phát triển. Nhưng rồi nhìn lại, ai cũng lo chuyện ô nhiễm môi trường. Giờ chẳng biết thế nào, nhưng cũng phải lo trước, chứ đến khi ô nhiễm thật thì muộn rồi.
Theo thiết kế, KCN sẽ “ngoạm” trọn kênh thủy lợi chính, phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nước được dẫn từ cửa biển, theo kênh thủy lợi cung cấp cho hàng trăm hộ dân vùng trong đê. Khoảng cách này chỉ chưa đầy 1 cây số. Gia đình chị Nguyễn Thị Huyện đã 10 năm gắn bó với 5.000 m2 đầm tôm. Năm nào được mùa, trúng giá, chị Huyền bỏ túi 50 – 70 triệu đồng.
“Nếu như nước biển bị ô nhiễm, chắc chắn cá tôm từ kênh thủy lợi cho tới ao đầm trong đê sẽ chết sạch. Vùng ao đầm này đến lúc đó cũng bị xóa sổ thôi”, chị Huyền lo lắng.
Sẽ phải bỏ nghề
Không riêng gì người dân thị trấn Rạng Đông, hàng trăm hộ làm muối của xã Nghĩa Phúc kế bên cũng đang hết sức e ngại về môi trường của KCN. Cả xã Nghĩa Phúc hiện có 53ha muối, 100% hộ dân tham gia làm nghề. Với họ, muối vừa là kế sinh nhai, vừa là máu thịt, gắn bó từ lúc ẵm ngửa cho tới phút nhắm mắt xuôi tay.
Ông Nguyễn Văn Tư bảo, biết theo mẹ làm muối từ khi 15, đến nay tuổi “nghề” cũng đã tròn 51 năm. Tính trung bình, làm một sào muối/năm cũng chỉ lãi được khoảng 4 triệu đồng. Dù rằng thu nhập bấp bênh, nhưng ông Tư cũng như nhiều người khác vẫn quyết tâm giữ nghề.
+ UBND huyện Nghĩa Hưng và Sở NN-PTNT Nam Định đã nhất trí tạo điều kiện để chủ đầu tư lập hồ sơ trình UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT xin phép cắt đê biển để xây dựng cống thoát nước thải KCN. Điều kiện tiên quyết với KCN là cần tuân thủ nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và khu vực nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh. + Dự kiến, từ năm 2017, KCN sẽ bắt đầu hoạt động, thu hút khoảng 10 vạn công nhân. Mỗi năm, KCN này sẽ SX ra 1 tỷ mét vải cùng 150 triệu sản phẩm may mặc, đạt giá trị SX công nghiệp hằng năm từ 1,5 – 2 tỷ USD. |
Đứng trò chuyện trên cánh đồng muối về chuyện KCN, ông Tư tần ngần bảo, rồi kiểu gì cũng bị ô nhiễm thôi. Và khi đó, nước ô nhiễm, nghề muối cũng tự khắc bị xóa sổ. Tôi hỏi ông, cả đời làm muối, mất nghề rồi thì làm gì. Im lặng giây lát, ông Tư bảo, tuổi này xin vào làm KCN chắc không được rồi. Thôi, ở nhà trồng rau, nuôi gà bán ngược lại cho KCN. Mà còn đất thì dựng nhà cho công nhân thuê trọ.
Chị Trần Thị Tho bảo, từ khi lấy chồng về đây, cũng 20 năm gắn bó với hạt muối mặn chát. Nếu ô nhiễm, mất nghề, chắc xin đi làm công nhân may, còn chồng đi phụ hồ, thế là xong. Nhưng điều chị Tho lo lắng nhất là nước thải của KCN sẽ ngấm vào nguồn nước sinh hoạt. Hiện tại, 100% các hộ dân ở đây đều dùng nước ngầm từ giếng khoan.
Cùng chung suy nghĩ, ông Tư bảo, vì gần biển, lại khoan sâu, trước giờ chỉ ăn nước giếng khoan nhưng vẫn đảm bảo, chẳng ai bị bệnh tật gì. Nếu mà nguồn nước bị ô nhiễm, người dân sẽ không biết lấy gì để dùng, trong khi giấc mơ nước sạch vẫn xa vời.
“Đúng nước là máu của sự sống, nếu như đến cả nước mà ô nhiễm thì sống sao nổi. Nó sẽ ảnh hưởng đến không chỉ chúng tôi mà còn đời con, cháu sau này nữa. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong KCN sẽ bảo vệ môi trường, đừng để như khu Formosa gì đó trong Hà Tĩnh”, ông Tư kiến nghị.
Không đánh đổi môi trường
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Rạng Đông cho biết, hiện đã bàn giao gần như toàn bộ 519ha đất cho nhà đầu tư là Cty CP đầu tư Vinatex (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam). Ngay từ khi dự án manh nha, trong tất cả các cuộc họp bàn, địa phương luôn kiến nghị vấn đề bảo vệ môi trường. Theo ông Thành, đây là một dự án lớn, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế không chỉ khu vực huyện Nghĩa Hưng mà cả tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, phải đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.
PV đã có buổi làm việc với ông Đàm Đình Khải, cán bộ phụ trách Ban đất đai và GPMB của dự án KCN dệt may Rạng Đông.
Ông Khải cho hay, dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cuối năm 2015. Bộ này yêu cầu KCN cần xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kiểm soát liên tục lưu lượng và các thông số của nước thải. Đồng thời yêu cầu KCN này phải lập kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu sự cố môi trường.
Theo ông Khải, dự kiến, hệ thống xử lý nước thải sẽ được xây dựng theo công nghệ tiên tiến nhất của Pháp do một nhà thầu thứ cấp đến từ Pháp đảm nhận. Khi KCN hoạt động hết công suất, lượng nước thải ước tính sẽ đạt khoảng 110 – 130 nghìn m3/ngày đêm. Đối với hệ thống kênh thủy lợi chính của khu vực Rạng Đông, KCN sẽ xây dựng trùm qua, đảm bảo nguồn nước nuôi trồng thủy sản cho người dân.