ThienNhien.Net – Ngày 12/7, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp chuyển đổi sinh kế cho 16 xã vùng biển bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra.
Các kỹ sư nông nghiệp sẽ được đưa về với ngư dân để làm mô hình chuyển đổi sinh kế.
Quyết liệt chỉ đạo, hành động
Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, hậu quả do Formosa gây ra còn lớn hơn trận siêu bão càn quét vào miền Trung. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Trị đã đặt hàng cho các sở, ngành sớm tạo ra mô hình và cơ hội mới để tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng biển phát triển bền vững.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban thường trực BCĐ khắc phục hậu quả hải sản chết do ô nhiễm, báo cáo cho biết từ ngày 16/4, cùng với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế, tại Quảng Trị hiện trượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào địa bàn các huyện ven biển.
Hiện tượng này đã gây ảnh hưởng nặng hệ sinh thái, môi trường biển và làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng vạn ngư dân. Các tàu đánh bắt hải sản gần bờ gần như nằm bờ hoàn toàn, sản phẩm khai thác xa bờ khó tiêu thụ, hoạt động kinh doanh và thu mua hàng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, khách sạn, nhà hàng, du lịch biển tê liệt.
Theo ông Hưng, thống kê thiệt hại đến thời điểm này Quảng Trị có hơn 8.000 hộ dân của 16 xã, thị trấn bị ảnh hưởng với dân số hơn 44 ngàn người. Số tàu thuyền bị ảnh hưởng 2.628 chiếc, trong đó tàu thuyền khai thác xa bờ từ 90CV trở lên có 201 chiếc.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo quyết liệt, không ngừng tìm biện pháp giúp dân đứng vững trước khi có giải pháp dài hơi.
Cụ thể trước mắt đã hỗ trợ gạo với mức 22,5 kg gạo/nhân khẩu trong thời gian 45 ngày. Hỗ trợ một lần cho các tàu thuyền không lắp máy 3,5 triệu đồng/chiếc; tàu thuyền lắp máy có công suất 90CV trở lên được hỗ trợ 5 triệu đồng/chiếc. UBND tỉnh ứng trước kinh phí 8 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân vùng biển 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng…
Mô hình điểm
Cho đến nay đã sau gần 3 tháng kể từ khi xảy ra sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường biển, cùng với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, người dân ven biển Quảng Trị đã từng bước chủ động tìm kế làm ăn để chăm lo cuộc sống gia đình.
Đi dọc các làng biển Triệu Vân, Triệu An (huyện Triệu Phong), Cửa Việt, Trung Giang (huyện Gio Linh), Cửa Tùng, Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh)… bà con ngư dân đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất.
Xã Triệu Vân là địa phương đi đầu trong việc định hướng, chuyển đổi phương thức sản xuất cho ngư dân. Ông Hồ Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết, xã có khoảng 138 hộ làm nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần biển.
Trước tình hình cá chết, ngư dân không thể hoạt động đánh bắt gần bờ được như trước, chính quyền địa phương đã định hướng cho người dân chuyển đổi sang trồng trọt, chăn nuôi để ổn định cuộc sống trước mắt cho ngư dân.
Hiện nay, toàn xã đã canh tác khoảng 70 ha đậu xanh lòng. Ngoài ra, xã còn định hướng cho người dân chuyển sang chăn nuôi lợn, gà, hiện đã có khoảng 15 hộ xây dựng gia trại để chăn nuôi.
Về lâu dài, do còn gặp khó khăn về vốn nên người dân cần được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để cải hoán, nâng cấp tàu theo chủ trương Nghị định 67, nhằm chuyển hướng đánh bắt từ gần bờ sang xa bờ. Toàn xã có 35 thuyền máy, 11 thuyền thúng chủ yếu khai thác hải sản vùng gần bờ nhưng hiện không thể hoạt động được.
Tại hội nghị, đại diện các huyện khẳng định, có hai hướng chuyển đổi chính cho ngư dân vùng biển, đó là sớm cho bà con vay tiền cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ vừa bảo đảm bảo vệ được an ninh, chủ quyền biển đảo; đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm nghề cá và cải tạo đất cát trắng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Những giải pháp căn bản
Ông Võ Văn Hưng cho biết, các giải pháp trọng tâm là tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để nâng cao thu nhập và sinh kế cho ngư dân trên cơ sở tăng cường quản lý nghề cá ven bờ, nghề nuôi trồng thủy sản ven cửa biển, phát triển trồng trọt, chăn nuôi nhằm ổn định sản xuất lâu dài cho người dân vùng biển.
Ưu tiên mọi cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực hỗ trợ cho 16 xã khai thác tiềm năng, lợi thế còn lại để phát triển kinh tế xã hội một cách đồng bộ, bền vững.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020 chuyển đổi 160 chiếc (50%) tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20CV lên 90CV.
Đóng mới 100 tàu có công suất 90 CV trở lên đảm bảo khai thác trung bờ và xa bờ. Các hộ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ và hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên được ngân sách hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới, nhưng không quá 1 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện hỗ trợ từ 1/7/2016 đến 30/6/2019. Tổ chức, gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV lên lớn hơn 90 CV được hỗ trợ 2 triệu đồng/1 CV…
Đào tạo nghề khai thác hải sản xa bờ cho 2.500 người. Từng bước chuyển đổi nghề khai thác tầng đáy như lồng bẫy, lưới rê sang khai thác vùng biển xa bờ với rế khơi, vây, chụp, câu vàng. Nạo vét các luồng lạch vào cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão ở Cửa Tùng.
Nâng cấp cảng cá Cửa Việt lên cảng cá loại một, khu neo đậu trú tránh bão Cồn Cỏ lên cấp vùng. Phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển, chú trọng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và cá nước ngọt, tăng cường năng lực sản xuất con giống.
Hỗ trợ 100% kinh phí mua con giống thủy sản để khôi phục sản xuất cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trên 70%, nhưng hỗ trợ tối đa không quá 120 triệu đồng/ha đối với ao nuôi trên cát và 30 triệu đồng với nuôi quảng canh….
Rất nhiều phương án, giải pháp được Sở NN-PTNT đưa ra để giúp ngư dân vùng biển phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều ý kiến tại hội nghị nhận định, cái khó khăn nhất bây giờ là thay đổi một phương thức sản xuất đã tồn tại bấy lâu với ngư dân sang một phương thức sản xuất mới nên phải làm chắc từng bước để tổng kết, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính khẳng định, điều quan trọng nhất lúc này phải huy động nguồn vốn để giúp ngư dân cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt cá, ưu tiên đánh bắt xa bờ. Chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả từ đất cát trắng sang áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đào tạo nghề phù hợp cho ngư dân vùng biển ổn định trước mắt và lâu dài để bà con ổn định cuộc sống.
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị giao Sở NN-PTNT cử các kỹ sư nông nghiệp về tận các xã biển giúp dân, mỗi kỹ sư làm một mô hình chuyển đổi kinh tế. Các kỹ sư nông nghiệp không thể ngồi một chỗ nói lý thuyết, mà phải bắt tay chỉ việc cho ngư dân. Kỹ sư nào làm tốt sẽ được nâng lương trước thời hạn, ai không làm được sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.