Dự thảo chính sách an toàn của WB vẫn bị chỉ trích

ThienNhien.Net – Ngân hàng Thế giới (WB) đang chuẩn bị hoàn tất bản cập nhật Các Chính sách an toàn nhằm giảm thiểu các rủi ro về môi trường và xã hội mà các dự án, khoản vay từ Ngân hàng có thể gây ra. Tuy nhiên, những chính sách của Ngân hàng vẫn vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới sự tham gia và quyền con người.

WB bắt đầu áp dụng Các chính sách an toàn sau hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối các dự án do Ngân hàng tài trợ. Các chính sách an toàn của WB được đưa ra đánh giá vào năm 2012 (công bố lần đầu tiên vào năm 2014) và Ngân hàng coi đây như là một phần của việc cải tổ chiến lược.

130716_chinhsachantoan
Ảnh: International Accountability Project

Việc áp dụng các chính sách riêng về quyền con người cho thấy nỗ lực của WB trong việc đánh giá kỹ lưỡng hơn các ảnh hưởng mà các dự án Ngân hàng tài trợ có thể gây ra. Tuy nhiên trong thực tế, WB có vẻ vẫn miễn cưỡng trong việc coi nhân quyền như một nguyên tắc cốt lõi để đánh giá các dự án giúp giảm nghèo và cải thiện đời sống cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, theo bình luận của các nhà phân tích.

Trong báo cáo năm ngoái của mình, ông Philip Alston, báo cáo viên đặc biệt về đói nghèo và nhân quyền của Liên Hợp Quốc cùng các nhà phê bình khác cho rằng Ngân hàng đã không áp dụng hiệu quả các nghị định thư trong việc đánh giá những rủi ro xã hội tiềm ẩn mà những dự án WB tài trợ có thể gây ra. Ông và nhiều nhà phê bình nhận thấy WB thường xuyên đùn đẩy gánh nặng về đánh giá và đo lường mức độ ảnh hưởng của các dự án phát triển cho các chính phủ mà Ngân hàng hợp tác.

Các nhà hoạt động về nhân quyền và lao động cũng khiển trách WB vì sự phản ứng chậm trễ, không thỏa đáng trước cáo buộc cho rằng Quỹ tài trợ của ngân hàng đã tiếp tay cho tình trạng cưỡng bức lao động tại những cánh đồng bông ở Uzbekistan. Trung tâm Thông tin, Nhóm giám sát các dự án của WB, cũng bị cho là mắc sai lầm khi thực hiện việc di cư không tự nguyện cho hàng ngàn hộ gia đình trong một sáng kiến giúp đỡ những người nghèo thiết lập trái quyền* hợp pháp đối với tài sản ở Campuchia.

Cuối tháng 6 vừa qua, 24 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, lao động và nhân quyền tại Ấn Độ (như Liên minh Quốc gia Phong trào Nhân dân (NAPM), Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), Mạng lưới Đập, Sông và Con người Nam Á (SANDRP), Liên minh Con người Đông Bắc (NEPA), Liên hiệp Lao động Lâm nghiệp Ấn Độ (AIUFWP), HIệp hội Người lao động trong nước (NDWU) và Tổ chức Narmada Bachao Andolan)… đã gửi một bức thư tới Giám đốc điều hành WB nhân chuyến thăm của ông tới Ấn Độ yêu cầu WB chú ý hơn tới các chính sách bảo vệ môi trường, xã hội trong hoạt động đầu tư của Ngân hàng.

Ấn Độ là quốc gia nhận được nhiều khoản vay nhất từ WB, do vậy cũng là quốc gia chịu nhiều tác động do các dự án của Ngân hàng mang lại như sự phân hóa trong xã hội hay các ảnh hưởng về môi trường sinh thái. Một số dự án do WB đầu tư gây nhiều tranh cãi ở Ấn Độ được các tổ chức liệt kê trong bức thư như Dự án Sardar Sarovar trên sông Narmada, Dự án Giao thông Đô thị Thành phố Mumbai và gần đây nhất là các dự án than điện MEGA tại Tata Mundra. Các tổ chức mong muốn WB hãy coi người nghèo và trái đất là trọng tâm của sự phát triển và không nới lỏng bất kỳ chính sách an toàn hiện có nào khi có ý định đầu tư cho các dự án tại Ấn Độ.

Các tổ chức càng tỏ ra lo ngại hơn sau khi Quá trình tham vấn Dự thảo Các chính sách bảo vệ và Khung Môi trường và Xã hội (ESF) của WB kết thúc vào tháng Ba vừa qua. Vào giữa tháng Tư, cơ quan chịu trách nhiệm giải trình của Ngân hàng, Ủy ban Thanh tra (IPN) cũng kêu gọi Ngân hàng “không nới lỏng các chính sách an toàn” đồng thời nhấn mạnh các chính sách này cần được áp dụng đầy đủ và là yếu tố thiết yếu để tránh, giảm thiểu các tác động đến con người và môi trường. Bên cạnh đó, IPN cũng cho rằng nguyên nhân gốc rễ của nhiều vụ việc không phải do bản thân các điều khoản quy định không đúng đắn mà nằm ở quá trình triển khai.

Hồi giữa tháng Năm, bốn thượng nghĩ sĩ Mỹ cũng đã gửi một bức thư tới Bộ Tài chính Mỹ, trong đó chỉ ra một số quy định cần lưu ý trong bản Dự thảo ESF lần hai trong đó có quy định liên quan đến các môi trường sống thiết yếu, các khu vực được bảo vệ và các khu bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, các thượng nghị sĩ  cho rằng có sự lơ là trong chính sách của Ngân hàng khi loại bỏ một số yêu cầu bắt buộc, thiếu sự minh bạch trong quy định những biện pháp gì và khi nào những biện pháp này sẽ được áp dụng cho từng dự án và sự không rõ ràng trong việc phân loại các dự án vào mức “dự án có nguy cơ cao”. Các thượng nghị sĩ hoan nghênh việc đề cập đến vấn đề nhân quyền trong Tuyên bố Tầm nhìn ESF nhưng họ cũng bày tỏ sự lo ngại vì tuyên bố này không có tính ràng buộc pháp lý, không mang tính thực thi và không có sự cam kết về tôn trọng nhân quyền.

Một lá thư khác cũng được gửi tới Ngân hàng Thế giới vào cuối tháng Năm, với chữ ký của gần 70 tổ chức xã hội, nhấn mạnh rằng Các chính sách an toàn mới cần phải có liên hệ mật thiết với vấn đề nhân quyền và bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển của Ngân hàng. Các tổ chức yêu cầu bản Dự thảo Các chính sách an toàn cuối cùng phải được công bố ngay khi chuyển cho Hội đồng quản trị của Ngân hàng xem xét.

Một sự kiện khác cho thấy WB đã hạ thấp các Chính sách an toàn là vào tháng Ba vừa qua, khi Hội đồng quản trị của Ngân hàng phê duyệt đề xuất hủy bỏ Chính sách bảo vệ người dân bản địa (OP 4.10) đối với một dự án ở Tanzania, dù phía Mỹ đã phủ quyết. Trong tuyên bố với Hội đồng quản trị, phía Mỹ cho biết đã nhiều lần yêu cầu nếu muốn hủy bỏ bất kỳ chính sách an toàn nào, Ngân hàng và bên vay vốn phải chứng minh và trình bày chính sách bảo vệ thay thế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, tuy nhiên, lý do hủy bỏ chỉ giới hạn bằng một vài câu trong báo cáo thẩm định rằng việc áp dụng đề xuất OP 4.10 là không phù hợp với Hiến pháp Tanzania. Phía Mỹ khẳng định lập luận này không thuyết phục. Việc phê duyệt dự án trên dấy lên quan ngại rằng Ngân hàng có quyền đưa ra quyết định mà không quan tâm tới việc nó có mâu thuẫn với Chính sách bảo vệ người dân bản địa.

Một kết quả nghiên cứu gần đây của chính WB cho thấy sự cấp thiết về mặt đạo đức của việc coi bảo vệ nhân quyền như một phần cốt lõi trong sứ mệnh của mình; nó cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế. Ví dụ như giảm bất công về giới sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế và có những cộng đồng dễ xảy ra xung đột vũ trang hơn nếu việc vi phạm nhân quyền không bị xử phạt.

Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi, bản dự thảo Các chính sách an toàn cuối cùng đã được chuyển tới Ủy ban Hiệu quả Phát triển của Ngân hàng để xem xét vào 1/7 vừa qua.


* Trái quyền là quyền của một người, được phép yêu cầu một người khác thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình. Đó có thể là nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản