ThienNhien.Net – Yên Bái là một trong hai tỉnh đầu tiên hoàn thành việc tổng điều tra, kiểm kê rừng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn bộ diện tích rừng, chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng đặc dụng được thể hiện rõ ràng trên bản đồ. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: Sau kiểm kê rừng Yên Bái phải làm gì?
Kết quả kiểm kê rừng tỉnh Yên Bái vừa công bố: Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái là 523.275,2 ha, chiếm 75,9% diện tích tự nhiên. Trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 479,626,1 ha, đất có rừng 387.576 ha chiếm 74,07%, đất trống đồi núi trọc 24.658,8 ha. Diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 43.649,1 ha bao gồm rừng tự nhiên 11.110,6 ha, rừng trồng 29.580,3 ha, đất chưa có rừng 2.958,2 ha. Độ che phủ của rừng đạt 62,2%.
Kiểm kê rừng cho thấy hiện nay rừng tự nhiên của Yên Bái còn 246.004,7 ha, rừng trồng 182.262,2 ha; đất chưa có rừng, bao gồm đất trồng chưa thành rừng, đất trống có cây tái sinh, đất trống đồi núi trọc, núi đá… có tổng diện tích là 95.008,4 ha.
Diện tích rừng trồng ngoài quy hoạch chủ yếu là cây quế 56.529,4 ha, trong đó 50.436,9 ha đã thành rừng. Huyện có diện tích quế nhiều nhất, cũng là huyện có diện tích quế trồng ngoài quy hoạch là Văn Yên, hiện có trên 40.019,2 ha. Trấn Yên 10.266,08 ha.
So với diện tích thống kê hàng năm 34.000 ha, tăng 22.529,37 ha. Diện tích quế nằm ngoài quy hoạch tập trung ở 3 huyện: Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn. Việc phát triển cây quế rầm rộ hơn 10 năm qua, bởi cây này đã mang lại cho người dân lợi ích kinh tế cao. Ngoài việc bán vỏ, thân cành, lá quế cũng bán được giá cao.
Vì thế, ngoài trồng tập trung cây quế còn được trồng phân tán trong rừng phòng hộ sản xuất, rừng kinh tế. Mỗi năm Yên Bái trồng mới từ 10.000-12.000 ha quế. Kế hoạch năm 2016 Yên Bái trồng 15.000 ha quế, tuy nhiên diện tích trồng mới có thể lớn hơn rất nhiều.
Đứng sau cây quế là cây keo, được trồng ở các huyện vùng thấp: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên với diện tích 61.899,4 ha. Diện tích keo chủ yếu nằm ở các Cty lâm nghiệp trước đây trồng cây nguyên liệu giấy phục vụ cho nhà máy giấy Bãi Bằng. Nay người trồng keo không chỉ bán cho các nhà máy giấy mà còn bán cho các cơ sở ván bóc, xẻ gỗ ghép thanh. Ngoài ra phải kể đến cây bồ đề với diện tích 34.939,4 ha. Người trồng rừng không còn lệ thuộc vào một khách hàng mà họ có quyền bán cho bất cứ khách hàng nào trả giá cao hơn. Thời bán hàng chủ yếu cho nhà máy giấy Bãi Bằng luôn bị các đầu nậu ép giá đã qua.
Cây thông cũng được trồng nhiều nhất ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu 36.433,6 ha trên diện tích rừng phòng hộ, nơi đầu nguồn các dòng suối, nhằm điều tiết nước cho sông Hồng và sông Đà.
Đặc biệt sơn tra (táo mèo) là cây đa tác dụng, đang được tỉnh Yên Bái phát triển, kết quả kiểm kê toàn tỉnh có 3.390,6 ha, trong đó huyện Mù Cang Chải 1.211,7 ha, Trạm Tấu 2.178,4 ha. Là loài cây bản địa, sơn tra được trồng ở độ cao từ 800m trở lên, có sức chống chịu được lạnh giá và băng tuyết. Ngoài tác dụng phòng hộ cây sơn tra còn mang lại giá trị kinh tế rất cao nên người dân phát triển mạnh. Với giá 15.000-20.000đ/kg, thì mỗi ha trồng sơn tra thu 120-150 triệu.
Chất lượng rừng của Yên Bái khá cao, tổng trữ lượng rừng tự nhiên của Yên Bái hiện 30.674.674m3, rừng trồng 15.941.819m3, tre, vầu, nứa 84.766 ngàn cây.
Sau khi có kết quả kiểm kê rừng, tỉnh Yên Bái đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng nhằm đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, để mau chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, xóa rừng nghèo kiệt… Đối với cây quế, huyện Văn Yên được hỗ trợ 1 triệu/ha, các huyện khác 3 triệu/ha. Cây sơn tra sẽ là cây chủ lực trồng ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Kế hoạch năm 2016 tỉnh Yên Bái trồng mới 850 ha sơn tra. Trong đó huyện Mù Cang Chải trồng 250 ha, Trạm Tấu 600 ha. Ngoài diện tích trồng rừng kinh tế và rừng phòng hộ, huyện Trạm Tấu được hỗ trợ trồng 300 ha dưới tán rừng nghèo kiệt, với mức hỗ trợ 6 triệu/ha. Đến nay diện tích đó đã trồng xong.
Yên Bái tham vọng đưa bản đồ diện tích rừng lên mạng, từ đó việc cập nhật thông tin diễn biến rừng từng ngày sẽ được các hạt kiểm lâm phối hợp với các xã, phường làm thường xuyên, để kết quả kiểm kê rừng phát huy được hiệu quả góp phần cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.