ThienNhien.Net – Các nhà khoa học đang tiếp tục khảo sát các mặt cắt biển để xác định hàm lượng chất độc tồn dư dưới đáy biển.
Sau khi nguyên nhân sự cố môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung được công bố, các nhà khoa học đang tiếp tục khảo sát các mặt cắt biển để xác định hàm lượng chất độc tồn dư dưới đáy biển các khu vực này. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ cùng với các nhà khoa học xây dựng phương án xử lý ô nhiễm và phục hồi hệ sinh thái môi trường biển.
Các chuyên gia khoa học về môi trường đánh giá, trong số 3 tác nhân chính gây hiện tượng hải sản chết hàng loạt vừa qua, phenol có thể phân hủy khá nhanh, oxyt sắt ra môi trường sẽ chuyển thành dạng hidroxit sắt kết tủa dưới đáy biển tạo màu vàng, nhưng vô hại với con người và sinh vật biển.
Xyanua là chất cực độc, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về sự lưu giữ và biến đổi của nó trong trầm tích đáy biển.
Vị trí nào có hàm lượng xyanua trong trầm tích đáy biển quá cao, có thể cần phải hút trầm tích đáy bị ô nhiễm để xử lý ở trên bờ. Theo kết quả đánh giá sơ bộ, diện tích này không quá lớn, nhưng phương pháp này rất tốn kém.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho rằng, biển có khả năng tự làm sạch. Độc tố sẽ hòa tan dần dần và giảm đi theo thời gian: “Khả năng tự làm sạch của biển rất lớn cho nên nếu kết quả nồng độ các chất sau điều tra, khảo sát không cao quá ta hoàn toàn có thể để cho biển tự làm sạch. Đây là phương pháp ít tốn kém và ít thiệt hại nhất. Tuy nhiên, phải rõ ràng một việc là san hô, hệ sinh thái ở các vùng biển Việt Nam đang bị suy thoái một cách nghiêm trọng do các hoạt động của con người. Đặc biệt là việc đánh bắt quá mức, đánh bắt cạn kiệt, phá hủy các hệ sinh thái san hô”.
Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, bên cạnh phục hồi tự nhiên, có thể trồng mới san hô, từ đó tạo môi trường thuận lợi để cá và các sinh vật khác phát triển. Ấu trùng của cá ở vùng sinh sản nhiều sẽ di chuyển đến và phát triển.
Giải pháp phục hồi tự nhiên và nhân tạo có thể giúp tái tạo lại hệ sinh thái môi trường biển miền Trung. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát thường xuyên thông qua các trạm quan trắc môi trường nước tự động, thì khó bảo tồn được hệ sinh thái biển.
Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, cần tăng cường năng lực giám sát của các cơ quan địa phương về môi trường: “Câu chuyện về sông Bưởi, sông Tranh, sông Đồng Nai, câu chuyện về Formosa và trước nữa là sông Thị Vải đặt ra vấn đề phải giám sát sự ô nhiễm ở các đầu ra xả thải của các khu công nghiệp, nhà máy lớn không thể không làm được.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghĩ ngay đến việc tăng cường năng lực giám sát từ địa phương đến trung ương trong vấn đề cảnh báo dự báo các thảm họa về môi trường để có thể ngăn chặn trước khi nó có thể xảy ra.
Ví dụ, có thể đặt các hệ thống giám sát tự động để cập nhật thông số, xây dựng trạm giám sát và kiểm soát vấn đề ô nhiễm ở các khu vực xả thải.”
Tại Việt Nam, nhiều công ty chuyên về phần mềm công nghệ đã thưc hiện nhiều dự án về theo dõi, đánh giá chất lượng nước.
Công ty cổ phần công nghệ DTT đang thực hiện hệ thống quan trắc tự động cho dự án quản lý hệ thống nước sạch cho 8 tỉnh miền Bắc của Trung tâm Nước sạch Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT cho biết: “Những vấn đề ô nhiễm nặng gây ra thảm họa môi trường, chúng ta cần có những xét nghiệm về kim loại nặng, độc tố, phóng xạ…Những xét nghiệm đó cực kỳ đắt tiền và không thể sử dụng một cái cảm biến để làm được.
Công nghệ có thể phát hiện các chỉ số xung quanh để có thể đưa ra kết luận có sự bất thường xảy ra để cảnh báo, lấy các mẫu về các phòng thí nghiệm lớn để phân tích cụ thể. Việc đó hoàn toàn Việt Nam đương nhiên làm được”.
Việc xây dựng phương án phục hồi và khắc phục sự cố môi trường sau khi xác định Formosa xả thải gây ô nhiễm, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT thành lập Hội đồng khắc phục sự cố này.
Các nhà khoa học cũng đang tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện pháp đánh giá môi trường, hệ sinh thái biển miền Trung. Dự kiến cuối tháng 7 sẽ công bố toàn bộ dữ liệu hoàn chỉnh.