ThienNhien.Net – Mặc dù luôn tự đánh giá là có công nghệ hiện đại, quy trình khép kín đảm bảo an toàn cho môi trường, nhưng thực tế, chỉ sau 4 tháng đi vào hoạt động, Công ty cổ phần khoáng sản đồng An Phát đã để xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thực tế kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định: Đơn vị này còn nhiều thiếu sót trong vấn đề đảm bảo an toàn môi trường.
Gặp sự cố rò rỉ hóa chất chỉ sau 4 tháng
Trước đó, như VietnamPlus đã đưa tin, ngày 4/7, một sự cố rò rỉ hóa chất bãi khai thác quặng đã xảy ra tại đầu nguồn suối Màn, xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Sự cố đã khiến cho tôm, cá trên dọc 5km suối, ao, hồ phía hạ lưu bị “hạ sát” hàng loạt. Công ty cổ phần khoáng sản đồng An Phú sau đó cũng đứng ra trực tiếp nhận trách nhiệm khi để vụ việc xảy ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy của An Phú được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chứng nhận và chấp thuận vào tháng 5/2014, và được khởi công vào tháng Bảy cùng năm với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng.
Đến ngày 4/3/2016, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Đáng chú ý, theo báo cáo của công ty này gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình sau khi sự cố rò rỉ hóa chất xảy ra, giám đốc công ty, ông Trần Trung Chính cho biết: Hiện, nhà máy vẫn đang trong giai đoạn vận hành chạy thử, công suất chỉ đạt 40% so với mức trong thiết kế là 20 tấn đồng/tháng.
Như vậy, mặc dù chỉ đang trong giai đoạn chạy thử, sau đúng 4 tháng ngắn ngủi, công ty này đã để xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất từ bãi quặng vào suối Màn, con suối thượng nguồn chảy xuyên suốt qua một loạt xã của huyện Cao Phong như Yên Lập, Dũng Phong, Tây Phong… và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Điều đáng nói hơn, công nghệ được sử dụng để khai thác quặng đồng là phương pháp thủy luyện. Đây là phương pháp ngâm tẩm quặng đồng cacbonat với axit sunfuric hàm lượng 3gr/lít để thu được dung dịch chứa đồng hòa tan. Để thực hiện được công nghệ này, khu vực chứa quặng thô được xếp ở vị trí cao nhất để dung dịch chứa đồng hòa tan có thể chảy xuống vào các rãnh chứa thấp hơn phía dưới.
Thực tế, theo quan sát của phóng viên tại nhà máy của An Phú, phần bãi chứa được đắp rất cao, đánh luống theo dạng ruộng bậc thang. Trên mặt mỗi “thang” quặng là hệ thống ống dẫn để tẩm axit trực tiếp. Tuy nhiên, khu vực bãi này lại hoàn toàn nằm lộ thiên và không hề có mái che mưa.
Ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong cũng tỏ ra bất bình với vấn đề này. Bản thân ông Dũng cũng đã 2 lần trực tiếp xuống kiểm tra cùng đoàn công tác. Theo đánh giá của vị lãnh đạo này, Nhà máy khai thác của An Phú còn rất nhiều điều đáng băn khoăn trong việc đảm bảo an toàn với môi trường. Điển hình là khu vực tuyển quặng là không có mái che, dẫn đến việc khi có mưa lớn, lượng nước lớn mà không thoát kịp dễ dẫn đến chảy ra ngoài môi trường.
“Trong buổi làm việc ngày 4/3, chúng tôi cũng đã kiến nghị nhà máy và các ngành chức năng phải xem xét các yếu tố này để đảm bảo an toàn cao nhất cho vấn đề môi trường,” ông Dũng nhấn mạnh.
Bản thân ông giám đốc Trần Trung Chính cũng thừa nhận với phóng viên, trong thiết kế ban đầu của công ty không hề có hạng mục mái che bãi quặng.
“Bây giờ thấy nguy hiểm rồi, bên mình đang mua bạt để chăng bãi quặng, khi mưa thì kéo ra. Ban đầu thiết kế mình tính toán lượng nước và bể thì không có cái bạt che”- Ông Chính nói.
Tạm đình chỉ công ty “bức tử” cá tôm
Ngay sau sự cố rò rỉ hóa chất gây ảnh hưởng tới đoạn suối dài tới 5km kéo dài qua nhiều xã của huyện Cao Phong hôm 4/7, phía An Phú đã đứng ra thừa nhận trách nhiệm. Sau khi tiến hành kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng đã tạm thời đình chỉ hoạt động của công ty này.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong cho biết: Sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng đã quyết định yêu cầu phía An Phú tạm dừng hoạt động để phối hợp giải quyết sự cố ngày 4/7 vừa qua.
[Dân bất lực nhìn cá chết trắng dọc đầu nguồn suối Màn]
Thực tế, theo ghi nhận của nhóm phóng viên ngày 7/7, hoạt động sản xuất khai thác của Công ty đã tạm dừng.
Khung cảnh đìu hiu bao trùm công ty An Phú, các bãi quặng lác đác vài công nhân làm việc lặt vặt, dọn vệ sinh. Theo ông Trần Trung Chính, giám đốc công ty, từ ngày gây ra sự cố xả thải, công ty đã bị đình chỉ tạm thời, tất cả hoạt động khai thác sản xuất đều phải ngưng, toàn bộ nhân công khai thác được cho nghỉ.
“Các hoạt động khai thác sản xuất chúng tôi đã tạm dừng, chỉ có vài mày hoạt động làm nhiệm vụ san gạt để tránh sự cố như vừa rồi, do mấy ngày nay mưa nhiều. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây kè quanh rãnh thoát nước và bắc cầu cho ô tô đi qua tránh tình trạng như vừa rồi”.
Hiện nay phía Công ty An Phú đang kết hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết vụ việc, đồng thời thỏa thuận với các hộ dân về mức đền bù.
Chia sẻ thêm về sự việc, ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong thành thật: “Cao phong là vùng đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu, đến nay mới có một nhà máy đồng, chúng tôi và người dân rất kỳ vọng nhà máy này sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa bàn, tuy nhiên rất đáng tiếc là mới vận hành thì công ty đã để xảy ra sự cố này.”
Tuy nhiên, Phó chủ tịch huyện cũng khẳng định: huyện Cao Phong kiên quyết can thiệp bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, không thiên vị công ty. Dù không có thẩm quyền xử phạt, nhưng trên quan điểm cá nhân, ông Dũng cho rằng, cơ quan chức năng sau khi hoàn tất hồ sơ sẽ đưa ra mức phạt hành chính nhằm răn đe và yêu cầu doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp để không ảnh hưởng đến môi trường, đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Câu hỏi dư luận đặt ra là tại sao một công trình với tổng mức đầu tư lên tới 110 tỷ đồng lại để xảy ra sự cố sau chỉ 4 tháng, nhất là trong giai đoạn vận hành thử 40% công suất? Cơ quan nào chịu trách nhiệm đánh giá, phê duyệt dự án để tồn tại những thiếu sót nghiêm trọng như không có mái che bãi quặng như trên thực tế?