Dùng điện thoại thông minh tố cáo buôn lậu động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Chen chân qua những ngõ nhỏ trong một khu chợ ngoại ô Bangkok, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người bán hàng rong đang bày bán những chiếc ngà voi được chạm khắc tinh tế, pín hổ sấy khô và những chai thuốc mật gấu, những sản phẩm từ các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, bị săn bắn và giết hại bất hợp pháp.

Những gói thuốc triết xuất từ mật gấu được bày bán tại Möng La, Shan, Myanmar, được sử dụng chữa nhiều loại bệnh trong y học Châu Á. (Ảnh: Dan Bennett)
Những gói thuốc triết xuất từ mật gấu được bày bán tại Möng La, Shan, Myanmar, được sử dụng chữa nhiều loại bệnh trong y học Châu Á. (Ảnh: Dan Bennett)

Được phát triển vào năm 2014 bởi vườn thú Taronga (Sydney) và mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC với sự hỗ trợ kinh phí từ Google Impact Challenge, ứng dụng Wildlife Witness cho phép bất kì ai sử dụng điện thoại thông minh thông báo ẩn danh một cách an toàn các hoạt động buôn bán động vật hoang dã như trên diễn ra trong khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay, phần mềm này đã có hơn 6.000 lượt tải về.

Dưới đây là cuộc trò chuyện với bà Belinda Fairbrother, nhà quản lý khu bảo tồn cộng đồng vườn thú Taronga, và ông Nisha Sabanayagam, nhân viên phòng giám sát và đánh giá phát triển chương trình của tổ chức TRAFFIC nhằm tìm hiểu thêm về ứng dụng này.

Ứng dụng hoạt động như thế nào?

Bà Fairbrother: Ứng dụng cho phép khách du lịch chụp ảnh, ghi âm lại dù địa điểm là một nhà hàng, nơi bày bán con vật đang còn sống, hay tại khu chợ nơi hành động buôn bán trái phép đang diễn ra. Khách du lịch có thể bổ sung thông tin định vị và càng nhiều mô tả càng tốt, ví dụ như đó là loài gì, có bao nhiêu người ở đó, hoặc bất cứ thông tin gì về giá cả hoặc việc bày bán. Ứng dụng sẽ tự động tạo báo cáo trong cơ sở dữ liệu.

Việc sử dụng công cụ này rất đơn giản. Một khi đã sử dụng một lần, rất nhiều người sẽ tiếp tục sử dụng nó, đặc biệt là nếu họ sống trong khu vực và sẵn sàng cung cấp thêm thông tin, hoặc ủng hộ các hoạt động vận động online. Chúng tôi có các nhóm xã hội online, như nhóm yêu bò sát chẳng hạn.

Người sử dụng phản hồi ra sao về ứng dụng?

Ứng dụng Wildlife Witness có thể sử dụng trong cả hệ điều hành Android và IOS. (Ảnh: Taronga Zoo)
Ứng dụng Wildlife Witness có thể sử dụng trong cả hệ điều hành Android và IOS. (Ảnh: Taronga Zoo)

Bà Fairbrother: Ứng dụng này khá được yêu thích. Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được nhiều đánh giá tích cực, cả trên trang ứng dụng và cả trong các câu chuyện phiếm. Điều này thật tuyệt vời!

Chúng tôi đang tìm cách cho mọi người thấy tác động mà những tố cáo của họ mang lại và hoàn cảnh của các loài đang bị đe dọa ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi cũng muốn phản hồi cho họ về những thay đổi cả trong hành pháp và lập pháp đang xảy ra và giúp họ hiểu được một cách toàn diện về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Mỗi quốc gia riêng lẻ có thể là một mắt xích còn thiếu trong bức tranh thông tin lớn hơn. Nhiều mẩu thông tin nhỏ có thể giúp xây dựng một bức tranh lớn, giúp chỉ điểm kẻ cầm đầu trong một đường dây buôn bán mới, hoặc phát hiện ra một đường dây buôn bán mới. Đó là thông điệp chúng tôi muốn mang đến cho công chúng. Đằng sau thông tin mà bạn gửi cho chúng tôi là cả một chuỗi hoạt động liên tiếp. Chỉ một chi tiết nhỏ cũng có thể cung cấp cho chúng tôi mối liên kết đến một bức tranh lớn hơn giúp giải quyết vấn đề buôn bán trong khu vực hoặc trên toàn cầu.

Ứng dụng đã có ảnh hưởng rõ rệt như thế nào và mang lại những thông tin cụ thể gì?

Bà Fairbrother: Vài năm trước, chưa có ai nghe nói đến loài thằn lằn không tai, một loài đặc hữu tại đảo Borneo. Sau đó, thằn lằn không tai bị săn lùng ráo riết trên thị trường bò sát. Thông qua hoạt động và báo cáo của tổ chức TRAFFIC, trong đó bao gồm báo cáo từ ứng dụng Wildlife Witness, một đánh giá nhanh đã được thực hiện nhằm xem xét các địa điểm xuất hiện thằn lằn không tai và các hoạt động buôn lậu quốc tế đưa thằn lằn không tai ra các thị trường trong nước Đức và trên khắp châu Âu. Đánh giá cho thấy, trong một khoảng thời gian ngắn, một loài vốn chưa từng được biết đến nay đã được mua bán đặc biệt rộng rãi trên mạng, và luôn sẵn có tại châu Âu.

Thằn lằn không tai xuất hiện tại phía bắc đảo Borne, có chiều dài khoảng 8 inch, mầu nâu, không có tai và là động vật lưỡng cư. (Ảnh: Kulbelbolka)
Thằn lằn không tai xuất hiện tại phía bắc đảo Borne, có chiều dài khoảng 8 inch, mầu nâu, không có tai và là động vật lưỡng cư. (Ảnh: Kulbelbolka)

Điều ngạc nhiên tiếp theo là các hoạt động buôn lậu được báo cáo tại những nơi chưa hề biết đến từng có buôn lậu diễn ra. Các loài bị buôn lậu được đưa lên bản đồ với các thông tin liên quan, nhờ đó, các cơ quan hành pháp biết được họ cần tìm kiếm những gì và chúng đáng giá bao nhiêu trên thị trường.

Đây là một tình huống nghiên cứu hấp dẫn bởi không phải là hổ, sư tử, tê giác hay voi – những loài vốn được buôn bán rộng rãi, nhưng vẫn là loài đang thực sự bị đe dọa bởi hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ các cơ quan pháp luật bằng cách cung cấp cho họ thông tin đáng tin cậy thông qua tổ chức TRAFFIC. Điều thú vị hơn cả là những thông tin này có thể ghép vào thành một bức tranh lớn hơn.

Có ứng dụng thay thế nào khác cho ứng dụng này hay không? So với những ứng dụng khác thì ưu nhược điểm của ứng dụng này là gì?

Ông Sabanayagam: Một số ứng dụng khác cũng có thể thực hiện những điều tương tự. Có một ứng dụng giúp báo cáo tội phạm động vật hoang dã ở Việt Nam nhưng chỉ có tại Việt Nam và sử dụng ngôn ngữ địa phương. Ở hầu hết các quốc gia có Cục bảo vệ động vật hoang dã hoặc Bộ tài nguyên môi trường, sẽ có một đường dây nóng tiếp nhận tố cáo.

Tổ chức TRAFFIC bắt đầu hoạt động từ những năm 1970, và có gần 20 năm làm việc tại Malaysia và Đông Nam Á. Điểm mạnh lớn nhất của TRAFFIC là sở hữu các cơ sở dữ liệu phụ trợ, giúp kết nối tất cả các báo cáo với nhau. Các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp diễn ra hàng ngày với số lượng buôn bán cực lớn.

Lượng thông tin về những vụ việc như vậy là rất lớn, nên việc củng cố và làm rõ ý nghĩa những thông tin trên là rất quan trọng, để những gì bạn báo cáo cho chúng tôi không bị bỏ qua. Các thông tin đó sẽ được gửi cho cơ quan pháp luật và giữ trong cơ sở dữ liệu, từ đó được kết nối với nhau và xây dựng thành một bức tranh lớn hơn. Sau đó, các bức tranh lớn hơn lại được gửi cho các cơ quan pháp luật. Với những thông tin đầy đủ và bằng chứng rõ ràng, chúng tôi có thể dễ dàng trao đổi với các nhà lập pháp và vận động thay đổi pháp luật nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ứng dụng này đã tạo ra ích lợi lớn hơn cho chúng tôi như vậy.

Khách du lịch có thể ghé thăm rất nhiều thị trường buôn lậu động vật hoang dã, như hình ảnh trên đây tại Myanmar. (Ảnh: Dan Bennett)
Khách du lịch có thể ghé thăm rất nhiều thị trường buôn lậu động vật hoang dã, như hình ảnh trên đây tại Myanmar. (Ảnh: Dan Bennett)

Bà Fairbrother: Vai trò nổi bật của Wildlife Witness là có thể tiếp cận thị trường toàn cầu. Bất kỳ khách du lịch nào cũng có thể dễ dàng sử dụng ứng dụng này. Họ không cần tìm hiểu các số điện thoại đường dây nóng ở địa phương và xem họ sẽ làm những gì ở một đất nước mà họ không hiểu rõ về những ý nghĩa văn hoá hoặc các cơ quan pháp luật.

Wildlife Witness có thể được cải thiện như thế nào?

Bà Fairbrother: Hiện tại, chúng tôi đang tập trung thử nghiệm tại khu vực Đông Nam Á để đảm bảo ứng dụng này hoạt động tốt. Tôi rất mong muốn ứng dụng có thể sử dụng được ở bất cứ địa điểm nào, có nghĩa bất cứ khi nào bạn nhìn thấy động vật hoang dã bị buôn bán, bạn chắc chắn có thể làm được điều gì đó.

Sự cải thiện chính yếu cần thiết là ứng dụng có thể được sử dụng ở những vị trí địa lý khác nhau. Điều này sẽ được thực hiện thông qua các quan hệ đối tác. Hiện nay chúng tôi đã phát triển quan hệ đối tác với vườn thú San Diego Zoo Global tại Mỹ và vườn thú Chester Zoo tại Anh Quốc nhằm tăng cường hiểu biết của cả khách du lịch đến Đông Nam Á và người dân địa phương trong khu vực này.

Ông Sabanayagam: Một cải tiến khác, đặc biệt ở trong khu vực Đông Nam Á và đương nhiên cả các nước ngoài khu vực Đông Nam Á, là việc sử dụng ngôn ngữ. Hiện nay ứng dụng này sử dụng tiếng Anh. Chúng tôi đang thiết lập thêm giao diện tiếng địa phương ở Indonesia và Thái Lan và mở rộng ra các vùng khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam – một điểm nóng khác trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Tê tê, loài động vật bị săn bắt và buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới để lấy vẩy và thịt. (Ảnh: Taronga Zoo)
Tê tê, loài động vật bị săn bắt và buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới để lấy vẩy và thịt. (Ảnh: Taronga Zoo)

Ứng dụng này có mối liên hệ như thế nào với sự chung tay của cộng đồng nhằm thúc đẩy thực thi pháp luật về động vật hoang dã?

Ông Sabanayagam: Thứ nhất, nếu bạn nhìn thấy một điều gì đó, hãy lên tiếng. Thứ hai, cần giáo dục người tiêu dùng về việc buôn bán động vật hoang dã trái phép nói chung, cho dù họ mua bất kỳ sản phẩm gì có liên hệ trực tiếp đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Điều tiếp theo chúng tôi sẽ khám phá cùng với các vườn thú là làm cách nào kêu gọi chống lại buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu thông qua các hành động online. Đó có thể là chiến dịch tuyên truyền về những hành động  có thể làm trong cuộc sống hàng ngày nhằm đảm bảo không có sản phẩm nào bạn sử dụng hoặc mua có liên quan trực tiếp đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Chính những sáng kiến của cộng đồng sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc tìm ra phương pháp hành động.

Một người bán hàng rong đang rao bán các loại thuốc cổ truyền từ vuốt hổ, pín hổ và sừng dê tại Trung Quốc. (Ảnh: Alpha)
Một người bán hàng rong đang rao bán các loại thuốc cổ truyền từ vuốt hổ, pín hổ và sừng dê tại Trung Quốc. (Ảnh: Alpha)

Wildlife Witness có tầm quan trọng như thế nào?

Bà Fairbrother: Đây là lần đầu tiên người dân được cung cấp một công cụ đơn giản để giải quyết một vấn đề quan trọng như buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ứng dụng này có thể mang lại sức mạnh thực sự nếu mỗi du khách đến thăm khu vực Đông Nam Á đều sử dụng, đem lại các dữ liệu giúp triệt phá mạng lưới tội phạm và cản trở hoạt động buôn bán. Ứng dụng sẽ đảm bảo mọi người đều có thể theo dõi động vật hoang dã khi họ đang đi du lịch.

Mặc dù sở hữu vẻ ngoài vô hại nhưng loài culi này là linh trưởng duy nhất có nọc độc. Chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thị trường thú nuôi độc và lạ. (Ảnh: Taronga Zoo)
Mặc dù sở hữu vẻ ngoài vô hại nhưng loài culi này là linh trưởng duy nhất có nọc độc. Chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thị trường thú nuôi độc và lạ. (Ảnh: Taronga Zoo)

Ông Sabanayagam: Tất cả các thông tin đều đóng góp cho nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức TRAFFIC và các sở thú, đồng thời cũng được sử dụng bởi các tổ chức bảo tồn khác. Một trong những điều đặc biệt nhất về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là tất cả chúng ta đều biết điều đó đang xảy ra nhưng đôi khi không bao giờ thực sự hiểu về nó. Đem đến một công cụ mà mọi người đều có thể sử dụng giúp chúng tôi có được nhiều dữ liệu hơn và tăng cường sức thuyết phục của các nghiên cứu. Quan trọng nhất là, Wildlife Witness giúp chúng tôi theo dõi việc buôn bán và xác định xu hướng. Khi bạn có nhiều thông tin tốt hơn, việc xác định chính xác lĩnh vực đáng để tập trung cũng dễ dàng hơn và có những can thiệp thực sự bền vững hơn. Với nguồn tài chính còn hạn chế, cần phải đầu tư thích hợp để đạt được hiệu quả tối đa.