ThienNhien.Net – Phóng viên Báo Hải quan trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội về vấn đề này.
Thưa ông, những chất phenol, cyanua hiện đang có trong nước biển tại 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế trong thời gian bao lâu có thể phân hủy được?
Chất phenol, cyanua có trong nước biển tại 4 tỉnh miền Trung sẽ rất khó tự phân hủy, bởi vì đó không phải chất hữu cơ có nguồn gốc thực phẩm. Đây là các chất cực độc và việc xử lý rất khó khăn. Do vậy, chỉ có thể chờ thời gian những chất này phát tán theo dòng hải lưu trôi đi và được pha loãng dần cho đến khi hàm lượng của chúng ở ngưỡng an toàn cho phép. Lúc ấy mới có thể nói nước biển không còn nguy cơ độc hại bởi những chất này.
Trong quá trình chất cyanua tồn tại trong nước biển ở nồng độ cao đã hủy hoại hệ sinh vật thủy sinh rất đa dạng ở biển bao gồm cả hệ thực vật và hệ động vật. Cyanua đã biến vùng biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế gần như trở thành “vùng trắng” nên khả năng phục hồi hệ sinh vật biển rất chậm. Đặc biệt, những rạn san hô nếu đã bị chết thì sẽ rất khó khăn để tái tạo lại, bởi lẽ san hô là một loài khu trú tại chỗ, không tự di trú, vì thế phải cần thời gian rất dài, rạn san hô mới có thể dần dần khôi phục. Rạn san hô có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc sinh tồn của sinh vật biển vì đó là nơi cư trú và cung cấp thức ăn cho nhiều loài động thực vật biển. Trong khi đó những loài thủy sản biết bơi như cá, tôm… từ nơi khác có thể di chuyển theo dòng hải lưu đển vùng biển miền Trung nhưng điều này cũng không thể nhanh chóng vì những động thực vật di trú cần có thời gian để thích ứng với vùng sinh thái mới.
Nói tóm lại, sự ô nhiễm phenol và cyana đã gây tổn thất rất nặng nề về kinh tế và về sự an toàn sức khỏe cho cư dân ven biển của 4 tỉnh miền Trung. Nếu chúng ta thực sự có chương trình kiểm soát chặt chẽ môi trường biển và không để xảy ra hiện tượng xả thải chất độc hại như thời gian vừa qua thì vùng biển sẽ dần dần trở lại bình an.
Nhưng hiện nay, vẫn còn những loài thủy sản sống trong vùng bị ô nhiễm, vậy khi con người ăn phải những thủy sản được đánh bắt trong vùng ô nhiễm này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không, thưa ông?
Trước tiên, phải khẳng định rằng nếu môi trường biển không tiếp tục bị ô nhiễm như vừa qua nữa và thì nước biển dần dần sẽ sạch trở lại mặc dù điều đó không phải có được trong ngày một ngày hai.
Tuy nhiên, đến nay chưa có một nghiện cứu đánh giá về thực trạng về mức độ nhiễm độc của thủy sản biển sau vụ cá chết hàng loạt. Chúng ta chỉ mới thống kê được một phần số lượng cá đã chết mà người dân thu gom được, chủ yếu là những loại cá to chết nổi lên mặt nước và dạt vào bờ, còn phần lớn cá nhỏ, tôm, nhuyễn thể, san hô đã bị chết chìm dưới đáy biển. Ngay cả hệ thực vật và tảo biển cũng có thể chết nhưng không thể thống kê được. Những sinh vật đã và đang chết chìm dưới đáy biển khi bị phân hủy cũng gây ô nhiễm môi trường và chất độc cyanua vì thế vẫn còn tồn dư trong nước biển.
Như vậy, trong tương lai môi trường nước biển có thể trong sạch trở lại nếu không tiếp tục xả thải và không bị gây ô nhiễm. Nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt kiểm soát vấn đề này và lại tiếp tục các dự án khác có nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường biển như đã từng xảy ra thì sớm muộn chúng ta sẽ có bờ biển chết.
Ngoài những con cá chết đã được thu gom và xử lý, vẫn còn những con cá trúng độc nhưng chưa đến mức bị chết và trong cơ thể của chúng vẫn tồn dư một lượng cyanua nhất định. Hiển nhiên, khi ăn những con cá nhiễm cyanua, con người sẽ bị nhiễm độc. Cyanua là chất độc có tác động rất mạnh vào hệ hô hấp và hệ thần kinh gây nhiễm độc cấp tính. Hiện nay, nếu biển không tiếp tục bị ô nhiễm thì hàm lượng cyanua trong nước biển sẽ giảm dần theo thời gian và dư lượng cyanua trong thủy sản cũng vì thế mà giảm dần và nguy cơ con người bị nhiễm độc cyanua sẽ giảm dần. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ đến thời điểm nào thì dư lượng cyanua trong thủy sản và trong nước biển sẽ xuống thấp hơn mức an toàn cho phép để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đến nay thực sự chưa có câu trả lời rõ ràng và cũng chưa có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm trả lời cho người dân về vấn đề này. Và việc tiêu dùng thủy sản biển trong vùng 4 tỉnh miền Trung vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài nguồn nước xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, những nguồn xả thải khác của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa có gây ô nhiễm môi trường không, thưa ông?
Hiện nay các cơ quan chức năng mới tìm ra cyanua và phenol gây ô nhiễm môi trường biển do nguồn nước thải của Formosa nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ vì đối với nhà máy luyện thép bao giờ cũng có 3 nguồn xả thải gây nguy hiểm cho môi trường bao gồm: nước thải, chất thải rắn và khí thải.
Đối với chất thải rắn, quá trình sản xuất thép từ quặng sắt bao giờ cũng thải ra một khối lượng rất lớn xỉ lò cao. Ngoài cyanua trong xỉ còn chứa rất nhiều chất độc hại khác, đặc biệt là kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi và chất phi kim như asen. Khối lượng khổng lồ xỉ lò cao sẽ gây ô nhiễm mặt đất và vùng đất chứa xỉ lò cao coi là vùng đất chết vì các loài thực vật và động vật rất khó sống và phát triển. Ngoài ra, nước mưa sẽ rửa trôi các chất độc hại có trong đất và chảy ra sông, hồ gây ô nhiễm nguồn nước.
Đối với chất thải khí, trong quá trình luyện thép, cũng tạo ra khối lượng lớn khí thải. Khí thải từ lò luyện cốc, từ lò cao luyện thép và từ lò đốt của các nồi hơi công suất lớn …. Khí thải chứa các hợp chất có lưu huỳnh, phốt pho, axit xyanhydric (các dạng muối của nó là cyanua), CO, bụi và những chất độc hại khác. Phenol chỉ là một trong nhiều chất độc hại bị thải ra môi trường.
Khí thải có chứa các chất độc hại cùng phenol sẽ lan tỏa theo các hướng trong không gian theo chiều gió, lơ lửng trong không khí là nguy cơ nhiễm độc môi trường khí, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống của người dân và các loài động vật, thực vật sống xung quanh, đồng thời khi gặp mưa sẽ ngưng tụ và rơi xuống đất. Điều đáng nói, một số vùng, người dân vẫn có thói quen sử dụng nước mưa trong sinh hoạt, điều này có thể sẽ là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh nguy hiểm cho con người.
Những thông tin gần đây cho thấy, những vùng xung quanh nhà máy thép của Formosa ở phía nam đảo Đài Loan đã có số người mắc bệnh ung thư tăng lên đến mức đáng báo động và là một bài học để Việt Nam sớm có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ những nguy cơ xấu do Formosa có thể gây ra.
Quan điểm của chúng ta là phải đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nhưng cũng phải kiên quyết yêu cầu họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đảm bảo môi trường an toàn.
Do đó, người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt chẽ tất cả nguồn xả thải gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa. Nếu không kiểm soát tốt, trong tương lai, vùng Vũng Áng Hà Tĩnh sẽ có nguy cơ trở thành vùng đất chết và người dân khu vực này sẽ mắc các bệnh hiểm nghèo có liên quan đến tất cả các chất thải công ty này.
Xin cảm ơn ông!