Kỳ 2: Những lỗ hổng trong quản lý
ThienNhien.Net – Việc thiếu những chế tài và biện pháp quản lý, kiểm soát chặt lĩnh vực khai thác vàng và thu thuế thời gian qua đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, khiến nguồn tài nguyên quý hiếm này vẫn tiếp tục đội nón ra đi, chỉ có hậu quả để lại rất lâu dài cho vùng đất giàu khoáng sản này.
“Chảy máu” khoáng sản vàng ở Quảng Nam: Vừa mất tài nguyên vừa thất thoát ngân sách – Kỳ 1
Không kiểm soát được sản lượng
Theo ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam – trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là khai thác vàng, nhưng nguồn thu ngân sách từ đây rất ít. Nguyên nhân chính dẫn đến thất thu thuế khoáng sản là do cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng để nộp thuế. Việc này đã vô tình “giúp” doanh nghiệp báo cáo giảm sản lượng trên hồ sơ so với khai thác thực tế để né, trốn thuế phí, khiến thất thu thuế. “Đây là lỗ hổng lớn nhất, gây khó cho ngành thuế trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực của doanh nghiệp để tính thuế. Dù ngành thuế có thanh tra nhưng cũng chỉ dựa trên hồ sơ, không thể biết số liệu khai của doanh nghiệp có đúng không” – ông Bốn nói.
Nhiều Cty được cấp phép khai thác khoáng sản thời gian dài qua đã báo cáo khai thác không được 10% trữ lượng, với lý do là trữ lượng thấp hơn dự báo, hoặc không khai thác đủ diện tích. Và dù nộp thuế rất ít hoặc thường xuyên báo lỗ, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra, đầu tư nhiều cơ sở mới và vẫn… tiếp tục xin gia hạn giấy phép. Theo ông Bốn: “Có doanh nghiệp trong giấy phép được cấp trữ lượng 30kg vàng nhưng đến khi hết phép báo cáo chỉ thu được 0,8kg vàng, đến khi thanh tra thuế kiểm tra lên được 1,7kg vàng. Qua đó có thể thấy tỉ lệ thất thu thuế là rất lớn. Những năm qua, tài nguyên khoáng sản đã bị doanh nghiệp tận thu quá nhiều, trong khi nguồn thu thuế chẳng được bao nhiêu. Khoáng sản là tài sản quốc gia, nếu không thu được thuế thì cứ để lại mỏ cho thế hệ sau khai thác hiệu quả hơn”.
Ông Nguyễn Viễn – GĐ Sở TNMT Quảng Nam – cho biết, một số loại khoáng sản, Nhà nước không quản lý hết được, cũng không có điều kiện kiểm tra, kiểm soát được sản lượng thực khai thác. Nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép thì quá trình sản xuất kinh doanh không mang lại nguồn thu lớn lắm, vì thế tỉnh có chủ trương không gia hạn gấy phép cho những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Sở cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh là có cơ chế đưa thuế phí theo trữ lượng và đấu thầu mỏ, không phải là khoán thuế mà khoán trữ lượng, để chống thất thoát.
Lập lại trật tự
Trong thời gian qua, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo lực lượng liên ngành truy quét, đẩy đuổi quyết liệt và UBND các huyện đã chốt giữ tại các điểm nóng. Thế nhưng, do địa hình rừng núi phức tạp nên việc truy quét gặp rất nhiều khó khăn. “Bên cạnh đó, do điều kiện địa phương lạc hậu, năng lực quản lý không cao nên việc quản lý tại địa bàn còn hạn chế, và cũng không loại trừ một số địa phương vì áp lực thu ngân sách nên làm ngơ cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Chính vì thế, sau khi đoàn liên ngành đi kiểm tra theo chiến dịch xong, thì đâu lại vào đấy, không làm dứt điểm được” – ông Viễn nói. Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh – thừa nhận, tình trạng khai thác khoáng sản còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương và tạo dư luận không tốt. Các đơn vị có giấy phép, sản lượng khoáng sản thực tế khai thác chưa kiểm soát được, nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài, không nộp thuế. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn nhiều tồn tại, một số địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho khoáng tặc, dẫn đến thất thoát tài nguyên, mất rừng, mất đất sản xuất, môi trường bị hủy hoại, thất thu ngân sách và giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền địa phương.
UBND tỉnh này cũng vừa đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đảm bảo nguồn thu. Theo ông Thu, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ hạn chế việc cấp phép mới khai thác khoáng sản và không tiếp nhận hồ sơ khi chưa có kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp gia hạn chỉ được xem xét giải quyết khi đơn vị đã chấp hành đúng trách nhiệm, nghĩa vụ. Thay vào đó, sẽ tập trung toàn lực cho công tác rà soát, kiểm tra để phục vụ cho việc lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khoảng sản. Riêng đối với Cty vàng Phước Sơn, UBND tỉnh yêu cầu Sở TNMT lập đoàn kiểm tra việc quản lý, hoạt động hiện nay để đề xuất các giải pháp cụ thể, rà soát tất cả các cam kết, phương án thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, trường hợp không đáp ứng được yêu cầu thì đề xuất quyết định thu hồi. Còn với Cty vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động vì hết phép.
Tuy vậy, với “tiền sử” mất kiểm soát kéo dài hàng chục năm qua, Quảng Nam cần những giải pháp mạnh hơn và hiệu quả mới mong lập lại trật tự trên lĩnh vực này.