ThienNhien.Net – Đó là vấn đề cốt lõi được đề cập đến trong hầu hết báo cáo tham luận của các nhà khoa học trình bày tại hội thảo “Giải pháp xanh hướng tới kinh tế xanh”, do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), thông qua chương trình “Rừng ngập mặn cho tương lai”, phối hợp với Viện Tài nguyên và môi trường biển Việt Nam, Viện hải dương học Nha Trang tổ chức ngày 8/7.
Chúng ta đã và đang chứng kiến những thay đổi quan trọng của môi trường biển dưới tác động của cả tự nhiên và con người. Đó là các tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương với các biểu hiện “cực đoan” như gia tăng bão biển, lũ lụt vùng ven biển, nước biển dâng, axit hóa nước biển, ô nhiễm và các sự cố môi trường… xảy ra dầy hơn, khốc liệt hơn và bất quy luật. Quá trình phát triển kinh tế biển và thái độ ứng xử của con người với các hành vi hủy hoại môi trường đã làm suy thoái tài nguyên biển, đặc biệt là sự suy thoái và mất dần các hệ sinh thái biển, ven biển… Ngoài ra, hoạt động khai thác hải sản mang tính hủy diệt của con người trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy thoái hệ sinh thái và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, phân tích: “Hệ lụy là nguồn vốn tự nhiên biển và trữ lượng hải sản khu vực quần đảo Trường Sa và phía tây Biển Đông giảm khoảng 16% so với trước năm 2010. Việc tiêu diệt các quần thể trai tai tượng ở các bãi cạn trong các quần đảo ở Biển Đông cộng với khai thác khối lượng lớn các loại vỏ sinh vật từ bề mặt bãi cạn này dẫn tới “nhiễu loạn sinh thái” kéo dài, tiêu diệt nhiều loài sinh vật đáy,…”
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã thảo luận những bài học kinh nghiệm về giải pháp xanh trong công tác bảo vệ môi trường biển, tài nguyên biển tại Việt Nam, như nuôi trồng thủy sản đa canh kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn tại Bến Tre, Trà Vinh; áp dụng chi trả dịch vụ môi trường tại các tỉnh duyên hải miền Trung, sử dụng đèn led trong đánh bắt thủy sản ở Ninh Thuận, lặn thân thiện với môi trường ở Nha Trang, mô hình đồng quản lý nuôi sò ở Bình Thuận… Đặc biệt, chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) là một sáng kiến dựa trên hợp tác khu vực nhằm đầu tư vào hệ sinh thái vùng bờ và phát triển bền vững. Thời gian đầu, sáng kiến bao gồm 6 nước thành viên tại châu Á, sau đó đã mở rộng lên 11 thành viên, trong đó có Việt Nam.
Sáng kiến chọn rừng ngập mặn làm hệ sinh thái tiên phong ghi nhận tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc giảm thiểu tác động của thảm họa sóng thần Ấn Độ dương năm 2004, cũng như các tác động tiêu cực do suy thoái rừng ngập mặn gây ra đối với sinh kế người dân ven biển. Trong thực tế, MFF cũng quan tâm đến toàn bộ các hệ sinh thái ven biển, bao gồm rặng san hô, cửa sông, đầm phá, đất ngập nước, bãi biển và thảm có biển.