ThienNhien.Net – Người Việt có câu “rừng vàng” để khẳng định tác dụng to lớn, nhiều mặt của rừng. Cũng vì thế, bảo vệ rừng trở thành nguyên tắc, là trách nhiệm của mỗi công dân, tổ chức; nhất là đối với hệ thống cơ quan quản lý các cấp. Nhưng, thực tế công tác bảo vệ vốn quý này lại không diễn ra như mong muốn của cộng đồng, diễn biến phức tạp và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, địa phương nghiêm túc thực hiện việc đóng cửa rừng; điều tra để xử lý đối tượng xâm hại, chặt phá rừng cũng như hành động dung túng nạn phá rừng. Đây là hiệu lệnh mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ, cũng là trách nhiệm của thế hệ đương thời với thế hệ hậu sinh và cộng đồng đang tin tưởng là từ nay rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Song, không thể phủ nhận tâm lý xã hội như một sự nuối tiếc vì đáng lẽ vấn đề này phải được đề cập, xử lý triệt để từ lâu rồi. Người dân rất bức xúc trước hình ảnh được báo chí công bố với những chiếc xe máy, ô tô ngang nhiên chở gỗ ra khỏi rừng; thậm chí trong đó không ít chủ xe còn có cả giấy “thông hành” do cơ quan quản lý xác nhận, cho phép… Dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao chủ rừng, hoặc đại diện địa phương ngang nhiên trả lời là “không biết” hoặc tỏ ra lơ mơ khi bị dư luận, truyền thông chất vấn?
Chuyện phá rừng đã diễn ra từ lâu, gây hậu họa to lớn và không thể liệt kê, đánh giá hết. Xã hội và con người đã phải trả giá, chịu hậu quả nặng nề để những kẻ vi phạm hưởng lợi. Nếu việc quản lý rừng không được thiết lập một cách nghiêm túc, triệt để thì nạn phá rừng sẽ còn diễn ra… Bao giờ rừng thôi “chảy máu”? Câu hỏi đang rất cần lời giải đáp từ các nhà quản lý.