ThienNhien.Net – Nhìn người dân nghèo U Minh Hạ, Nguyễn Quốc Việt không thể chịu được và tìm mọi cách để người dân khá lên trên mảnh đất khó khăn này. Anh là người tiên phong đưa cây keo lai vào đất rừng U Minh Hạ. Hậu quả của việc làm này, anh bị kiểm điểm và mất chức Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau. Hơn 10 năm sau, ở cương vị Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, anh xua tay khi tôi nhắc lại chuyện cũ.
Cố giữ rừng, vẫn mất
Với những bất hợp lý về chính sách được áp lên thân phận của người dân U Minh Hạ như vậy, lẽ dĩ nhiên là người dân không thể yêu rừng. Một khi không còn yêu nữa thì chuyện hục hặc dẫn đến chia tay là điều tất yếu. Mối tình giữa dân với rừng sớm rạn nứt và đi đến tiêu cực. Năm 2001, hàng loạt người dân tại huyện U Minh đốn rừng tràm để lấy đất trồng lúa, nuôi tôm. Huyện khởi tố, rồi truy tố ra tòa, người dân nhận vài tháng tù giam rồi về sinh sống trên đất đã không còn tràm. Hậu quả của việc ở tù mấy tháng đã rõ, nhưng hiệu quả của việc làm sai trái của họ lại đem đến thu nhập đáng kể cho gia đình.
Một cuộc khảo sát, đánh giá của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Cà Mau năm 2007 cho thấy, sau 4 năm thực hiện đề án đổi mới tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Cà Mau (Đề án 24), chẳng những diện tích rừng không tăng thêm mà mất đi đến 8.000 ha. Kết quả trồng mới không đủ bù đắp cho việc khai thác, cây chết, cháy rừng, phá rừng và chuyển mục đích sử dụng đất… Kết luận đánh giá: “Mặc dù có nguyên nhân cụ thể, song diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, không đạt mục tiêu ổn định và phát triển vốn rừng theo Đề án 24 là vấn đề cần được các cơ quan chức năng và UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hữu hiệu trong quản lý, điều hành để phấn đấu trong những năm tới, hiện thực hóa mục tiêu nói trên”.
Là người con của mảnh đất Thới Bình, Cà Mau, Nguyễn Quốc Việt biết hết, hiểu hết những nỗi khổ của người dân ở U Minh Hạ nên anh có những việc làm táo bạo. Ngay khi còn làm Chủ tịch UBND huyện, trước sức ép mặn – ngọt, chính anh là người chỉ đạo để người dân đắp đập 2 lớp. Nghĩa là đắp không cao, chỉ nhỉnh hơn mực nước một chút, để khi con nước lớn thì tràn qua đập. Có nước, dân nuôi tôm. Nhắc lại chuyện này, anh cười: “Lúc đó căng thẳng lắm, tỉnh chỉ đạo phải kiên quyết giữ ngọt, trong khi dân đang thèm nước mặn để nuôi tôm. Mình theo ai cũng khổ, theo dân là đúng”.
Hiện tại, anh là Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhưng nhắc lại chuyện đất rừng U Minh Hạ lúc bấy giờ anh xua tay: “Nhắc làm gì chuyện buồn của ngày hôm qua, bỏ đi em”. Nói vậy, chớ ai cũng biết, anh khắc khoải với vùng đất này, tâm huyết với vùng đất này, trăn trở, đau buồn khi người dân U Minh Hạ sao cứ mãi nghèo. Gần 20 năm trước, khi còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chính anh là người đầu tiên đem cây keo lai về trồng trên đất U Minh Hạ. Chuyện “động trời” này đã vô tình “động chạm” đến nhiều người. Người ta cho rằng, nhắc đến U Minh là nhắc đến cây tràm, “U Minh bốn bề là tràm” mà. Vì vậy, cây keo lai vào đây sẽ mất rừng tràm, mất U Minh. Những quy kết cộng với tính tình quá thẳng của anh khiến anh phải rời Cà Mau. Sau 10 năm, những cánh rừng keo lai “lén lút” ngày nào đã thu về bạc tỉ cho người trồng. Cái tên Việt “keo lai” được gắn cho anh một cách trìu mến.
Lung linh miền đất khó
Nhờ vào việc HĐND chính thức bỏ đề án sắp xếp dân cư dưới tán rừng tràm chuyển thành hình thức khác, người dân U Minh đã được cởi trói rất nhiều. Ông Hai Huỳnh bây giờ đã được cấp sổ chủ quyền (sổ xanh). Từ cuốn sổ này, ông có quyền canh tác trên mảnh đất của mình, hoặc liên danh liên kết với các tổ chức, cá nhân khác.
Các lâm ngư trường được giải tán, những “lãnh chúa” U Minh Hạ đã lùi vào quá khứ đau thương của một vùng đất. Thay vào đó là Cty TNHH MTV U Minh Hạ quản lý theo quy định. Ông Trần Văn Hiếu nhớ lại: “Lúc đầu mới thành lập, Cty gặp muôn vàn khó khăn do lịch sử để lại, do chưa có mô hình phát triển rừng và do… mình quá nôn nóng nên dân phản ứng dữ. Bây giờ, đâu đã vào đấy rồi, người dân ở đâu, ở đó, họ có cơ hội được làm chủ trên mảnh đất của mình”. Chuyện nóng vội của ông giám đốc Hiếu vừa kể là những quy định khai thác rừng theo lịch phòng chống cháy rừng. Nghĩa là vào mùa khô không được khai thác. Điều này có từ hàng chục năm nay khiến người dân có rừng tràm, có sản phẩm nhưng không thể làm chủ được sản phẩm do mình làm ra. Tình trạng mùa mưa khai thác ồ ạt nhưng lại không phải mùa xây dựng, nên tràm giảm giá; mùa khô thị trường cần tràm, Cty lại không cho khai thác. Và những bất cập trong việc dự toán phương án ăn chia theo liên danh liên kết mới… Thấy được điều này, Cty rà soát lại những quy định “trời ơi” trước đây để bãi bỏ.
Cty quản lý trên 7.300 ha rừng kinh tế, chủ yếu trồng tràm theo mô hình thâm canh. Giá trị kinh tế cây tràm hiện tại rất cao, sau 5 năm khai thác bán gần 100 triệu đồng. Toàn bộ cán bộ nhân viên của Cty có thu nhập ổn định. Ông Hiếu là người nổi tiếng “kỹ lưỡng” trong chi tiêu, nên tự mình mua máy cẩu, máy xúc về bắt nhân viên làm cho Cty, còn thời gian thì làm thuê cho các doanh nghiệp trong vùng. Chỉ chưa đến 2 năm, Cty đã thu hồi vốn, bây giờ trong thời gian hoạt động có lãi. Chính vì vậy, thu nhập bình quân của nhân viên Cty trên 8 triệu đồng người/tháng. Nói về những khó khăn của người dân trong vùng, ông Hiếu trăn trở: “Hiện tại, Cty tạo môi trường tốt cho người lao động ở địa phương. Ai không có nghề vào rừng khai thác mỗi ngày cũng được gần 200.000 đồng, còn phụ nữ có thể vào vườn ươm cũng trên 150.000 đồng/ngày. Tôi nghĩ, nếu chịu khó lao động, người dân ở mảnh đất này vẫn sống được”.
Trăn trở miền đất khó
Cuộc thử nghiệm cây keo lai trên đất U Minh Hạ đã khiến người đưa ra ý tưởng phải ra đi, nhưng giàu có và một hướng đi mới cho người dân U Minh thì ở lại. Những cánh rừng keo lai lén lút đã đem về bạc tỉ cho người trồng. Cũng năm 2005, hàng loạt doanh nghiệp làm đơn xin được cấp đất rừng trồng keo lai. Đầu tiên chỉ vài chục hécta, rồi hàng trăm hécta được trồng cây ngoại lai này. Thấy được điểm sáng của cây rừng keo lai, ông Châu Quốc Khải – một doanh nghiệp lớn ở Cà Mau chuyên về thủy lợi và xây dựng – đã tập trung mọi nguồn lực và trí lực vào việc phát triển rừng, trồng cây keo lai. Ông gần như bỏ hẳn công việc khác để tập trung vào rừng U Minh Hạ. Thay vì chỉ thuê đất trồng keo lai, ông lập thêm Cty TNHH gỗ Cà Mau, xây dựng nhà máy gỗ với tổng mức đầu tư trên 200 tỉ đồng. Thấy đất bờ bao còn nhiều, ông lại ươm chuối cấy mô để trồng với quy mô lớn và có ý định thành lập Cty chuối xuất khẩu tại Cà Mau.
Ông tính toán: “Hiện nay, diện tích keo tại Cà Mau không ngừng tăng lên. Vài năm tới sẽ tới 10.000 ha, với diện tích này, lượng gỗ sẽ khó tiêu thụ được. Tôi mở nhà máy chế biến gỗ nhằm mục đích tiêu thụ nguồn keo lai tại đây và cũng nhằm mục đích nâng cao chuỗi giá trị cho cây keo lai cho doanh nghiệp của mình. Sản phẩm gỗ của doanh nghiệp được trực tiếp xuất khẩu sang nước ngoài, các sản phẩm gỗ dâm, cành, nhánh… chúng tôi thu mua để làm ván ép. Nói chung, cây keo lai sau thu hoạch đều được chúng tôi thu mua hết”.
Doanh nghiệp Sông Tiền, Tuyết Sơn đến từ TP.HCM, Cần Thơ đã thu hoạch đợt đầu keo lai trồng trước đây. Bước đầu, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Cà Mau là khá hiệu quả. Dù doanh nghiệp chưa hoàn vốn, nhưng cây keo lai hứa hẹn đem đến đổi thay của vùng đất U Minh Hạ.
Tuy vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, cây keo lai nếu không có kỹ thuật chăm sóc tốt sẽ bị sâu đục thân, dễ bị chuột phá nếu trồng không tập trung. Người dân có diện tích ít rất khó trồng keo lai có hiệu quả.
Doanh nghiệp làm ăn khấm khá, đời sống người dân từng bước nâng lên nên đường về U Minh Hạ bây giờ rộng hơn, thông thoáng hơn. Những chính sách an sinh xã hội cũng ngày được chăm sóc tốt hơn trước.
Một vùng đất U Minh Hạ, khó khăn ngày nào đang được chuyển mình vươn dậy. Dẫu sự chuyển mình này sau một thời gian dài ngủ quên nên bước đi còn chập choạng, khó khăn.