ThienNhien.Net – Đó là nhận định của các cơ quan chức năng có liên quan đến công tác quản lý, phát triển và bảo vệ rừng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, tại Hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên và những tỉnh gần kề nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
Máu rừng vẫn chảy
Những ngày qua chúng tôi đi về các khu rừng phòng hộ như Phú Ninh, Sông Tranh, các địa phương như Bắc Trà My, Phước Sơn tỉnh Quảng Nam… vẫn gặp cảnh lâm tặc lén lút vận chuyển gỗ lậu bằng xe máy.
Ông Đoàn Tất Chẩn – Giám đốc BQL rừng phòng hộ (RPH) Sông Tranh cho biết: Đơn vị quản lý lâm phận lên đến 59.886,6 ha, nằm trên địa bàn 15 xã của 3 huyện Nam, Bắc Trà My và Phước Sơn. Địa bàn quá rộng mà BQL không được xử lý lâm tặc, nghĩa là mỗi khi phát hiện một vụ phá rừng thì chúng tôi phải gọi kiểm lâm để bàn giao cho họ xử lý. Vì thế lâm tặc tranh thủ vận chuyển gỗ đi nơi khác và thậm chí coi thường cán bộ BQL.
BQL cũng cho biết, mới đây đã phát hiện 3 vụ khai thác, vận chuyển và cất giữ gỗ trái phép, tạm thu giữ 29,69 m3 gỗ các loại. Thu giữ 1 máy cưa lốc và một số phụ tùng phục vụ cho khai thác gỗ trái phép.
Ngoài ra đã phối hợp với chính quyền địa phương xã, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, Hạt Kiểm lâm RPH Sông Tranh, Hạt Kiểm Lâm Nam Trà My truy quét khai thác gỗ trái phép, phát hiện 4 vụ, tạm thu giữ 36,622 m3 các loại. Ngăn chặn 9 hộ xâm canh chặt phát rừng làm nương rẫy, với diện tích 7,59 ha. Ngoài ra còn phát hiện những vụ khai thác vàng tàn phá rừng trong lâm phận để báo cáo cơ quan chức năng.
Theo BQL rừng phòng hộ Phú Ninh, lâm phận này cũng đã có trên 50 vụ xâm lấn, chặt phá, vận chuyển lâm sản trái phép mà BQL đã xử lý hoặc chuyển các đơn Hạt Kiểm lâm xử lý. Trong đó có 6 vụ lấn chiếm rừng với diện tích 36.040m2. Qua tìm hiểu và đi thực tế của phóng viên, những khu vực mà lâm tặc hay tấn công rừng phòng hộ như Hố Trầu, Dương Mốc, Đồng Vòng… luôn là điểm nóng.
Còn trên địa bàn huyện Phước Sơn, vùng giáp ranh giữa địa bàn xã Phước Hiệp huyện Phước Sơn và xã Hiệp Hòa huyện Hiệp Đức, nhiều năm nay tình trạng phá rừng diễn ra liên miên. Dù khu vực này được quy hoạch là rừng tự nhiên do UBND xã Phước Hiệp và Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn quản lý, nhưng hàng trăm héc ta đã biến thành rừng sản xuất.
Người dân địa phương do lợi nhuận trước mắt vẫn lén lút triệt hạ gỗ rừng, rồi đốt cháy lấn chiếm đất trồng cây, tuy cách hành xử có khác hơn, khó phát hiện hơn. Còn lâm tặc chỉ đem ra ngoài số gỗ quý có đường kính lớn, các cây nhỏ đều được phóng lửa phi tang.
Thống kê của UBND xã Phước Hiệp cho thấy, đã có gần 40 trường hợp xâm canh trồng keo, cao su, bời lời tại các tiểu khu giáp ranh với Hiệp Đức như 645, 646, 653… với diện tích lên đến hàng trăm héc ta. Rừng tự nhiên khu vực rừng giáp ranh giữa Phước Hiệp với Hiệp Hòa bị xâm hại chủ yếu tại các khoảnh 2, 4, 5, 6 thuộc tiểu khu 653. Tuy nhiên, do xử lý thiếu triệt để nên tình trạng xâm hại rừng vẫn dai dẳng.
Không chỉ ở các địa phương nêu trên mà tình trạng phá rừng dai dẳng ở hầu hết các huyện miền núi. Có nơi lắng xuống một thời gian rồi bùng phát mạnh. Lâm tặc dùng trâu bò vận chuyển gỗ trong rừng, rồi sau đó dùng xe ôtô hay vận chuyển theo các dòng sông. Đã phát hiện không ít vụ phá rừng, thậm chí đã truy tố nhiều lâm tặc và có cả cán bộ BQL rừng. Thế nhưng “máu rừng” vẫn tiếp tục chảy.
Trên thực tế, “máu rừng” vẫn tiếp tục chảy và cuộc chiến chống lâm tặc sẽ không hiệu quả, nếu chỉ giao phó cho BQL rừng. Do đó để bảo vệ rừng cần cả hệ thống chính trị vào cuộc và phải quyết liệt với lâm tặc, xử lý nghiêm bất kể là ai tiếp tay hay trực tiếp tàn phá rừng thì mới có cơ may bảo vệ được rừng.
Thủ đoạn phá hoại sẽ tinh vi và phức tạp hơn
Trung tá Vũ Như Hà – Trợ lý tác chiến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng, nhằm thực hiện tốt các biện pháp công tác biên phòng, phát huy tổng hợp sức mạnh của các ngành, đoàn thể, lực đứng chân trên địa bàn bảo vệ được tài nguyên rừng, môi trường sinh thái biển và để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ UBND tỉnh giao.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phát hiện, tố giác đấu tranh với các hoạt động vi phạm. Không để xảy ra lấn chiếm đất rừng.
Ngoài thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc các đối tượng chuyên mua bán sản phẩm khai thác từ rừng như động vật hoang dã, quý hiếm, than, gỗ và các đối tượng chuyên khai thác và tiêu thụ lâm sản, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh sẽ chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, không để xảy ra cháy trên diện tích nhận giao khoán bảo vệ.
Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý giáo dục cán bộ chiến sỹ, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực tiếp tay cho các đối tượng chặt phá cây rừng, săn bắn thú rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, các cá nhân vi phạm. các đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm tra, quản lý, kịp thời phát hiện, báo cáo bộ chỉ huy những hoạt động lợi dụng khai thác, phá rừng làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng của các cá nhân, tổ chức để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Theo ông Nguyễn Khương- Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa: Khánh Hòa là một trong 20 tỉnh chưa hoàn thành công tác kiểm kê rừng theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Nên trước mắt, Chi cục đã lên phương án tiến hành tổng rà soát diện tích rừng trên địa bàn của tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục đã chỉ đạo cho các hạt kiểm lâm tham mưu cho các huyện, xã có rừng đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ kiểm kê rừng của các địa phương có rừng; phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện các bước thu thập bản đồ, số liệu phục vụ công tác điều tra trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến nay, đã thành lập được 5 Ban chỉ đạo kiểm kê rừng cấp huyện với 43 thành viên trên địa bàn các huyện: Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa; 08 tổ kiểm kê rừng cấp huyện với 61 thành viên và 102 tổ kiểm kê rừng cấp xã với 512 thành viên tại các xã có rừng. Cấp tỉnh cũng đã thành lập Tổ kiểm kê rừng để tiếp nhận kết quả điều tra trên địa bàn toàn tỉnh do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam bàn giao để thực hiện công tác kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cũng theo ông Khương nếu làm tốt nhiệm vụ kiểm kê rừng, cần nắm được diện tích, độ che phủ và đất rừng để các cơ quan chức năng có phương án quản lý tốt hơn. Ví dụ như: đất và rừng nào đã giao khoán cho người dân quản lý; đất, rừng chưa giao khoáng và diện tích đất, rừng đã giao khoáng cho các đơn vị để có kế hoạch quản lý chặt chẽ hơn.
Còn theo ông Lê Phước Đức- Chánh Văn phòng Sở NNPTNT Khánh Hòa, hiện Sở NNPTNT tỉnh này đang triển khai 7 dự án Lâm sinh để phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020: tại huyện Khánh Vĩnh có 2 dự án; còn tại các huyện Khánh Sơn, Cam Lâm, Vạn Ninh, Rừng Hòn Bà và thị xã Ninh Hòa cũng sẽ có 5 dự án trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng, bên cạnh đó, các dự án phòng cháy chữa cháy và làm đường ranh cản lửa cũng được triển khai, đặc biệt là dự án khôi phục rừng ngập mặn tại các vùng ven biển. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với những dự án vẫn là nguồn ngân sách.