ThienNhien.Net – Trước sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hai Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời xây dựng, ban hành chính sách tạo việc làm, chuyển đổi nghề, khắc phục môi trường để ngư dân ổn định cuộc sống.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã có cuộc trao đổi với các phóng viên về nội dung Đề án và các phương án hỗ trợ đối với 263 nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
Thưa Thứ trưởng, trước khi có thông tin chính thức về việc Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho ngư dân miền Trung sau sự cố cá chết hàng loạt, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách hỗ trợ sinh kế cho ngư dân tại 4 tỉnh chịu ảnh hưởng. Thứ trưởng có thể cho biết nội dung cụ thể của Đề án này?
Mới đây, Bộ trưởng Lao động –Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có chuyến khảo sát tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh trong thời gian tới để có giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do công ty Formosa gây ra.
Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ, việc quan trọng nhất là hỗ trợ sinh kế cho người dân, cần có một Đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, trong đó ưu tiên một số huyện nghèo ven biển bị ảnh hưởng.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động, một số chương trình có chi phí thấp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và doanh nghiệp triển khai, Bộ sẽ ưu tiên hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng. Có thể kể đến Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký kết lại trong tháng 5/2016.
Năm nay, Chương trình đặt ra chỉ tiêu cho 3.500 lao động Việt Nam, Bộ sẽ dành ưu tiên cho những huyện ven biển bị ảnh hưởng. Bộ cũng sẽ dỡ bỏ quy định hạn chế các địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tham gia Chương trình EPS đối với tất cả các huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Chương trình có chi phí thấp thứ hai là IM Japan của Nhật Bản. Theo quy định, người lao động có đủ các điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ khi tham gia chương trình này sẽ được đào tạo trong 6 tháng, tất cả các chi phí do Tổ chức IM Japan chi trả.
Làm việc theo chương trình này, người lao động được lĩnh lương khoảng 800 – 1.000 USD/tháng; ngoài ra, người lao động được hỗ trợ thêm khoảng 2.000 USD/năm. Chương trình này đang phân phối đều cho các địa phương nhưng trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tập trung hỗ trợ cho các huyện bị ảnh hưởng.
Đối với các Chương trình xuất khẩu lao động do các doanh nghiệp thực hiện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước làm việc với các doanh nghiệp để ưu tiên triển khai hỗ trợ cho người dân ở vùng bị ảnh hưởng.
Có thể kể đến chương trình đánh bắt cá gần bờ của Hàn Quốc hiện đang giao cho 8 doanh nghiệp của Việt Nam với chỉ tiêu là 600 người và Chương trình đánh bắt cá gần bờ của Đài Loan. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã yêu cầu cơ quan quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Đài Loan thảo luận cụ thể với các đối tác để tăng chỉ tiêu cho các lao động vùng bị ảnh hưởng có nguyện vọng sang làm việc; đồng thời triển khai việc hỗ trợ trực tiếp không qua môi giới và doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí cho người lao động.
Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Thái Lan đã được ký kết. Theo đó, từ 1/7, Thái Lan chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam ở hai nghề: đánh bắt cá gần bờ và xây dựng, sau đó sẽ mở rộng ra các ngành nghề khác. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao cho các cơ quan chức năng hỗ trợ người lao động có thể tìm việc được ở Thái Lan. Phía bạn cũng đã cam kết lao động Việt Nam sang làm việc sẽ không mất chi phí môi giới.
Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng ưu tiên cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tham gia Chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức.
Về mặt chính sách, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động thuộc hộ nghèo ở các huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường được áp dụng theo cơ chế của Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020.
Đối với các lao động không thuộc hộ nghèo, Bộ sẽ đề nghị áp dụng theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, bởi người dân bị mất ngư trường cũng giống người dân bị thu hồi đất, cần được hỗ trợ.
Đối với lĩnh vực dạy nghề và tạo việc làm, những lao động thuộc hộ nghèo ở vùng ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, giới thiệu việc làm. Ngoài ra, Bộ sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi việc làm, ưu tiên giới thiệu việc làm không chỉ tại địa phương mà còn ở tỉnh lân cận.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định trong bất cứ tình huống nào cũng cần chuẩn bị các phương án chủ động nhất để hỗ trợ người dân có sinh kế mới. Đề án về dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động cho người dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường đang được xây dựng theo tinh thần khẩn trương nhất.
Có những chính sách cần trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng có những chính sách Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thể làm ngay. Đề án này không chỉ kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, chừng nào môi trường biển trở lại trong sạch, người dân có thể sống được với nguồn lợi từ biển, chừng đó Đề án này mới có thể kết thúc.
Đề án hướng đến cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Hai mục tiêu này cần được hài hòa, bởi nếu chỉ tập trung vào các phương án dài hạn, rất khó bảo đảm các nhu cầu trước mắt nhưng nếu chỉ tập trung các phương án trước mắt, tạo sinh kế ngắn hạn, câu chuyện về tạo việc làm bền vững sẽ là thách thức lớn.
Hai nhóm đối tượng được quan tâm tại Đề án, đó là: đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và đối tượng chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi sự cố môi trường. Bộ đã giao trách nhiệm cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham vấn nhu cầu của người dân.
Đề án về dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động cho người dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường có tính đa dạng về các đối tượng; mỗi nhóm đối tượng sẽ có sự hỗ trợ phù hợp. Các địa phương cần có trách nhiệm trong việc nắm rõ nhu cầu người dân – Đó là một quá trình lâu dài cần có sự tham vấn của cộng đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho Chính phủ những chính sách gì để hỗ trợ sinh kế cho bà con ngư dân, thưa Thứ trưởng?
Theo tính toán của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có khoảng 263 nghìn lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố của Formosa, trong đó có 100 nghìn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và 163 nghìn lao động bị ảnh hưởng gián tiếp.
Qua buổi làm việc vào ngày 4/7 giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, cần có ít nhất hai nhóm giải pháp để triển khai. Nhóm giải pháp thứ nhất là đối với những lao động hiện nay đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm.
Nhóm giải pháp thứ hai là mảng sinh kế, dạy nghề, xuất khẩu lao động, việc làm của người dân do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự kiến trình Chính phủ cho phép các hộ dân được vay vốn với lãi suất thấp, cải tạo máy tăng công suất…
Đối với lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc đào tạo nghề, việc làm, xuất khẩu lao động vẫn là các chính sách thường xuyên. Những chính sách về xuất khẩu lao động đối với các hộ nghèo, người bị thu hồi đất và tương tự là những người bị mất ngư trường đều đã có.
Tuy nhiên, đối tượng hỗ trợ hiện đã tăng lên bởi trước đây ngư dân có thể bám biển, hưởng nguồn lợi từ biển nhưng giờ không còn sinh kế từ biển, vì vậy nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cần tập trung hỗ trợ.
Những người dân vùng biển phải sống được nhờ biển, sinh kế từ biển nên việc chuyển đổi tất cả người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường sang ngành nghề khác là câu chuyện không khả thi và không nên làm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang thảo luận với các đối tác để ngư dân vùng bị ảnh hưởng có thể chuyển sang vùng biển tương tự khác để làm công việc đánh bắt thủy sản để khi môi trường biển của Việt Nam trở lại bình thường có thể quay lại làm việc.
Đối với một bộ phận lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện việc đào tạo, chuyển đổi sao cho sát với yêu cầu của người lao động và nhu cầu thực tế của thị trường.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam cần có một Chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế biển, trong đó có các chính sách an sinh xã hội để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Thứ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đã được quy định rõ trong các Luật liên quan, trong đó có quy định rõ: Tùy thuộc vào tình hình kinh tế – xã hội, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ về đối tượng đóng, mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với những lao động đang đóng bảo hiểm xã hội nhưng bị gián đoạn bởi sự cố môi trường, không thể ra khơi. Ngay cả các quy định về bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được thiết kế để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do sự cố môi trường.
Cục Việc làm đang đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định các doanh nghiệp tuyển dụng lao động vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vào làm việc sẽ được hỗ trợ một phần trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp Chính sách an sinh xã hội đang là vấn đề lớn và khá phức tạp vì các sự cố khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau. Trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là nghiên cứu các chính sách hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!